Nấu mỹ phẩm bằng... nồi lẩu điện từ hóa chất mua ở chợ

Các nhãn hiệu mỹ phẩm Sasaki, Hikato và Puroz được một công ty mỹ phẩm tại TP. Hồ Chí Minh đăng ký thương hiệu. Tuy nhiên, công ty này không hề sản xuất hay nhập hàng chính hãng về mà lại mua hàng Tru

Tuy nhiên, công ty này không hề sản xuất hay nhập hàng chính hãng về mà lại mua hàng Trung Quốc, tự dán nhãn mác đề xuất xứ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… rồi bán ra thị trường nội địa với giá lên tới vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Điều tra sâu hơn, cơ quan chức năng phát hiện một công ty sản xuất mỹ phẩm “cao cấp” chỉ bằng một nầu lẩu điện và nguyên liệu là hóa chất được mua từ chợ Kim Biên (Quận 5)…

Mỹ phẩm giả đội lốt hàng hiệu

Cuộc truy quét, tấn công hàng giả trong đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ ngày 15/07/2015 do Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) thực hiện trên phạm vi cả nước đã khiến dư luận rúng động khi nhiều loại mặt hàng do một số đơn vị kinh doanh trá hình theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” được phanh phui.

Tại TP.HCM, nhiều công ty mỹ phẩm dởm lần lượt bị bóc mẽ. Ngày 9/7, Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan và PC46, Công an TP.HCM đã kiểm tra, thu giữ hàng tấn mỹ phẩm giả của cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Huyền Trang (Công ty mỹ phẩm Huyền Trang) tại hẻm 55 Trần Đình Xu, Quận 1 và cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm (Công ty mỹ phẩm Linh Trang) ở hẻm 35 Trần Đình Xu, Quận 1.

Cũng trong ngày 9/7, PC46 phối hợp với các cơ quan chức năng đã ập vào kiểm tra 4 địa điểm nghi vấn sản xuất mỹ phẩm giả các địa chỉ: số 55/20 và 35/7 Trần Đình Xu (phường Cầu Kho, quận 1); số 457/10A Trần Hưng Đạo (quận 1) và một địa điểm tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh của hai công ty này, thu giữ hàng tấn mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giả dán nhãn mác Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Úc và hàng nghìn hộp mỹ phẩm không hóa đơn chứng từ, hàng loạt chai lọ, nhãn mác, tem nhái các thương hiệunổi tiếng trên thế giới đang trong quá trình đóng gói.

Nấu' mỹ phẩm bằng... nồi lẩu điện từ hóa chất mua ở chợ

Hàng tấn mỹ phẩm dởm, kém chất lượng bị bắt giữ (ảnh do cơ quan công an cung cấp).

Qua điều tra, Cơ quan CSĐT xác định ông Thành Ngọc Tuấn là Giám đốc Công ty mỹ phẩm Linh Trang; còn Công ty mỹ phẩm Huyền Trang do bà Phạm Huyền Trang (46 tuổi, ngụ hẻm 457 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q.1) điều hành. Theo xác minh ban đầu, công ty mỹ phẩm Linh Trang (số 35/7 Trần Đình Xu, phường Cầu Kho quận 1) do Thành Ngọc Tuấn làm giám đốc còn có thêm một kho hàng tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Công ty mỹ phẩm Huyền Trang (địa chỉ 55/20 Trần Đình Xu, phường Cầu Kho, quận 1) do Phạm Thị Hoài đứng tên, nhưng hoạt động đều do Phạm Huyền Trang điều hành, còn có một kho hàng ở địa chỉ 457/10A, đường Trần Hưng Đạo, Quận 1. Mở rộng điều tra, ngày 15/7, trinh sát PC46 phát hiện, khám xét thêm 1 kho hàng lớn của Công ty mỹ phẩm Huyền Trang nằm trên đường Phạm Văn Chí, P.7, Q.6, thu giữ 5 tấn mỹ phẩm mang các nhãn hiệu Sasaki, Hikato, Puroz...

Công ty mỹ phẩm Huyền Trang đã nhập mỹ phẩm xuất xứ từ Trung Quốc về nước rồi “hô biến” bằng cách dán nhãn mác của những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng để bán ra thị trường với giá cao.

Một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Các nhãn hiệu mỹ phẩm Sasaki, Hikato và Puroz đã được Công ty mỹ phẩm Huyền Trang đăng ký thương hiệu, tuy nhiên, Công ty này không sản xuất mà nhập hàng từ Trung Quốc về, sau đó dán nhãn mác đề xuất xứ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… rồi bán ra thị trường nội địa với giá lên tới vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Chúng tôi đã thu giữ thêm 5 tấn mỹ phẩm giả bao gồm các nhãn hiệu kể trên từ công ty này để tiếp tục điều tra xử lý”.

Ngoài nhập hàng từ Trung Quốc, bà Phạm Huyền Trang, người trực tiếp điều hành Công ty mỹ phẩm Huyền Trang còn cho biết, trong thời gian kinh doanh, bà đã đặt một số mặt hàng kem trắng da Body Whitening Sasaki Birds nest Cream, Body Whitening Sasaki Snail Cream (trên nhãn ghi xuất xứ Nhật Bản) và Body Whitening Hikato (trên nhãn ghi xuất xứ Hàn Quốc) tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại mỹ phẩm Phú Thịnh (trụ sở tại E2/64/9 xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) về để bán lại.

Dựa trên thông tin của bà Trang, cơ quan chức năng đã cho kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất của Công ty Phú Thịnh tại 1570/101 đường Võ Văn Kiệt (phường 7, Quận 6, TP.HCM). Tại đây, cơ quan chức năng đã vạch trần quy trình chế biến hóa chất trôi nổi thành mỹ phẩm “chất lượng” của công ty này.

Nấu mỹ phẩm bằng… nồi lẩu điện

Bà Đỗ Thị Thân (sinh năm 1968), thường trú phường 7, Quận 6, Giám đốc Công ty Phú Thịnh cho biết, quy trình chế biến của công ty bà hoàn toàn hiện đại với dây chuyền và máy móc công nghệ cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra chi nhánh của Công ty Phú Thịnh tại 1570/101 đường Võ Văn Kiệt (phường 7, Quận 6), cơ quan chức năng không thấy dây chuyền máy móc sản xuất mỹ phẩm hiện đại mà chỉ phát hiện 1 nồi nấu lẩu bằng điện, máy sấy tóc cùng một số nguyên vật liệu để sản xuất mỹ phẩm. Mặt khác, qua ghi nhận hiện trường, cơ quan chức năng cũng kết luận sơ bộ, chi nhánh của bà Thân không hề có dây chuyền máy móc hiện đại như những gì bà đã nói.

Với những chứng cứ đã quá rõ ràng, lúc này, bà Đỗ Thị Thân mới thú nhận về quy trình và công thức chế biến mỹ phẩm của mình. Bà cho biết, nguyên liệu chế biến các loại kem được mua từ chợ hóa chất Kim Biên (Quận 5) và mua trôi nổi trên thị trường. “Công thức phối chế kem trộn và mỹ phẩm được cháu tôi lấy từ trên mạng xuống. Tôi căn cứ vào đó đi ra chỗ quen mua thêm một số loại kem sệt kèm hương liệu được bán ở chợ Kim Biên về và tự pha chế. Tôi pha chế nguyên liệu thành mỹ phẩm và kem trộn cũng đã hơn 1 năm nay” – Bà Thân thú thật.

Theo cơ quan chức năng, quy trình sản xuất kem của bà Thân rất đơn giản, sau khi mua nguyên liệu về, bà cho vào nồi lẩu điện và quậy đều bằng một chiếc vá, sau đó cho hương liệu vào trộn đều rồi chiết kem giả vào lọ của công ty đặt mua hoặc do hai công ty mỹ phẩm Huyền Trang, Linh Trang cung cấp.

Cuối cùng, bà dán nhãn mác và đưa đi tiêu thụ với lời quảng cáo là “mỹ phẩm hảo hạng” nhập khẩu từ nước ngoài về.
“Công đoạn cuối cùng là dán nhãn mác, dùng máy sấy tóc ép màng co thành thành phẩm rồi đưa đi tiêu thụ. Giá gia công sản phẩm từ 40.000 - 60.000 đồng/sản phẩm. Qua thời gian sử dụng, chúng tôi có nhận được than phiền của người dùng về sản phẩm”, bà Thân cho biết.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề, chiều ngày 18/7, phóng viên đã đến khảo sát tại một số chi nhánh vừa được cơ quan chức năng kiểm tra của công ty Huyền Trang. Đó là số 55/20 và 35/7 Trần Đình Xu (phường Cầu Kho, quận 1). Tuy nhiên, một trong 2 địa chỉ trên đã đóng cửa.

Tại địa chỉ số 55/20, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Khi phóng viên đề nghị được gặp người quản lý ở địa chỉ trên, nhân viên tại đây nói: “Không tiếp báo chí” và mời chúng tôi ra về. Tương tự, tại chi nhánh của Công ty Phú Thịnh ở 1570/101 đường Võ Văn Kiệt (phường 7, Quận 6) vào ngày 18/7, mọi hoạt động của chi nhánh này đã tạm dừng, cửa được đóng kín và hạn chế tiếp xúc với người lạ.

Mặt khác, qua công tác mở rộng điều tra về đường dây kinh doanh mỹ phẩm giả, cơ quan chức năng cũng xác định các đối tượng đã tổ chức nhập lậu các sản phẩm dưỡng da, trị nám, làm trắng da, giảm béo xuất xứ từTrung Quốc qua tỉnh biên giới phía Bắc rồi đem về Hà Nội.

Sau đó, số hàng được vận chuyển bằng đường sắt, đường hàng không vào TP. Hồ Chí Minh. Cuối cùng, tại TP. Hồ Chí Minh, các đối tượng cho in bao bì, nhãn mác giả các thương hiệu nổi tiếng rồi đóng gói đem đi phân phối, tiêu thụ tại các tỉnh….

Mối nguy hại khó lường từ mỹ phẩm dởm

Theo Thạc sĩ – bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Giảng viên bộ môn Da liễu, Đại học Y dược TP.HCM, các loại mỹ phẩm tự phát trên thị trường, cũng như những loại mỹ phẩm giả thường được cho chất Corticoid (một loại tiết tố kích thích tuyến bài tiết, có tính kháng viêm rất mạnh), liều lượng tùy ý. Riêng Corticoid có tất cả hơn 20 loại, được chia làm 7 nhóm.

Sau khi thoa lên da, các tế bào da bị bào mỏng nhanh chóng, các mạch máu lộ rõ ra làm da mặt có vẻ trắng và hồng. Tác dụng này xảy ra rất nhanh, chỉ 1 tuần sau khi sử dụng làm người dân lầm tưởng đây là thứ kem làm trắng hiệu nghiệm. Tuy nhiên, nếu tiếp tục bôi kem, sắc tố da sẽ bị mất. Không lâu sau, da bị teo mỏng, các mạch máu nổi lên trên mặt vằn vện, lỗ chân lông nở to, da bị hỏng nám đen, có trường hợp mặt lúc nào cũng trong trạng thái đỏ phừng, hoặc bị viêm nhiễm da.

“Dùng mỹ phẩm kém chất lượng mỗi ngày như bỏ độc dược liều nhẹ vào thức ăn, không gây chết ngay nhưng khi độc phát tác thì đã ăn sâu vào lục phủ ngũ tạng. Để chữa trị cho những người là nạn nhân của mỹ phẩm dởm rất tổn hao tâm sức, nhiều khi tốn công, tốn của, mất thời gian mà rất khó trả lại được làn da khỏe mạnh.” – Bác sĩ Thanh lưu ý.

Theo Vĩnh Lộc(NDT)