'Cao thủ' hàng giả Trung Quốc bị kiện gần 7 triệu USD tại Mỹ

Bà Xu Ting bị kiện vì buôn hàng giả 8 thương hiệu thời trang cao cấp, buộc bồi thường 6,9 triệu USD tại Mỹ. Tuy nhiên, trong 7 năm liên tục, Xu Ting chưa từng xuất hiện tại tòa.

Gucci, Louis Vuitton là 2 trong số 8 thương hiệu thời trang cao cấp bị Xu Ting, một phụ nữ 45 tuổi người Trung Quốc, đang sống tại Mỹ, làm giả. Theo Business Insider, năm 2008, nhân vật này bị kiện và phải bồi thường cho nhãn hàng Chanel 6,9 triệu đôla Mỹ.

Tuy nhiên, Xu Ting chưa từng xuất hiện tại tòa và cũng không trả tiền bồi thường. Hiện tại, bà vẫn cư trú hợp pháp tại Mỹ và hưởng thụ cuộc sống thoải mái ở vùng ngoại ô với công việc kinh doanh riêng.

Vấn nạn hàng giả ở Mỹ không được liệt vào danh sách cần ưu tiên giải quyết như rửa tiền hay buôn lậu ma túy. Sự mâu thuẫn giữa luật Trung Quốc và luật phương Tây càng tạo điều kiện để những người buôn hàng giả hành nghề. Do đó, việc trị tận gốc những ông trùm hàng giả càng khó khăn hơn.

Các công ty ở Mỹ dù đã chi hàng triệu USD cho các chiến dịch bảo vệ thương hiệu nhưng chỉ giải quyết được bề nổi là đóng cửa các nhà sản xuất và phân phối hàng giả. Dù thế, ngay sau đó, các đơn vị này lại hoạt động bình thường.

Bằng chứng là sau khi bị kiện từ năm 2008, vài năm qua, bà Xu Ting chỉ đơn giản từ chối xuất hiện tại các phiên tòa. Theo các hồ sơ công chúng và vụ kiện ở Trung Quốc, Mỹ, chồng của Xu Ting cũng tham gia vào hoạt động buôn bán hàng giả.

'Cao thủ' hàng giả Trung Quốc bị kiện gần 7 triệu USD tại Mỹ

Con phố hàng hiệu tại Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Theo Dan Plane, một luật sư của Công ty Simone chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn về sở hữu trí tuệ ở Hong Kong: "Có hàng triệu cách để vận hành hệ thống buôn hàng giả. Do đó, không gì có thể ngăn chặn bà Xu Ting ngoài cái chết hoặc bắt giữ bà ta".

Sau vụ kiện, việc buôn bán của bà Xu Ting tiếp tục phát triển. Năm 2009, một thẩm phán tại bang Florida một lần nữa buộc tội Xu Ting và cho đóng cửa bảy trang web được cho là đang chào bán những sản phẩm hàng nhái của Louis Vuitton, Marc Jacobs, và Celine. Tuy nhiên, Xu Ting lại từ chối xuất hiện tại phiên tòa. Vụ kiện này cũng không thể ngăn bà tiếp tục việc kinh doanh của mình.

Một năm sau, 4 nhãn hiệu bao gồm Gucci, Balenciaga, Bottega Veneta, và Yves Saint Laurent —thuộc tập đoàn Kering của Pháp — đệ trình một đơn kiện lên tòa án liên bang New York nhằm vào bà Xu Ting, chồng chưa cưới, em trai và mẹ bà ta cùng 6 đồng phạm khác. 

Họ bị kiện vì rao bán qua mạng các sản phẩm túi xách tay và ví giả trị giá hơn 2 triệu đôla cho các khách hàng tại Mỹ. Gucci cáo buộc rằng nhóm làm hàng giả này đã vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến một ngôi nhà ở San Diego để đóng gói lại và làm như hàng thật.

'Cao thủ' hàng giả Trung Quốc bị kiện gần 7 triệu USD tại Mỹ
Một phụ nữ chào bán hàng giả với du khách trên đường phố Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 20/3/2015. Ảnh: AP.

Eric Siegle, một luật sư tại thành phố New York cho rằng vụ kiện cáo của Gucci, giống như nhiều vụ khác, sẽ không thể làm gì những thế lực thực sự đứng đằng sau hoạt động buôn bán hàng giả này.

Siegle cho biết: "Những người mà họ đang bắt giữ hoặc khởi kiện tại Mỹ đều chỉ là cấp thấp. Nếu tìm thấy đích đến của dòng tiền thì họ hoàn toàn có thể nắm bắt được ngọn nguồn của vấn đề. Điều này giống như ở các cuộc chiến tranh ma túy vậy. Thành thử, câu hỏi là tại sao lại phải bắt giữ tất cả những người 'râu ria' làm gì?"

Gucci, nhãn hiệu đang trên đường đòi tiền bồi thường, lại không thể tìm ra đích đến của dòng tiền được lưu chuyển bởi các ngân hàng Trung Quốc, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương. Các nhà băng đều từ chối tiết lộ thông tin giao dịch liên quan đến tài khoản của những người làm hàng giả tại nước này.

Trong một thư điện tử, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói rằng: "Họ không thể thực hiện các yêu cầu đó mà không vi phạm pháp luật bản địa”.

'Cao thủ' hàng giả Trung Quốc bị kiện gần 7 triệu USD tại Mỹ
Cửa hàng của thương hiệu Chanel tại Bắc Kinh. Ảnh: Business Insider.

Trung Quốc là thị trường nguồn lớn nhất của các loại hàng giả bị thu giữ, trong đó nhiều nhất là hàng may mặc và phụ kiện. Foucart, một người không biết về Xu Ting cho biết, hàng cao cấp thường được làm tại Quảng Châu và vận chuyển bằng container hoặc chuyển phát nhanh tới Mỹ thông qua FedEx. Những hàng hóa này có thể được bán trong các cửa hàng hoặc ngoài chợ trời, nhưng phổ biến nhất vẫn là trên hệ thống trực tuyến.

"Thật không may, một khi bạn đóng cửa một trang web thì họ còn có hàng tá trang khác sẵn sàng đi vào hoạt động", ông Foucart nói.

Ông Mark Cohen, một cựu tùy viên sở hữu trí tuệ tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cho biết: "Yếu tố lớn nhất giúp thay đổi tình hình chính là các công ty nước ngoài phải giữ một thái độ quyết đoán hơn trong việc thực thi quyền của mình”.

Theo Zing