Nơi đây hàng trăm người vô tội chết vì đánh bom mỗi ngày, nhưng thế giới chẳng ai nói

Ngày 3/7, có 170 người chết vì bị đánh bom ở thủ đô Baghdad, Iraq. Đây được coi là một trong những vụ khủng bố nghiêm trọng nhất trong lịch sử Iraq. Nhưng không có sự quan tâm 24/7 của truyền thông, cũng chẳng có chế độ đổi màu avatar Facebook, hashtag #PrayForIraq lại càng không. Không ai nói gì, chẳng ai bàn gì...

Ngày 3/7, IS đã đánh bom làm chết hơn 170 người dân vô tội ở Karrada, trung tâm thành phố Baghdad Iraq. Nạn nhân hầu hết đều là thành viên các gia đình đang đi mua sắm cho kì nghỉ kết thúc tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi Giáo.

Có những gia đình chết không còn ai, có những người vật lộn trong đau đớn bỏng nặng. Tất cả chỉ bằng một trái bom gài trong xe tải.

Ngày 3/7, đã có 170 người chết vì bị đánh bom ở thủ đô Baghdad, Iraq.

Đây được coi là một trong những vụ khủng bố nghiêm trọng nhất trong lịch sử Iraq. Nhưng trái với quy mô, độ thảm khốc của nó, chẳng ai buồn quan tâm đến vụ việc tang thương ở tít tận Trung Đông này. Không có sự quan tâm 24/7 của truyền thông, cũng chẳng có chế độ đổi màu avatar Facebook, hashtag #PrayForIraq lại càng không. Không ai nói gì, chẳng ai bàn gì.

Cơ bản là, Iraq không phải Paris hay Orlando. Chắc là vậy.

Đó là những lời đăng trên Fanpage của cộng đồng người Hồi Giáo Islamic Currents Affairs vào ngày 4/7, chỉ 1 ngày sau vụ tấn công đẫm máu ở Baghdad. Tới nay, số lượt chia sẻ bài đăng này đã lên đến 142.878 lượt, cùng vói hơn 3 nghìn bình luận về vấn đề này. 

"Tại sao phương Tây không theo sát vụ này? Chuyện như thế này xảy ra thường xuyên ở các nước Hồi Giáo. Càng ngày càng trở thành sự kiện mang tính thường ngày rồi. Số người Hồi Giáo chết vì khủng bố Hồi Giáo cực đoan thậm chí còn nhiều hơn bất cứ người thuộc tôn giáo nào trên thế giới."

"Tương tự với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hay các quốc gia Hồi Giáo khác là nạn nhân của khủng bố. Điều đáng sợ là dường như chẳng ai quan tâm, như thể chẳng có gì xảy ra vậy. Truyền thông chỉ bênh vực cho những nước giàu mạnh chứ không phải những người thực sự cần đến công lý và sự giúp đỡ."

Thực tế đáng buồn là quả thật, Iraq, hay Afghanistan, hay Syria, hay Thổ Nhĩ Kỳ, hay Lebanon, tất cả đều đang bị chính thế giới, bị chính đồng loại mình quay lưng. Người thì vẫn chết mỗi ngày, bom vẫn nổ, các gia đình vẫn ly tán, con cái vẫn mất cha mẹ, vẫn mất anh chị em, và người ta thì vẫn chẳng buồn quan tâm.

Vụ đánh bom 3/7 được coi là vụ việc nghiêm trọng nhất trong lịch sự Iraq, thế nhưng chẳng ai buồn quan tâm.

Hiện đang là tháng ăn chay Ramadan của người Hồi Giáo. Người dân khắp nơi trên lãnh thổ Iraq tề tựu theo tiếng gọi của lòng tin, nhịn ăn nhịn uống suốt ngày ròng để tỏ lòng cảm thông với những con người nghèo đói trên thế giới, để luyện tập tính tiết chế, kìm hãm lòng ham muốn, dục vọng trước các cám dỗ nhân gian. Để rồi, họ bị chính những kẻ tự xưng là đứa con Hồi Giáo, những kẻ vỗ ngực là nhà nước Hồi Giáo nhẫn tâm giết chết.

Cũng trong đầu tháng Ramadan, cũng là IS, đã nhẫn tâm hành quyết 65 người, trong đó có nhiều sinh viên đến từ Đại học Mosul của Iraq. Tháng Ramadan năm 2016 của người Hồi Giáo nhuộm đỏ trong màu máu tanh với số người chết khắp nơi lên đến khoảng 800 người. IS đang tiến hành thứ thánh chiến ngang ngược, vô nhân đạo, phản lại hoàn toàn giá trị mà một tôn giáo đem đến cho con người.

Khủng bố, bom đạn, tiếng người gào khóc, chết chóc đã trở thành đặc trưng tại đất nước Trung Đông này. Iraq, hay cụ thể hơn là Baghdad trở thành thủ phủ của khủng bố từ lúc nào chẳng hay. Không còn được biết đến như một thành phố bí ẩn và đầy tính mê hoặc trong những câu truyện kể nghìn lẻ một đêm, Baghdad hiện ra trong tâm trí chúng ta là nơi mà hết al-Qaeda cho đến IS thay phiên nhau giết chóc và reo rắc nỗi kinh hoàng.

Theo số liệu từ Viện kinh tế và hòa bình, số người chết vì khủng bố tại Iraq từ năm 2000-2014 chiếm tới 30.4% so với tổng số nạn nhân trên toàn thế giới, xếp sau chính là Nigeria.

Khủng bố ở Iraq từ lâu đã trở nên quá thông thường, đến nỗi mà người dân nước này đang dần thích ứng với sự sai trái này. Trong khi trên thế giới, thiết bị điện tử bán chạy nhất có thể là Play Station, là iPhone, Galaxy S, Xperia thì ở Iraq, người ta thi nhau đi mua máy dò tín hiệu bom mìn. Cảm tưởng ở nước này, cứ mỗi vài bước chân có thể tìm thấy một quả bom hay mấy trái lựu đạn. Vào khoảng năm 2008-2009, ước tính đã có hơn 1000 người Iraq chết vì những nguyên nhân liên quan đến bom mìn chất nổ.

Chẳng có quốc gia nào người ta lại coi máy dò chất nổ là vật bất ly thân như ở Iraq. Tại quốc gia Trung Đông này, sự khác biệt giữa sự sống hay cái chết chỉ là việc bạn có dò ra chất nổ khi đi ra ngoài đường hay không mà thôi. Ngành công nghiệp sản xuất máy dò chất nổ ở đây phát triển đến nỗi hiện nay đồ thật, đồ giả lẫn lộn kinh hoàng, chẳng còn đáng tin cậy như trước nữa.

Thiết bị điện tử bán chạy nhất ở Iraq chính là máy dò chất nổ...

Có lẽ cũng chính bởi vậy, người dân thế giới dần hình thành tư tưởng rằng khủng bố là chuyện rất đỗi bình thường ở Iraq, thế nên họ không muốn nhắc đến, không còn sự cảm thông và cũng chẳng buồn tiếc thương cho nạn nhân khủng bó tại đây nữa.

Người Iraq sống chết ra sao, không ai bận tâm hết. Thảm sát, đánh bom ở khu vực này trở nên bình thường đến nỗi nó chỉ còn là những mẩu tin vắn xuất hiện cho có trên mặt báo mà ít người muốn đọc.

"Iraq, Afghanistan lại bị đánh bom á? Chuyện bình thường mà?". Thử hỏi bất cứ ai xung quanh bạn, đây sẽ là phản ứng dễ nhận được nhất.

Tại Pháp, sau vụ việc khủng bố Paris ngày 13/12/2015, kinh đô ánh sáng đã không còn yên bình như những gì người ta nhìn dân Paris sống. Từ vụ xả súng trong quán bar Pulse ở Orlando, nước Mỹ đã chẳng thể nào làm ngơ trước sự bành trướng của IS. Các quốc gia lớn ở Châu Âu, Châu Mỹ đều trong tâm thế cảnh giác với lũ sùng đạo cực đoan nhưng sai trái này.

Sau khủng bố Paris, cả thế giới hướng về kinh đô ánh sáng với lòng tiếc thương vô hạn. Bao nhiêu câu chuyện, mẩu tin về những con người đã chết, về những người anh hùng quên mình bảo vệ đồng loại. Biểu tượng tháp Eiffel và những ngọn nến thắp sáng cả một vùng trời Paris.

Dân Paris nhận được sự quan tâm của cả thế giới sau vụ việc khủng bố đêm 13/12.

Sau vụ đánh bom ở hàng loạt địa điểm công cộng đông người tại thành phố Brussels, Bỉ, sự chú ý của thế giới lại tiếp tục đổ về trung tâm Châu Âu. Lời nguyện cầu vang vọng, tiếng sụt sịt khóc thương, lại những biểu tượng được vẽ ra. Rồi Pháp không để Bỉ phải cô đơn trong nỗi đau chung.

Sau vụ xả súng ở Orlando, cộng đồng LGBT nói riêng, thế giới nói chung đều hướng về tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng. Lá cờ lục sắc phủ đầy Facebook, hashtag #prayforOrlando hiện diện ở khắp nơi. Rồi đến lượt 24 nghệ sỹ hàng đầu làng âm nhạc cùng thu âm bài hát "Hands" dành cho 49 nạn nhân đã ngã xuống.

Người dân Atlanta thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ xả súng Orlando.

Sau vụ đánh bom ở Iraq khiến 170 người thương vong ngày 3/7, chẳng có gì xảy ra.

Rồi đến vụ đánh bom, cũng tiếp tục ở Iraq chỉ mới ngày hôm qua 7/7, cũng vẫn chẳng có gì khác biệt.

Vẫn là sự thờ ơ lãnh đạm của truyền thông, như thể việc hàng trăm con người chết đi mỗi ngày ở Iraq là một điều hiển nhiên mất rồi. Bởi, đánh bom, đấu súng, giết chóc ở Iraq từ lâu đã là một đặc điểm của quốc gia này. Đất nước Trung Đông trước giờ xuất hiện trên báo đài không có tháp Eiffel, không có tháp đồng hồ Big Ben, không có Quảng trường Thời Đại. Chỉ có chiến tranh, khủng bố và chết chóc. Hết.

Ở những nơi vốn đã quen với sự hòa bình, chỉ một quả pháo phát nổ cũng là tin sốc. Nhưng ở những nước triền miên tắm trong bom đạn, kể cả nổ bom kép chết cả trăm người cũng không được quan tâm nhiều.

Thực tế, có lẽ không chỉ thế giới, mà chính người dân ở đây, từ lâu cũng đã thờ ơ với sinh mạng mình. Với những kẻ bị đồng loại bỏ rơi, sống hay chết đã chẳng còn quá quan trọng.

Theo Lương Hồng Phúc (Trí thức trẻ)