Vạn Lý Trường Thành đang dần biến mất

Theo People's Daily, gần 30% diện tích Vạn lý trường thành Trung Quốc đang biến mất do sự xói mòn tự nhiên, sự tàn phá của chính con người và việc thiếu những chính sách, bảo vệ đúng đắn.

Theo một báo cáo của cơ quan bảo tồn di tích Vạn lý trường thành cho thấy, hiện chỉ còn khoảng 8% phần diện tích nổi tiếng nhất, dễ thấy nhất của tường thành được xây dựng vào thời nhà Minh là được bảo tồn cẩn thận.

Gần 30% diện tích của công trình Vạn lý trường thành Trung Quốc đã biến mất do xói mòn tự nhiên và sự tàn phá của con người

Mùa mưa ở Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc lân cận đó đã khiến nhiều phần diện tích bị xói mòn. Cây cỏ lớn mọc không có quy hoạch cũng dẫn đến những rủi ro tiềm tàng phá hỏng công trình.

Ngoài ra, con người cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự xói mòn này. Sự phá hoại bất hợp pháp, xâm chiếm di tích, ăn cắp gạch, hoặc vì các mục đích thương mại khác của con người đang góp phần làm cho di sản văn hóa thế giới từng được UNESCO công nhận, dần biến mất.

Việc ngày càng nhiều khách du lịch tới thăm khu di tích cũng khiến công trình bị quá tải và sự phá hủy là không thể tránh khỏi.

Chính quyền địa phương ở tỉnh thành có phần diện tích khu di tích, chỉ bảo vệ, sửa chữa một phần ngắn của Vạn lý trường thành, nơi được coi là biểu tượng hoặc khu vực thu hút nhiều khách du lịch đem lại nhiều lợi ích kinh tế.

Tuy nhiên, ngay cả phần quan trọng nhất của công trình, có hạn chế khách du lịch, cũng đang ở trong điều kiện tồi tệ, bị bỏ rơi.

Ông Dong Yaohui, Phó chủ tịch Hiệp hội Vạn lý trường thành Trung Quốc cho biết việc sửa chữa và bảo vệ phải được thực hiện trên quy mô toàn bộ công trình chứ không chỉ một phần của nó.

Vạn lý trường thành được bắt đầu xây dựng từ đời nhà Tần (221-206 trước công nguyên) và tiếp tục được mở rộng nhiều thế kỷ sau đó qua 13 triều đại. UNESCO đã công nhận công trình này là di sản thế giới vào năm 1987.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ People's Daily (Nhân dân Nhật báo) là một tờ báo ra hàng ngày ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Theo Hoàng Dung (infonet)