Coi chừng ngộ độc khi mua vitamin A liều cao rao bán tràn lan trên mạng

Vitamin A liều cao đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với giá rẻ từ 8.000 - 15.000 đồng/viên. Theo các bác sĩ, dù sản phẩm này có nguồn gốc rõ ràng nhưng nếu sử dụng không hợp lý có thể gây nguy hại khôn lường.

Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Bổ sung vitamin A liều cao là một trong những giải pháp hiệu quả giúp phòng chống các bệnh về mắt do thiếu vitamin A, cũng như tăng đề kháng, giúp trẻ phát triển tốt.

Tuy nhiên hiện nay, vitamin A hàm lượng cao không được bán ở các hiệu thuốc (chỉ có vitamin A liều thấp). Song, lợi dụng sự khan hiếm vitamin A trong hệ thống y tế công, mặt hàng này đang được rao bán công khai trên mạng xã hội với nhiều mức giá.

Ghi nhận của báo chí cho thấy, chỉ cần gõ cụm từ “vitamin A liều cao”, “vitamin A xách tay” trên công cụ tìm kiếm của Facebook có thể cho ra rất nhiều kết quả về thông tin rao bán vitamin A liều cao với các cụm từ “vitamin A xách air”, “vitamin A miễn thuế”, “vitamin A nhập khẩu”… cùng những lời cam kết “hàng chuẩn”.

Đơn cử như nickname BabyMart Ninh Bình, V.D, H.B… đang rao bán vitamin A liều cao với giá từ 8.000 - 20.000 đồng/viên, cùng những lời khẳng định: “Vitamin A liều cao giúp cho đôi mắt khỏe, giữ cho đôi mắt sáng, không bị quáng gà, khô mắt…”.

Theo thông tin từ nickname H.B, vitamin A Apavk được “xách tay" bằng đường hàng không từ Ấn Độ và hiện đang phân phối cho nhiều nhà thuốc lớn nhỏ trên địa bàn phía Bắc. Tuy nhiên theo tìm hiểu các sản phẩm được rao bán này đều không thể hiện nhãn phụ bằng tiếng Việt, không được cấp Số đăng ký lưu hành đối với thuốc.

coi-chung-ngo-doc-khi-mua-vitamin-a-lieu-cao-rao-ban-tran-lan-tren-mang

 Vitamin A liều cao rao bán công khai trên mạng. Ảnh: Báo Công Thương

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, vitamin A có vai trò rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu dùng không hợp lý hoặc liều cao kéo dài không đúng theo yêu cầu khuyến nghị sẽ để lại nhiều hệ luỵ thừa vitamin A.

“Chưa nói các đối tượng được uống bổ sung vitamin A định kỳ theo các chương trình của Chính phủ hay thói quen người dân tự dùng thực phẩm chức năng trong đó có vitamin A, các chế độ ăn mà bản thân nhiều người dùng có chứa hàm lượng vitamin A nhiều có thể gây ra vàng da do thừa vitamin A. Người dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh các hệ luỵ không mong muốn”, bác sĩ Hưng cảnh báo.

Theo bác sĩ Hưng, ngay cả việc sử dụng vitamin A có xuất xứ đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng được Bộ Y tế phê duyệt cũng đã để lại những hệ luỵ nếu lạm dụng chứ chưa nói đến việc vitamin A bán tràn lan trên mạng trên mạng xã hội.

Chuyên gia y tế cho rằng, việc mua bán vitamin A liều cao tràn lan, không rõ nguồn gốc và hạn sử dụng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Điển hình là tình trạng ngộ độc cấp tính hoặc ngộ độc mạn tính do uống quá nhiều vitamin A liều cao.

Ngoài ra, bác sĩ Hưng cho rằng, mọi người nếu cần bổ sung vitamin A nên sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau. Thực phẩm chứa nhiều vitamin A như gan động vật, lòng đỏ trứng, bơ, sữa… dễ hấp thu. Thực phẩm chứa nhiều caroten có nguồn gốc từ thực vật như rau muống, rau ngót… Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu Vitamin A và vitamin D.

Bác sĩ CKI Trần Thị Hiếu - phụ trách khoa dinh dưỡng, tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cũng cho rằng, việc mua bán vitamin A liều cao tràn lan, không rõ nguồn gốc và hạn sử dụng rất có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Điển hình là tình trạng ngộ độc cấp tính hoặc ngộ độc mạn tính do uống quá nhiều vitamin A liều cao. Với ngộ độc cấp tính là đưa lượng lớn vitamin A liều cao trong thời gian ngắn, còn mạn tính là đưa lượng vitamin A liều cao quá khuyến nghị trong một thời gian dài.

Đối với trẻ nhỏ khi bị ngộ độc vitamin A liều cao cấp tính trẻ sẽ bị co giật, tăng áp lực nội sọ, thóp phồng, ói mửa… Những triệu chứng ngộ độc mạn tính khác như: chán ăn, buồn nôn, đau bụng, chậm phát triển, loét miệng, vàng da lòng bàn tay… Do đó, khi có các chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao của địa phương ở các trạm y tế phường, xã, phụ huynh nên đưa trẻ đi uống.

Bác sĩ Sơn cũng nhấn mạnh, vitamin A còn có thể tương tác với rượu, một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ khi sử dụng các thuốc này. Đặc biệt, bổ sung quá mức vitamin A khi mang thai có nguy cơ gây ra dị tật thai nhi tùy thuộc vào mức độ vitamin A dư thừa và giai đoạn mang thai. Nguy cơ tăng cao đối với 60 ngày đầu tiên sau khi thụ thai.

Bởi vậy chỉ nên bổ sung vitamin A liều cao theo chỉ định của bác sĩ và theo chương trình uống bổ sung vitamin A hằng năm dành cho trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Không nên tự ý bổ sung vitamin A liều cao, càng không nên mua những viên vitamin A bày bán tràn lan trên mạng, không đảm bảo chất lượng.

Thông tư số: 16/2019/TT-BYT Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 3-7: 2019/BYT đối với vitamin A để bổ sung vào dầu thực vật

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, yêu cầu quản lý và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đối với vitamin A để bổ sung vào dầu thực vật.

Vitamin A để bổ sung vào dầu thực vật phải được tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm dựa trên kết quả kiểm nghiệm của phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17025; thủ tục tự công bố sản phẩm thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Quy chuẩn này cũng quy định việc ghi nhãn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Quy định tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm về sản phẩm, bảo đảm sản phẩm phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật tại Quy chuẩn này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Thực hiện công bố hợp quy dựa trên tự công bố sản phẩm theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Theo VietQ