Hè này, đừng để mất con vì đuối nước

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ chết vì đuối nước, chủ yếu trong mùa hè và mùa lũ. Hè này, bạn đã dạy con những kỹ năng gì để phòng chống đuối nước?

Đến “hẹn”, “đuối nước” lên

Gần đây, báo chí đã ồ ạt đưa tin về hàng loạt các vụ đuối nước đã xảy ra trên phạm vi cả nước. Ngay giữa tháng 4 vừa qua, người dân Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) đã bàng hoàng chứng kiến cái chết của 9 em học sinh vì đuối nước. Theo đó, để tránh nắng nóng, 9 học sinh này đã rủ nhau ra sông Trà Khúc tắm. Dù đã được một người nhắc nhở là nguy hiểm, song các em đã không nghe lời. Nguyên nhân tử vong được xác định là do 1 em bị sa chân xuống hố sâu, các em còn lại đổ xô ứng cứu nhưng không thành và dẫn tới tai nạn thương tâm.

Hè này, đừng để mất con vì đuối nước

                                   Đoạn sông xảy ra vụ đuối nước ở Quảng Ngãi

Tiếp đó, ngày 4-5, tại Khánh Hòa, một nhóm 4 học sinh cũng được xác định là thiệt mạng do đuối nước khi đang cùng nhau tắm tại khu vực Bãi Dài (Vạn Thọ, Vạn Ninh). Cơ quan chức năng xác nhận, trong lúc vui chơi, 4 nữ sinh đã không may gặp phải dòng nước xoáy, cuốn ra xa và chìm dần. Phải 1h sau, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể của 4 nữ sinh.

Mới đây, vào chiều 8/5, tại bãi biển Hải Lý (Nam Định) cũng xảy ra một vụ đuối nước khiến 3 nam sinh tử nạn. Theo những người chứng kiến, khi nhóm này đang tắm biển thì bất ngờ có sóng lớn, 2 em kịp lao lên bờ, 3 em còn lại đã bị sóng cuốn trôi ra xa. Sau 2 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân mới tìm thấy thi thể 3 em.

Đây chỉ là 3 trong số hàng loạt các vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra từ đầu năm đến nay. Những sự vụ này không chỉ khiến các cơ quan chức năng bàng hoàng mà còn làm nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Nhắc đến vấn đề này, anh Lê Văn Quang (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Năm nay, vợ chồng tôi đang định cho cháu về quê chơi với ông bà nhưng đang lo lắng vì thông tin về đuối nước nhiều quá. Quê tôi ở Ninh Bình - đồng chiêm trũng, ao hồ khắp nơi, các cụ thì tuổi cao, sợ không để ý được thì nguy hiểm".

Cùng chung nỗi niềm với anh Quang, chị Nguyễn Phương Mai (Đống Đa, HN) đã quyết định tìm lớp học hè cho con thay vì gửi con về quê, mặc cho ông bà nội ở quê liên tục gọi điện giục đưa cháu về. Lý do mà chị Phương Mai đưa ra là nhà ông bà nội ở gần sông mà xung quanh lại nhiều ao hồ. “Các con tôi tính rất hiếu động, trưa nắng mà chúng rủ nhau đi chơi rồi nhỡ may sơ sẩy xuống ao thì hối hận cả đời...", chị thở dài.

Trẻ 5 tuổi: nên bắt đầu dạy bơi

Đuối nước có lẽ đang là vấn đề ám ảnh nhất của các bậc cha mẹ mỗi dịp hè về. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam là nước có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Đặc biệt, trên 50% trường hợp tử vong do đuối nước xảy ra khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cũng cho thấy, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối.

Hè này, đừng để mất con vì đuối nước

                                        Đuối nước - nỗi lo thường trực mùa hè

Tỷ lệ đuối nước ở Việt Nam cao là vậy, thế nhưng, ý thức phòng chống tai nạn này vẫn còn hạn chế. Thực tế, số trẻ đi học bơi chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Theo khảo sát của PV, tại Hà Nội, một khóa học bơi (15 buổi) có giá khoảng 2 triệu đồng (bao gồm: tiền dạy bơi và tiền vé vào cửa), song cũng chỉ thưa thớt người học. Nhiều mẹ nghĩ rằng, số tiền này là khá lớn và nếu để học tiếng anh, nhạc, vẽ hay các môn văn hóa khác thì sẽ ý nghĩa hơn nhiều. Thế nhưng, bơi lội là kỹ năng sống còn và chỉ có nó mới giúp bé yêu nhà bạn bảo tồn sự sống để tiếp tục sử dụng các kỹ năng, kiến thức khác. Theo các chuyên gia, trẻ từ 5 tuổi trở lên đã có thể làm quen với nước và học bơi, thế nên, hãy bắt đầu các khóa học sớm để bé sớm nâng cao khả năng bảo vệ mình.

Bên cạnh việc trang bị cho con kỹ năng bơi lội, bạn cũng cần cảnh báo với con về những nguy cơ khi tắm tại các ao, hồ, sông, biển mà không có người lớn giám sát. Điều này cần đặc biệt lưu ý với những trẻ tự đi học một mình. Thay vì nói lý thuyết, hãy cảnh báo con bằng những câu chuyện thực tế đã xảy ra trong thời gian vừa qua để con hiểu hơn và tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Và tất nhiên, qua mỗi câu chuyện này, đừng quên lồng ghép cách hướng dẫn con xử lý các tình huống nguy hiểm. Đặc biệt, với những trẻ chưa biết bơi, cần trang bị đầy đủ áo phao trước cho trẻ xuống nước, cũng như đừng bao giờ để trẻ một mình ở nơi “đầu sóng, ngọn gió” vì chỉ cần sơ sểnh một chút là điều đáng tiếc sẽ xảy ra.

Hè này, đừng để mất con vì đuối nước

              Cho con tham gia vào các lớp học bơi là giải pháp của nhiều phụ huynh

Kỹ năng cứu người đuối nước cũng rất quan trọng và cần được lưu ý, bởi đôi khi đây mới là nguyên nhân khiến trẻ bị tử vong. Theo đó, nếu thấy người đuối nước, trẻ không nên nhảy xuống cứu ngay mà nên kêu cứu thật to để người lớn xung quanh đến giúp. Cùng với đó cần quan sát xung quanh xem có vật nổi nào không để thả xuống nước giúp người kia có thể bám vào. Hoặc nếu có sào, gậy, dây thừng thì có thể quăng xuống, kéo người đang bị đuối nước lên. Nhảy xuống nước cứu người bị nạn chỉ là giải pháp cuối cùng và cũng chỉ nên thực hiện khi kỹ năng bơi lội của trẻ thực sự thành thục và trẻ cũng là người có sức khỏe tốt!

Một mùa hè nữa lại đến, đây là khoảng thời gian lý tưởng để trẻ em vui chơi, giải trí sau một năm học tập vất vả. Tuy nhiên, để mùa hè trở thành một mùa vui chơi an toàn, các bé nên trang bị kỹ năng bơi lội cần thiết.

Theo thegioitre