Vấn đề hôm nay: Mỗi năm 2 triệu người chết vì… ăn

Câu chuyện mỡ bẩn, phụ gia độc hại, quy trình chế biến thiếu vệ sinh… đang hàng ngày ăn mòn sức khỏe người tiêu dùng.

Ăn gì khi rau bị tẩm hóa chất, hoa quả bị thúc chín bằng thuốc, thịt bị dư lượng kháng sinh… là những câu hỏi thường trực của các bà nội chợ phải đối mặt hàng ngày.

Chiếu theo tháp dinh dưỡng cân đối sức khỏe cho người trưởng thành ở Việt Nam, mỗi tháng 1 người phải sử dụng 12kg ngũ cốc; 10kg rau củ; 2,5kg cá, thủy sản; 2kg đậu phụ; 1,5kg thịt; hoa quả chín ăn đủ… thế nhưng những thứ được nêu trong tháp dinh dưỡng kia có bao nhiêu loại an toàn?

Như vậy, không phải là ngẫu nhiên khi năm nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chọn chủ đề an toàn thực phẩm (ATTP) cho ngày Sức khỏe thế giới.

Đây là hồi chuông cảnh báo cho tất cả mọi người khi thực phẩm không an toàn đang lấy đi sinh mạng của khoảng 2 triệu người mỗi năm và gây ra hơn 200 căn bệnh khác nhau trên toàn cầu.

Ở Việt Nam, hàng loạt vụ phát hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, sử dụng hóa chất độc hại trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm với số lượng cực lớn… được các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian gần đây khiến dư luận nhức nhối.

 

Ảnh minh họa

Là người thấy tận mắt những thực phẩm bẩn này, Trung tá Tạ Tứ Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết:

'Chúng tôi từng bắt những vụ nội tạng động vật sau khi đã tiêu hủy chôn lấp khoảng nửa tháng, lúc có vấn đề cần phải kiểm định lại việc tiêu hủy thì những nội tạng đấy vẫn chưa bị thối rữa, thậm chí ruồi nhặng cũng không dám bâu vào nữa.

Những thực phẩm này nếu để trôi nổi ra các hàng ăn ở ngoài thì cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe của người tiêu dùng'.

Hậu quả của những thực phẩm bẩn đã thể hiện ngay trong thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế):

Trong năm 2014, có 194 vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo tại Việt Nam, khiến trên 5.000 người bị ngộ độc, 4.100 ca trong số đó phải nhập viện, chiếm 80% số ca bị ngộ độc và 43 trường hợp bị tử vong.

Còn theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật: Trong 1.297 mẫu rau quả kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì có tới hơn 25% mẫu bị nhiễm dư lượng thuốc gần quá giới hạn, trong đó có những mẫu vượt quá nhiều lần mức cho phép.

Không dừng lại ở những thực phẩm chưa chế biến, những thực phẩm chế biến sẵn cũng đang là vấn đề khiến các cơ quan chức năng phải đau đầu.

Câu chuyện mỡ bẩn, phụ gia độc hại, quy trình chế biến thiếu vệ sinh… cũng đang ngày ngày ăn mòn sức khỏe của người tiêu thụ.

Trao đổi về tình trạng người dân bị nhiễm độc do sử dụng thực phẩm bị nhiễm chì, dạng kim loại nặng đang khá phổ biến trong các mặt hàng thực phẩm hiện nay, TS Phạm Duệ, nguyên GĐ Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết:

'Chì sau khi được hấp thụ vào máu lắng đọng vào tất cả các tổ chức trong cơ thể. Trong đó, cao hơn cả là lắng đọng ở não gây bệnh ở não, lắng đọng trong hồng cầu gây bệnh ở hồng cầu… đặc biệt là lắng đọng ở xương.

Ngoài ra chì đối với trẻ em còn gây ra thiếu máu, nhiều cháu đến bệnh viện trắng nhợt, xét nghiệm hồng cầu giảm 1/3 so với bình thường, những cháu đó phải truyền máu cấp cứu thì mới cứu sống được'.

Lo ngại trước tình trạng mất vệ sinh ATTP hiện nay, để bảo vệ cho sức khỏe của chính gia đình mình, nhiều bà nội trợ đã chọn giải pháp tự nuôi trồng những loại thực phẩm đơn giản trong không gian chật hẹp của gia đình.

Những gia đình khác có điều kiện hơn thì lựa chọn mua thực phẩm ở các siêu thị có uy tín hoặc những chuỗi cửa hàng bán thực phẩm an toàn với giá thành cao gấp 3 - 4 lần so với thực phẩm thông thường.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, cũng có nhiều người tìm đến các sản phẩm ở quê với suy nghĩ đồ nuôi trồng quê sẽ là đồ sạch. Chị Vũ Phương Trà, Cầu Diễn, Hà Nội, chia sẻ:

'Trước thực trạng mất vệ sinh ATTP như hiện nay, để đảm bảo các bữa ăn trong gia đình tôi thường tìm đến thực phẩm quê với việc nhờ gia đình gửi lên hoặc thông qua bạn bè nhờ đặt hàng ở quê lên để gia đình dùng dần.

Chứ gia đình tôi rất ít khi mua thực phẩm tại Hà Nội, đặc biệt là những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ'.

Để đưa ra lời giải cho bài toán quản lý ATTP đầy khó khăn này, PGS TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho rằng nếu không thay đổi cách quản lý ATTP người dân vẫn phải chấp nhận cảnh 'ăn cũng chết mà không ăn cũng chết'.

Cũng theo ông Đáng, muốn thay đổi được thực trạng hiện nay phải thực hiện nhiều giải pháp như: sửa luật, tăng cường lực lượng chuyên trách tại tuyến xã, huyện; đưa việc kinh doanh thực phẩm thành ngành kinh doanh có điều kiện.

'Để thay đổi từ bị động quản lý sang chủ động quản lý ATTP, tôi cho rằng cần đẩy mạnh quản lý thực phẩm theo chuỗi và tăng cường phân tích nguy cơ mất ATTP', ông Đáng nói.

Ăn uống là nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Người ta ăn trước hết là để tồn tại rồi sau đó mới bàn tới chuyện thưởng thức hoặc nâng tầm nó lên thành văn hóa ẩm thực.

Thế nhưng, để việc tiếp thu năng lượng này thực sự trong lành, có ích cho cơ thể thì ngoài việc giám sát chặt chẽ về mặt pháp lý, bản thân mỗi người tham gia sản xuất, cung cấp thực phẩm phải là những người có tâm để không mang những sản phẩm độc hại tới cho cộng đồng, cho chính những người thân, bạn bè của họ.

Xin đừng biến bữa ăn sạch trở thành ước mơ xa xỉ của nhiều gia đình.

Theo Tuyết Hoa (Đất Việt)