Hy hữu: Phụ nữ 39 tuổi bị sốc phản vệ sau khi bị... kiến cắn

Đối với trường hợp bị kiến cắn, nếu có nồng độ IgE đặc hiệu cao sẽ có nguy cơ bị sốc phản vệ, nhất là trẻ em...

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết vừa cấp cứu một bệnh nhân nhập viện do bị kiến đốt. Bệnh nhân là chị N.T.T (39 tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ).

Được biết, cách đây 4 ngày, chị T bị kiến đốt vào vùng vai trái gây ngứa khắp cơ thể. Sau khi điều trị tại nơi khác không khỏi, người bệnh đã nhập và được chẩn đoán là sốc phản vệ độ 3 do kiến đốt.

Người bệnh có tiền sử bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline và bệnh lý tăng huyết áp. Sau 12 giờ dùng thuốc điều trị theo phác đồ chống sốc của Bộ Y tế, các triệu chứng của người bệnh đã thuyên giảm và sức khỏe dần ổn định.

hy-huu-phu-nu-39-tuoi-bi-soc-phan-ve-sau-khi-bi-kien-can

Hình ảnh trước và đang điều trị của người bệnh. ẢNh BPL

Theo các bác sĩ, mùa hè là mùa phát triển của rất nhiều loại côn trùng có ngòi như ong, kiến… Nọc độc của chúng có thể gây phản ứng độc cục bộ cho cơ thể và gây dị ứng ở những người nhạy cảm trước đó.

Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào liều nọc độc và mức độ nhạy cảm trước đây của người bệnh. Đối với trường hợp bị kiến cắn, người có nồng độ IgE đặc hiệu cao là những người có nguy cơ bị sốc phản vệ, nhất là trẻ em. Do đó, người dân nên chú ý phòng tránh, đặc biệt là những người mắc bệnh nền hoặc có cơ địa dị ứng.

Trong trường hợp bị kiến hoặc các loại côn trùng có nọc độc đốt, cắn, mà người bệnh thấy có những dấu hiệu bất thường của cơ thể thì hãy nên đến các cơ sở y tế uy tín để được xử trí đúng và kịp thời.

Theo GiaDinh