Truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm

Quá trình điều tra, cơ quan công tố xác định, bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm trong các buổi livestream đã đưa ra nhiều thông tin không có thực, thiếu kiểm chứng nhằm xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân của một số ca sĩ, nghệ sĩ.

VKSND TP HCM đã ban hành cáo trạng, truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2 (Điều 331, BLHS 2015). Cùng bị truy tố với bị can Hằng còn có Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Hằng); Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Đại Nam); Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam) và ông Đặng Anh Quân (Giảng viên của một trường Đại học tại TP HCM).

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bị can Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ. Để tăng độ tin cậy, bị can Hằng đã mời ông Đặng Anh Quân cùng tham gia vào những buổi livestream của mình.

Khi bà Phương Hằng phát ngôn xúc phạm người khác, ông Quân cùng tương tác, phát ngôn nội dung liên quan với mục đích góp phần cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Các bị can Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân có hành vi giúp sức khi đăng tải nhiều bài viết trên trang fanpage "Hoàng Nhi" và "Ha Lee" để xúc phạm một số cá nhân.

Tại cơ quan điều tra, các bị can đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình và mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

truy-to-bi-can-nguyen-phuong-hang-va-cac-dong-pham

Bị can Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị các cơ quan chức năng bắt giữ (ảnh TL)

Theo Ts. Ls Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), trước khi bị bắt giữ, hoạt động của bà Hằng trên mạng xã hội thời gian qua vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Bởi lẽ, hiện tượng phát trực tiếp trên mạng xã hội của một doanh nhân như bà Hằng trong thời gian qua là một hiện tượng lạ, chưa từng có ở Việt Nam. Có không ít người thấy thích thú với cách nói, cách chửi như vậy trên mạng xã hội. Thậm chí, họ còn coi bà Hằng là thần tượng và trở thành các fan hâm mộ đối với người phụ nữ này. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến lên án những buổi livestream của bà Hằng. Họ cho rằng, bà Hằng đã đưa ra nhiều thông tin không có thực, thiếu kiểm chứng nhằm xúc phạm một số ca sĩ, nghệ sĩ để thỏa mãn "cái tôi" của mình.

Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, quyền tự do đó phải trong khuôn khổ pháp luật. Nếu đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận thì sẽ xâm phạm đến các quyền hợp pháp khác của công dân.

Khi thực hiện quyền tự do ngôn luận thì công dân cũng phải tôn trọng danh dự nhân phẩm của người khác. Nếu người nào lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận để xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong các buổi livestream trên mạng xã hội, nữ doanh nhân này đã đưa ra rất nhiều thông tin bất ngờ, đã thực hiện hoạt động phát trực tiếp trên mạng xã hội để tố cáo rất nhiều người về hành vi ăn chặn từ thiện, về lối sống thiếu chuẩn mực, về các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, nhiều thông tin đã được xác định là không có thật, có tính chất xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác nên việc cơ quan điều tra khởi tố nữ doanh nhân này về tội danh trên là có cơ sở.

"Thời gian gần đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều hội nhóm chửi bới, công kích lẫn nhau, dẫn đến hiện tượng thu thập trái phép thông tin cá nhân để tố cáo nhau. Từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội nhiều người đã tìm gặp, ẩu đả, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội.

Bởi vậy, việc cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp cứng rắn để xử lý đối với những hiện tượng chửi bới, vu khống, đưa tin trái phép trên mạng xã hội là cần thiết để làm trong sạch môi trường mạng", luật sư Cường nói.

Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

Theo GiaDinh