Thời nay đàn ông mà lười là hết xài!

Là phụ nữ, ai cũng mong "lấy chồng mà cậy mà nhờ", hoặc ít ra cũng có người để "chung tay góp sức" xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhưng với những chị em lấy phải chồng lười, thì cả đời coi như vất vả, khổ sở...

Tôi có một anh bạn người nước ngoài, sau khi đi công tác ở Việt Nam về có viết một bài báo, trong đó có câu kết rằng: "Đàn ông Việt Nam rất nhàn hạ, chứ không vất vả như chúng ta". Có lẽ anh bạn ấy chứng kiến ở đâu cũng có những người đàn ông cao to, khỏe mạnh, ngồi bên cốc trà, phì phèo điếu thuốc, tụm năm tụm ba đánh tá lả trên vỉa hè, hoặc chỉ ngồi ngáp vặt, lướt web trên điện thoại... Nhận xét của anh bạn ngoại quốc hơi phiến diện, nhưng không phải không có sự thật trong đó. 

Sau khi chồng đi trung tâm cai nghiện về, chị Liên ở Cầu Diễn đã phải thu vén vốn liếng từ quầy bán hoa quả của mình, mua cho anh chiếc xe máy để chạy xe ôm. Được năm bữa, anh bảo: "Đứng cả ngày không ai gọi, chán chết". Hóa ra, vứt xe trên vỉa hè, anh ngồi trong quán nước, chơi bài với mấy anh "vô công rỗi nghề", thì ai biết anh là xe ôm mà gọi. Cũng có lúc có khách, nhưng thấy bộ dạng anh nhếch nhác, bặm trợn, khách cũng ngại, lại bỏ đi gọi xe khác.

Không ham rượu chè, lô đề như một số người đàn ông trong xóm, chồng chị Hoa ở Mai Động lại mê ngủ và chơi điện tử. Cũng là dân "có học", nhưng đi làm ở đâu được ít ngày, người ta không chê anh thì anh lại chê công việc ít tiền, buồn tẻ, không xứng tầm với anh... Tức mình anh ở nhà, sáng sáng chở vợ đi làm, xong về ngủ tiếp. Gần trưa dậy "ăn sáng" xong, anh lại ra quán net chơi điện tử đến chiều mới túc tắc đi đón vợ.

Không chỉ có chồng chị Liên, chị Hoa mới có cuộc sống "nhàn hạ", mà bây giờ cứ để ý tất cả các quán nước ngã ba, ngã tư, đầu khu tập thể nào cũng có vài ba người đàn ông "tá túc" cả ngày ở đấy. Không đánh cờ, đánh bài thì lại uống rượu lai rai. Họ không bận rộn, chẳng quan tâm xã hội làm gì. Hầu hết họ đều còn khỏe mạnh, nhưng chỉ khoái "vặt nhau" từng đồng bạc lẻ. Văng tục, chửi thề, nếu say xỉn thì cà khịa đánh nhau... là việc chính của họ.

Ngày ba bữa họ về nhà ăn cơm vợ. Không chỉ có vậy, khối anh còn bắt vợ đưa tiền đánh lô đề. Vợ không đưa thì đánh đập. Có anh cầm tiền rồi còn ngoái lại nói với vợ: "Hãy đợi đấy, tao mà trúng độc đắc thì có mà ăn cả đời!". Nhìn những người đàn ông như vậy, nhiều người lắc đầu bảo, sao họ không tiếc thời gian nhỉ? 

Không phải chỉ những anh "vô công rỗi nghề" mới kéo lê cuộc sống của mình mà nhiều anh "cán bộ" cũng rất lười biếng. Hai vợ chồng anh Hưng học cùng đại học với nhau. Ra trường chị phấn đấu đi học thêm, thay đổi chỗ làm vài lần, đến bây giờ chị đã có chỗ đứng nhất định trong cơ quan, chuyên môn vững vàng, thu nhập khá.

Còn anh Hưng, mấy lần cơ quan bảo đi học, anh đều ngại, không những thế còn "vui vẻ chấp nhận" cái chân "nhân viên quèn" của công ty. Là dân "bàn giấy", buổi sáng ngồi ăn sáng, uống trà ở cơ quan đến tám rưỡi, chín giờ mới "dặt dẹo" vào phòng. Vớ lấy tờ báo, liếc nhanh một lượt rồi bình luận vài câu về giá cả thị trường, chê mấy người "học nhiều mắt cận", anh bắt đầu bật vi tính lên chơi game.

Tuy có máy tính, nhưng đến giờ, sau gần hai mươi năm đi làm, anh vẫn chưa đánh máy thành thạo. Đặc biệt mạng, chat, email... là những từ xa lạ với anh. Vì "ác cảm" với công nghệ thông tin, nên ai mang đơn từ viết tay đến được anh "chiếu cố" xem trước, anh loại bỏ những đơn, thư đánh máy tính, bởi anh cho rằng chủ nhân của chúng là những "kẻ lười biếng". Mỗi tháng anh phải viết một cái báo cáo theo mẫu có sẵn, tháng nào cũng như tháng nào, chỉ sửa ngày tháng mà thôi, nên cũng nhàn! 

Mang tiếng đi làm, nhưng "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", chút kiến thức học ở trường đại học anh đã để rụng rơi gần hết, anh "vui vẻ" với đồng lương "ít nhưng nhàn". Mấy anh bạn học cùng chê anh "trì trệ", đều bị anh giận. 

Tâm lý ham nhàn, lười biếng vẫn còn ăn sâu trong lối sống của nhiều người. Ai vội mặc ai, họ cứ bình tĩnh mà bước từng bước nhỏ. Người ta đánh giá sự phát triển của xã hội bằng nhịp sống của người dân. Khi còn có quá nhiều người không biết làm gì cho hết thời gian, thì xã hội khó mà phát triển được. Với những người chồng như vậy, làm sao mà nhận mình là "trụ cột gia đình", là "chỗ dựa" cho vợ con? Họ có biết họ sống một cuộc sống rất buồn tẻ và nghèo túng không?

Trong guồng quay với tốc độ lớn của xã hội, ai chỉ cần đi chậm thôi là đã tụt hậu rồi, huống chi với những người lười, nghĩa là không đi mà đang đứng lại.Một anh bạn người nước ngoài của tôi công tác lâu năm ở Việt Nam, nói tiếng Việt thành thạo đã nhận xét rằng, cánh đàn ông chúng ta sung sướng quá. Nghe rất thật, nhưng mà xót xa...

Theo thegioitre