Cần tránh ăn ‘kẹo lạ’ nguồn gốc không rõ ràng bán tràn lan

Thời gian qua trên địa bàn nhiều tỉnh thành đã xảy ra không it vụ học sinh ngộ độc do ăn kẹo lạ mua tại cổng trường điều này đòi hỏi phải có cách ngăn chặn triệt để.

Liên tiếp xảy ra vụ ngộ độc do ăn kẹo 'lạ' mua tại cổng trường

Công an huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, vào sáng 24/11, em A. và P. ăn mì tôm và chân gà bách thảo tại căng tin nhà trường. Sau đó, hai em ra ngoài cổng trường và được một người đàn ông khoảng 60 tuổi tiếp cận, xưng là người quen của gia đình, cho ăn kẹo. Khoảng 10h20 cùng ngày, hai học sinh có dấu hiệu mệt, co giật, khó thở. Các em được nhà trường sơ cứu và liên hệ với phụ huynh đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tân Châu cấp cứu.

Trước đó tại Bình Phước, có việc 8 học sinh trường tiểu học trên địa bàn thành phố bị ngộ độc thực phẩm. Thông tin ban đầu, trước đó, một học sinh lớp 4, trường Tiểu học Tân Thành mua gói kẹo ở ngoài cổng trường rồi chia cho 18 bạn cùng ăn. Khoảng 1 giờ sau khi ăn, 8 học sinh có biểu hiện ngộ độc thực phẩm như sốt, đau bụng, đau đầu, nôn ói.

can-tranh-an-keo-la-nguon-goc-khong-ro-rang-ban-tran-lan

Tình trạng học sinh bị ngộ độc do ăn kẹo mua tại cổng trường học vẫn thường xuyên xảy ra. Ảnh: VnExpress

Tại Cao Bằng, ngày 7/9/2023 có 25 học sinh Trường Tiểu học Việt Chu, xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang, Cao Bằng mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn sau khi ăn kẹo và thạch rau câu mua trước cổng trường. Bác sĩ Nguyễn Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang, cho biết các em nghi bị ngộ độc thực phẩm. Đây là lần đầu trung tâm tiếp nhận nhiều trường hợp nghi ngờ ngộ độc cùng lúc. Sau khi được truyền dịch, sức khỏe 20 em ổn định nên được về nhà. 5 em còn lại được các bác sĩ tiếp tục theo dõi, không có trường hợp nguy kịch.

Tại Quảng Ninh, ngày 25/11, UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh thông tin trên địa bàn vừa xảy ra vụ 5 học sinh Trường THCS thị trấn Cái Rồng nghi bị ngộ độc thực phẩm do ăn một loại kẹo lạ có in chữ nước ngoài được bán ở khu vực gần trường. Cụ thể, trong giờ giải lao, các em học sinh đã đi ra quán tạp hóa phía sau trường mua kẹo ăn, sau đó một số em xuất hiện các biểu hiện nghi ngộ độc. Sau khi xảy ra sự việc nhà trường đã rà soát và phát hiện có tổng cộng 126 em sử dụng loại kẹo này. Trong đó có 5 em học sinh xuất hiện biểu hiện tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở, 121 em chưa có biểu hiện bất thường về sức khỏe.

Theo thông tin ban đầu từ UBND huyện Vân Đồn, loại kẹo các em học sinh mua ăn có chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt được quán bách hóa gần trường bày bán. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thu toàn bộ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ để điều tra làm rõ, đồng thời gửi mẫu để kiểm tra thành phần có trong kẹo.

Còn tại TP. Hà Nội tại nhiều điểm trường học trên địa bàn như trường Tiểu học Dịch vọng B, trường Tiểu học Nghĩa Đô, trường Trung học Cơ sở Cầu Giấy... Các sạp hàng rong, cửa hàng tạp hóa đang bày bán các loại kẹo hình mắt người, thực phẩm, đồ ăn nhanh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Loại kẹo dẻo có hình con mắt “kinh dị” này đang là mặt hàng bán rất chạy ở các hàng quán gần cổng trường học Hà Nội. Theo chủ cửa hàng, khách hàng của những sản phẩm này hầu hết là trẻ em. Chủ cửa hàng này cho biết: "Con nít thích lắm, có nhiều loại giá khác nhau, loại rẻ thì 2.000 đồng, 5.000 đồng. Đương nhiên, kẹo rẻ thì chất lượng không cao được".

Cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng

Liên quan tới thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tại cổng trường học theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn dễ gây ra các vấn đề ngộ độc tức thời như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa... Điều lo ngại hơn, những thực phẩm này còn tác động âm thầm khi trẻ ăn, uống, tiếp xúc trong một thời gian dài và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Đề cập đến giải pháp của vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, để giải quyết triệt để các quán hàng rong tại cổng các trường học cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Trước hết, ban giám hiệu nhà trường, hội phụ huynh học sinh cần phải tìm ra biện pháp để ngăn chặn những thực phẩm này để không thể tiếp cận được đến tay học sinh.

Trong gia đình, cha mẹ cần quan tâm giáo dục con em mình về những tác hại của thực phẩm “3 không” đối với sức khỏe. Tại các nhà trường nên kiểm soát, tạo cuộc vận động và xây dựng phong trào vệ sinh, an toàn thực phẩm, học sinh toàn trường không ăn quà vặt không rõ nguồn gốc. Còn cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các loại thực phẩm mất an toàn bày bán trước cổng trường.

Thay vào đó, mua cho các em những loại thực phẩm có nhãn mác, được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu rõ ràng. Đối với căng-tin trường học, phải tuân thủ nghiêm túc vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến thức ăn, tuyệt đối không bán đồ ăn, thức uống không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Có như vậy mỗi ngày đến trường của các em học sinh mới thật sự là một ngày vui.

Theo VietQ