Thứ Trưởng Bộ Y Tế nói gì về tử tù mua tinh trùng mang thai

Nói về trường hợp nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ mang thai trong tù, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, khả năng có thể mang thai do bơm tinh trùng theo hình thức thô sơ chỉ dưới 1%...

Liên quan đến vụ việc nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi, Lạng Sơn) bị phát hiện mang thai trong thời gian giam giữ ở trại tạm giam Quảng Ninh chờ thi hành án, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, về mặt kỹ thuật và khoa học thì khả năng có thể mang thai do bơm tinh trùng theo hình thức thô sơ là rất thấp.

   Thứ trưởng Bộ Y tế nói về tử tù mua tinh trùng mang thai

Tử tù Nguyễn Thị Huệ

Cụ thể, theo báo Tuổi trẻ, Thứ trưởng Tiến cho biết, với những thông tin hiện được cơ quan chức năng cung cấp về lý do nữ tử tù kể trên thụ thai, ông Tiến cho rằng trong điều kiện nhiệt độ bình thường thì tinh trùng có thể sống được 2-3 giờ.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật và khoa học thì khả năng có thể mang thai do bơm tinh trùng theo hình thức thô sơ là rất thấp, chỉ dưới 1%.

Ngay cả trong hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện chuyên khoa, trong điều kiện tinh trùng được bảo quản và bơm vào trứng với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật thì tỉ lệ thành công cũng dưới 50%.

Về việc xác định ai là tác giả của bào thai trong bụng nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ, theo thông tin trước đó của Công an tỉnh Quảng Ninh, tử tù Nguyễn Thị Huệ khai xin tinh trùng của một nhóm phạm nhân nam. Khi vụ việc được phát hiện, chỉ có phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng đứng ra nhận việc cho tinh trùng.

Trả lời trên báo Người lao động về vụ việc này, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) cũng từng đề cập đến việc cần phải xác định ADN để làm rõ lời khai nhận của Huệ, Hưng và nghiên cứu xác nhận phương pháp bơm tinh trùng mang thai như khai nhận ban đầu của các phạm nhân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến thì cho rằng, việc xác định cha của đứa trẻ trong bụng phạm nhân Huệ rất dễ nếu xét nghiệm ADN ngay ở giai đoạn bào thai, tuy nhiên việc chọc ối để lấy mẫu xét nghiệm ADN có thể dẫn đến nguy cơ sẩy thai, hỏng thai hoặc các nguy cơ khác liên quan đến sức khỏe mẹ và bé.

Do đó, phương pháp này này phải được chỉ định từ bác sĩ sản khoa sau khám thai. Thông thường chỉ khi nào có nghi ngờ về bệnh di truyền của thai nhi và đánh giá giữa rủi ro của bệnh với rủi ro tiềm ẩn của chọc dò ối thì bác sĩ mới đưa ra chỉ định. “Xét về mặt tình người, tôi cho rằng nên đợi sau khi đứa trẻ ra đời hãy tổ chức xét nghiệm ADN. Lúc đó việc xác định huyết thống của bé sẽ rất dễ dàng, có thể lấy mẫu niêm mạc miệng của em bé để đối chứng với mẫu tóc của những người liên quan, người có nghi ngờ” - Tuổi trẻ dẫn lời Thứ trưởng Tiến chia sẻ.

Theo thông tin trước đó, phạm nhân Nguyễn Thị Huệ khai, trước cửa buồng giam của Huệ không có tường chắn và không có tường bao quanh, trong những lúc ra ngoài đi vệ sinh Huệ tìm thấy một khe hở khoảng 1cm giữa hàng rào dây thép gai với bờ tường khu giam giữ nên nảy ra ý định nhờ phạm nhân nam cho tinh trùng vào túi nilông và giấu tại đó.

Buổi sáng nào cán bộ quản giáo cũng mở cùm cho các phạm nhân đi vệ sinh lần lượt. Huệ được giam giữ tại phòng cuối cùng. Lợi dụng sơ hở lúc cán bộ kiểm tra phòng vệ sinh, Huệ đi về phòng và lấy được túi đựng tinh trùng để sẵn ở khe hở trước cửa phòng...

Theo Lê Thanh (NDT)