Thị trường yến sào: Hỗn loạn không kiểm soát

Yến ngoại nhái Yến Việt    

Đặc điểm thuận lợi về khí hậu, thức ăn và môi trường nên các các sản phẩm yến Việt Nam có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các nước trong khu vực, chất lượng tốt nhưng sản lượng yến sào của Việt Nam đạt khoảng trên10 tấn/năm, tương đương 10% so với sản lượng yến của các nước trong khu vực. Cụ thể, sản lượng yến sào của Indonesia vào khoảng 100 tấn/ năm, Malaysia và Thái Lan ở mức từ 60 đến 70 tấn/năm.

Thị trường yến sào: Hỗn loạn không kiểm soát
Tổ Yến chất thành đống, được bày bán chung cá khô tại chợ Bình Tây ( Q.6)

Ghi nhận của PV tại một cửa hàng trên đường Cộng Hoà (quận Tân Bình), chuyên kinh doanh Nhâm sâm, Yến sào một thương hiệu yến sào nổi tiếng trong nước. Tại đây chúng tôi nhận thấy chỉ có một số ít yến được đóng hộp có thông tin về thương hiệu sản phẩm, giá bán 4,5 triệu/100gr yến đã qua sơ chế.

Còn một số lượng lớn yến không có bao bì nhãn mác, được đựng trong bình thuỷ tinh lớn bán với giá 3triệu/100gr. Theo nhân viên cửa hàng này cho biết, cửa hàng chỉ bán yến được lấy từ Cần Giờ và Khánh Hoà. Chúng tôi nói muốn xem chứng nhận xuất xứ nguồn gốc thì nhân viên không cung cấp được.

Tại cửa hàng Nutri Nest trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), giá bán yến thô là 3 triệu đồng/100gr, yến sạch là 3,9 triệu đồng/100gr và người bán hàng cam kết yến của mình bán đều có nguồn gốc tại Nha Trang và Cần Giờ. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ thì người bán hàng này tỏ ra khó chịu và nói: “Nếu muốn biết nhiều thông tin thì xin vào làm nhân viên đi!”.

Tổ yến trong nước được ví như “vàng trắng” bởi có giá trị dinh dưỡng cao mà sản lượng lại rất ít nên cầu đã vượt quá cung. Vậy mà, yến (được cho là yến Việt – theo người bán) lại được bày bán la liệt tại các chợ các cửa hàng với nhiều mức giá khác nhau. Tại chợ An Đông (quận 5) và chợ Bình Tây (quận 6) rất dễ dàng tìm thấy tổ yến sào được bày bán bằng những bao lớn, chất thành đống, những tưởng món bát trân này chỉ xuất hiện trong những nhà hàng sang trọng, nay được bày bán tràn lan không bao bì, nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng…

“Với sản lượng khá ít như vậy, yến trong nước đã trở nên khan hiếm không đủ cung cấp cho thị trường dù có giá cao hơn nhiều so với tổ yến của các nước trong khu vực. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng người bán nhập yến từ các nước trong khu vực (chủ yếu là yến của Malaysia) về và gắn mác yến Việt để bán giá cao”, ông Lý Minh Quang – Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Minh Quang nhận định. 

Lỗ hổng trong quản lý

Trong vai người đi tìm mối mua yến Việt để kinh doanh, người tên Hoa có sạp bán Yến tại chợ Bình Tây cho biết: “Ở đây chị chỉ bán yến của Việt Nam (vừa nói, tay bà Hoa vừa chỉ vào các bao yến to tướng, không nhãn mác để trong sạp), vì em mua nhiều để kinh doanh nên chị để giá sỉ cho. Đợt này khí hậu ở mình khắc nghiệt nên hàng về ít lắm, yến thô giá 1,8 triệu/100gr; yến sạch là 2,2 triệu/100gr.

Khi nào hàng về nhiều thì chị sẽ bớt giá cho em”. Chúng tôi thắc mắc, sao yến của chị không có nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ gì? Bà Hoa giải thích “Để cạnh tranh thị trường và giá bán, cũng như các nhà yến không làm thương hiệu... nên mới có giá rẻ như vậy chứ!”.

Thị trường yến sào: Hỗn loạn không kiểm soát
Yến được nuôi ấp tại nhà

Những người trong nghề, họ cho biết yến bán bao bán đống ở chợ và yến không nhãn hiệu rõ ràng được bán ở các cửa hàng là yến được nhập khẩu của Malaysia, Indonesia. “Với sản lượng tổ yến thu hoạch tại Việt Nam (cả yến tự nhiên và yến nuôi) hạn chế như hiện nay, làm gì có yến bán bao bán đống như thế! Với lại, giá thành yến nuôi ở Việt Nam không dưới 3 triệu đồng/100gr.

Như vậy, các cửa hàng bán đến tay người tiêu dùng phải có giá trên 4 triệu đồng/100gr. Với giá bán chỉ trên, dưới 2 triệu đồng/100gr yến thì chắc chắn đây là yến được nhập từ Malaysia”, Giám đốc Thương hiệu Yến sào Tân Đông Dương khẳng định.

Thị trường yến sào thật giả lẫn lộn, không chỉ dừng lại việc trà trộn hàng kém chất lượng, mà trên thị trường yến giả cũng đang hoành hành không kém. Bởi vẫn chưa có những quy định cụ thể cho ngành nuôi và kinh doanh yến sào, vì tổ yến vẫn được xem như mặt hàng nông sản thô, nên chưa có những quy định rõ ràng cụ thể. Đối với những cá nhân, doanh nghiệp nuôi yến thì hằng tháng theo định kỳ, cơ quan thú y địa phương đến lấy mẫu tổ yến, mẫu lông, trứng, phân yến để xét nghiệm kiểm tra dịch bệnh. Riêng về hàm lượng dinh dưỡng, nguồn gốc, xuất xứ thì chưa được quan tâm, việc chọn sản phẩm đăng ký phân tích kết quả và công bố chất lượng đều do doanh nghiệp thực hiện.

Cũng theo P.GS TS Ngô Đăng Nghĩa, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và môi trường cho biết, đến cơ quan quản lý của nhà nước cũng khó có thể kiểm soát nổi chất lượng của yến sào trên thị trường hiện nay, chứ chưa nói đến việc định giá theo chất lượng. Chính vì thế, những người mua yến sào hãy là những người thông thái, nên chọn mua sản phẩm ở những nơi uy tín, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt những nơi có nhân viên tư vấn sẵn sàng chỉ cho khách phân biệt yến giả, yến thật, thậm chí có mẫu sẵn để quan sát thì mới đặt niềm tin vào sản phẩm của họ.

Vì vậy, đây cũng là kẽ hở để các đơn vị kinh doanh bất chính, họ chỉ cần mua các một lượng tổ yến có xuất xứ trong nước đưa đi phân tích kết quả và đăng ký nguồn gốc xuất xứ, sau đó trộn các sản phẩm trôi nổi khác và bán ra thị trường với giá yến Việt

Theo Mai Anh (tiêu dùng 24h)