“Phù phép” nguyên liệu hết hạn của Trung Quốc thành thực phẩm chức năng

Lợi dụng tâm lý sính dùng thực phẩm chức năng, các đối tượng săn lùng nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc, "hô biến" thành thực phẩm chức năng giả, nhằm kiếm siêu lợi nhuận.

Lò sản xuất thực phẩm chức năng giả của Nguyễn Trí Lĩnh Nam (46 tuổi, ngụ xã Phuớc Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM)

Điều đáng lo ngại, những sản phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi này lại được tiêu thụ tại nhiều nhà thuốc. Sự thật về các loại thực phẩm chức năng giả này chỉ được phơi bày khi bị lực lượng công an phát hiện sau hơn hai tháng theo dõi.

Những bí mật bị phanh phui

Những quy trình và chiêu trò làm giả, nhái nhãn mác các sản phẩm thực phẩm chức năng chỉ được phanh phui khi cơ quan CSĐT Công an quận 7 (TP.HCM) bất ngờ đột kích các "hang ổ", sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng giả lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn. Theo đó, vào trưa 14/1, một tổ trinh sát cơ quan CSĐT Công an quận 7 tiến hành áp sát đối tượng Nguyễn Trí Lĩnh Nam (46 tuổi, ngụ xã Phuớc Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM), khi đối tượng đang dùng xe máy vận chuyển hai thùng hàng đi giao cho khách.

Kiểm tra hai thùng hàng của đối tượng Nam, lực lượng trinh sát bất ngờ phát hiện bên trong hai thùng hàng đều là thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Khi bị kiểm tra, đối tượng Nam không đưa ra được những hóa đơn, chứng từ liên quan đến các sản phẩm trong hai thùng hàng. Từ lời khai của đối tượng Nam, Công an quận 7 chia làm ba mũi, tấn công đồng loạt vào ba địa điểm đuợc coi là nơi sản xuất, và cũng là kho hàng chứa thực phẩm chức năng giả.

Quá trình kiểm tra ba căn nhà số 86, 49 đuờng số 30 khu dân cư Tân Quy Đông (phường Tân Phong) và số A11 khu dân cư Nam Long (phường Phú Thuận, quận 7), lực lượng trinh sát phát hiện và niêm phong gần 600 kiện hàng có trọng lượng khoảng 12 tấn gồm thuốc uống trị nám, tàn nhang, thuốc tăng cường sinh lực Eva, Lisu hồng, 3Days... cùng hàng ngàn vỏ hộp, bao bì, tem, nhãn mác đã in sẵn các thương hiệu nổi tiếng. Ngoài ra, lực lượng trinh sát cũng tiến hành niêm phong một số máy dập, máy khò, máy đóng hộp, máy đóng hạn sử dụng,... mà các đối tuợng dùng trong quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng giả.

Theo nguồn tin riêng của PV, cùng với công tác niêm phong, thu giữ các sản phẩm giả nói trên, lực lượng trinh sát cơ quan CSĐT Công an quận 7 tiến hành đưa 8 đối tượng trong ba kho hàng nói trên về trụ sở phục vụ điều tra. Đó là Trần Thành Luận (33 tuổi), Trần Thành Long (25 tuổi), Nguyễn Thị Ơi (53 tuổi), Nguyễn Thị Gái (43 tuổi), Huỳnh Thị Mộng Thu (24 tuổi), Lê Thành Phu (21 tuổi), Nguyễn Thị Thanh Hoa (20 tuổi, cùng ngụ huyện Cần Giờ) và Nguyễn Thị Kim Loan (47 tuổi, ngụ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Đuợc biết, đường dây sản xuất, tiêu thụ các loại thực phẩm chức năng trái phép này hoạt động dưới bàn tay điều hành, quản lý của Long và Luận.

Thế nhưng tại trụ sở công an, các đối tượng đổ hết trách nhiệm cho Trần Thị Thanh Ly (hiện là Giám đốc một thẩm mỹ viện ở quận 1). Được biết, hiện Ly đang đi du lịch ở Thái Lan.

Thủ đoạn đánh lạc hướng cơ quan chức năng

Ngày 19/1, trao đổi với PV, một nguồn tin từ cơ quan CSĐT Công an quận 7 cho biết, vẫn chưa thống kê, phân loại hết được các sản phẩm vừa bị bắt trong lô hàng giả nói trên. Trong đó, thực phẩm chức năng mang nhãn hiệu nổi tiếng như EvaNice (thuốc giảm cân, loại bỏ mỡ thừa, giảm lượng mỡ trong máu), 3Days (đốt cháy mỡ thừa, tăng tính đàn hồi cho da, cho vóc dáng thon gọn), Lisu hồng (chống béo phì, chống ung thư)... là những sản phẩm được các đối tượng nhắm đến và không ngừng tăng gia sản xuất.

Điều đáng nói là tất cả những sản phẩm chức năng giả nói trên đều được sản xuất từ các nguyên liệu trôi nổi mua từ chợ Kim Biên, Chợ Lớn. Đáng nói, những nguyên liệu này đều là hàng quả đát, có xuất xứ hầu hết từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, những nguyên liệu trôi nổi để sản xuất thực phẩm chức năng được mua với giá rất rẻ, chỉ với vài chục ngàn đồng/kg.

Những nguyên liệu rẻ như bèo này, sau khi mua về được "hô biến” thành những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng bằng cách pha trộn, đóng gói, dập hộp và dán nhãn mác có xuất xứ từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc. Không những vậy, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, các đối tượng trong đường dây còn dán thêm nhãn hiệu của nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam. Những sản phẩm trôi nổi, quá đát này có giá cao “ngất trời” từ 180.000 – 1 triệu đồng/sản phẩm.

Được biết, để truy bắt tận "hang ổ" của đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả nói trên, lực lượng trinh sát cơ quan CSĐT Công an quận 7 phải theo dõi và lần theo các đối tượng trong hơn hai tháng. Điều đáng nói, các đối tuợng tỏ ra khá tinh vi, chúng làm giả cả tem chống hàng giả của bộ Công an.

Không những vậy, nguồn tin riêng của PV cho biết: "Ba căn nhà được các đối tượng thuê làm nơi sản xuất và chứa hàng nói trên luôn đóng cửa kín mít. Chỉ có người quen biết ám hiệu mới có thể ra vào các kho hàng. Để đánh lạc hướng những người dân sống xung quanh cũng như cơ quan chức năng, các đối tượng trong đường dây này sử dụng một chiếc xe du lịch, chất hàng trong cốp mỗi khi vận chuyển hàng ra vào kho hàng".

Nói về thị trường tiêu thụ của các sản phẩm giả nói trên, cũng theo nguồn tin riêng của PV: "Sau khi hoàn tất việc sản xuất, đóng gói, các sản phẩm chức năng giả được phân phối cho các đầu mối là thẩm mỹ viện, spa. Đặc biệt, trước khi bị bắt, các đối tượng đã tuồn số lượng hàng tấn thực phẩm chức năng giả vào các nhà thuốc tại TP.HCM, các tỉnh miền Tây và một số tỉnh miền Trung. Trong đó, các nhà thuốc tại các tỉnh miền Tây là thị trường "hấp dẫn" nhất để các đối tượng tìm cách tiêu thụ những sản phẩm thực phẩm chức năng giả”.

Chia sẻ với PV về vấn đề này, một cán bộ cơ quan CSĐT Công an quận 7 cho biết: "Việc các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả tiêu thụ hàng tấn hàng như nói trên cho thấy bấy lâu nay, hàng triệu người dân sử dụng những sản phẩm này mà không hề hay biết sự thật kinh hoàng về sản phẩm mình đang sử dụng.

Để tận mắt chứng kiến việc mua bán vô tội vạ các sản phẩm thực phẩm chức năng hiện nay, PV đã có mặt tại một số nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết những nguời dân đến mua thực phẩm chức năng tại nhà thuốc đều không quan tâm đến nguồn gốc của các loại sản phẩm.

Không những vậy, cũng theo tìm hiểu của PV, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc còn được "thúc đẩy tiêu thụ" thông qua rất nhiều công ty kinh doanh đa cấp trên địa bàn TP.HCM. Hệ thống đa cấp này trở thành mảnh đất "màu mỡ", cho tiêu thụ thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc khiến hàng loạt người dân sập bẫy, tiền mất, tật mang.

Bắt khẩn cấp hai đối tượng cầm đầu

Ngày 19/1, cơ quan CSĐT Công an quận 7 cho biết, đã ra lệnh bắt khẩn cấp hai đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả. Hiện, cơ quan này vẫn tiếp tục truy bắt các đối tượng liên quan để điều tra, làm rõ.

Theo Thơ Trịnh (Đời sống & Pháp luật)