Dừng ngay phiên livestream nếu phát hiện vi phạm bán hàng giả, hàng nhái

Bộ Công thương cho rằng, các nền tảng cần cam kết có công cụ để dừng ngay phiên bán hàng trực tuyến nếu phát hiện vi phạm bán hàng giả, hàng nhái

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích, kết nối người dùng mọi lúc, mọi nơi. Tận dụng tính năng này, nhiều người dùng mạng xã hội đang sử dụng hình thức livestream (phát trực tiếp) cho nhiều mục đích khác nhau như bán hàng trực tuyến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm….

Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung mang tính tích cực, lợi dụng sự ảnh hưởng và tốc độ lan truyền nhanh chóng của không gian mạng với tính năng livestream, những năm gần đây mạng xã hội trở thành nơi phát tán nội dung phản cảm, xấu độc. Thậm chí có người chuyên dùng livestream để bày tỏ chính kiến cá nhân bằng những ngôn từ tục tĩu, trái với thuần phong mĩ tục. Đi xa hơn, đó là việc dùng hình thức livestream để bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, vi phạm pháp luật, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại gây ra không ít hệ lụy.

Dừng ngay phiên bán hàng trực tuyến nếu phát hiện vi phạm

Theo Bộ Công Thương, livestream bán hàng đang là kênh rất hiệu quả trên các nền tảng mạng xã hội, tuy nhiên người tiêu dùng cũng dễ dàng mua phải hàng kém chất lượng. Để quản lý sẽ tăng cường giám sát, gắn với trách nhiệm của người nổi tiếng khi livestream bán hàng, trong khi đó các nền tảng cam kết có công cụ để dừng ngay phiên bán hàng trực tuyến nếu phát hiện vi phạm.

Thời gian qua, không ít nghệ sỹ, người có tầm ảnh hưởng hay còn gọi là KOLS vướng lùm xùm khi livestream quảng cáo bán hàng sai sự thật, chức năng công dụng của sản phẩm. Hậu quả, nhiều người dùng mua phải sản phẩm kém chất lượng, dễ bị lừa chốt đơn trực tiếp khi xem livestream.

dung-ngay-phien-livestream-neu-phat-hien-vi-pham-ban-hang-gia-hang-nhai

Cần rà soát, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, tạm dừng phiên livestream ngay khi phát hiện vi phạm. Ảnh minh họa

Những tháng cuối năm, để kích cầu sức mua, nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng cũng như các cơ sở kinh doanh đang đẩy mạnh thực hiện phương thức bán hàng này. Song điều này cũng đặt ra yêu cầu với các nền tảng mạng xã hội, cơ quan quản lý về việc siết chặt tình trạng vi phạm trên.

Bộ Công Thương cho biết, sẽ tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday 2023 từ ngày 1-3/12, với kỳ vọng 3 triệu đơn hàng được chốt trong 60 giờ mua sắm trực tuyến. Ngay tại các phiên livestream, Ban tổ chức sẽ rà soát, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, tạm dừng phiên livestream ngay khi phát hiện vi phạm.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, CEO TikTok Việt Nam, cho biết hàng ngàn phiên livestream sẽ diễn ra hàng giờ, kỳ vọng người tiêu dùng được trải nghiệm gian hàng và hưởng ưu đãi trên các nền tảng.

Về vấn đề hỗ trợ chốt đơn livestream từng giây, ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết, TikTok Shop sẽ có chính sách quản lý chặt chẽ việc hàng hóa nào sẽ được đưa lên nền tảng. “Người bán muốn đưa sản phẩm lên nền tảng của chúng tôi thì phải học một khóa học về chính sách bản quyền, chống hàng giả. Nếu vi phạm sẽ bị yêu cầu xóa và gỡ tài khoản của người bán ra khỏi nền tảng”, ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết thêm.

Để giám sát điều này, CEO TikTok khẳng định sẽ có ứng dụng báo cáo để người xem có thể trực tiếp phản ánh về chất lượng hàng hóa, từ đó nền tảng có biện pháp xử lý. Nếu vi phạm sẽ bị dừng livestream.

Cần phải phát triển mua sắm trực tuyến bền vững, lành mạnh

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, Tổng Giám đốc Accestrade Việt Nam, trong bối cảnh sức mua giảm, thì kênh online nổi lên là điểm sáng. Báo cáo quý III/2023 cho thấy, các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok đều tăng trưởng, phản ánh xu hướng người dùng chuyển sang kênh online nhiều hơn.

Song ông Hưng nhấn mạnh cần phải phát triển mua sắm trực tuyến bền vững. Các sàn làm việc với thương hiệu để giảm giá, đảm bảo chất lượng hàng hóa đúng như quảng cáo.

Thực tế dù tăng trưởng nhưng thương mại điện tử mới chiếm 10% trong tổng bán lẻ trên toàn quốc, nên cần lan tỏa để người dân dần quen mua sắm online. Đây là kênh bán hàng từ nhà máy tới người tiêu dùng, bớt khâu trung gian, kích thích mua sắm.

Về phía Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhấn mạnh quan điểm của Bộ là tăng cường quản lý và phát triển sàn thương mại điện tử của Việt Nam một cách lành mạnh.

Bộ Công Thương đã triển khai các nhóm giải pháp tổng thể tăng cường giám sát các hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử. Cụ thể là các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng website bán hàng, mạng xã hội… Đồng thời, xây dựng công cụ quản lý thông qua ứng dụng công nghệ số.

“Chúng tôi sẽ cùng với lực lượng quản lý thị trường xây dựng kế hoạch tăng cường giám sát chống gian lận thương mại. Việc giám sát được đẩy mạnh sẽ đảm bảo niềm tin cho người dùng mua sắm online”, bà Huyền cho biết.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, nhấn mạnh việc bảo vệ người tiêu dùng trước, trong và sau quá trình mua sắm trực tuyến. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (sửa đổi) đã quy định rõ trách nhiệm của các nền tảng số trong việc đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, Luật cũng chỉ ra trách nhiệm của người nổi tiếng, KOLS trong việc quảng cáo bán hàng livestream.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần mua sắm một cách thông minh. Muốn như vậy, các doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng, giúp họ hiểu rõ mình mua sản phẩm gì, vận chuyển ra sao, hoàn trả như thế nào...

Trong quá trình tiến hành giao dịch, cơ quan quản lý của Bộ Công Thương, cũng như Sở Công Thương các tỉnh thành đều có bộ phận quản lý thương mại hỗ trợ, giải quyết thắc mắc của người tiêu dùng.

Vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại gây tác hại gì?

Hàng giả là những sản phẩm hàng hóa được sản xuất trái pháp luật, có hình dáng giống như những sản phẩm, hàng hóa được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường hoặc những sản phẩm, hàng hóa không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó; là loại sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu hàng hóa giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm, hàng hóa thật.

Hàng giả bao gồm giả chất lượng và công dụng. Hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa.

Giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: Hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa; giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa.

Giả mạo về sở hữu trí tuệ: Gồm hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hóa là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả: Gồm các loại đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.

Tác hại của hàng giả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội: Hàng giả tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội. Hàng giả còn gây hậu quả phức tạp, nặng nề về mặt đạo đức và xã hội.

Đối với người tiêu dùng: Việc mua và sử dụng hàng giả làm thiệt hại đến lợi ích kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, nhất là các sản phẩm như: thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm giả.

Đối với doanh nghiệp: Hàng giả làm giảm trực tiếp doanh thu, lợi nhuận, uy tín của doanh nghiệp; gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng.

Để nhận biết hàng giả, người tiêu dùng cần: Chủ động trang bị các kiến thức tiêu dùng cho mình; tham khảo từ nhiều nguồn thông tin khác nhau như từ những người xung quanh, đặc biệt là nhà sản xuất, phân phối, các hiệp hội ngành hàng, hội bảo vệ người tiêu dùng và từ các cơ quan chuyên môn; tham quan và tìm hiểu thông tin tại các cuộc triển lãm hàng thật - hàng giả.

Theo VietQ