Phân bón giả: Làm sao ngăn chặn?

Riêng tuần cuối tháng 4 đã liên tiếp có hai vụ án lớn liên quan đến lĩnh vực phân bón (PB): Ngày 27-4, một phó giám đốc trung tâm kiểm nghiệm phân bón quốc gia tại Hà Nội bị cơ quan chức năng khởi tố và bắt tạm giam, điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Làm sao ngăn chặn được nạn phân bón giả? Ảnh minh họa

Ngày 24-4, cơ quan chức năng cũng điều tra xác minh thông tin tố giác một công ty cổ phần sản xuất thương mại và dịch vụ ở Ðồng Nai kinh doanh hàng triệu lít PB dạng nước.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, năm 2008 có gần 100 Công ty và tổ hợp sản xuất PB kém chất lượng bán tại 31 tỉnh, thành phố. Năm 2012 - 2013, con số tương ứng là 100 cơ sở và trên 40 công ty, tại 35 địa phương. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), mỗi năm có hàng nghìn vụ sản xuất, kinh doanh PB giả được phát hiện ở hầu hết các địa phương.

Nhiều đợt khảo nghiệm đột xuất và định kỳ hằng năm cho thấy, khoảng 30% đến 60% số mẫu PB được kiểm định có lượng hữu cơ không đúng với ghi trên bao bì; thậm chí, nhiều sản phẩm PB thiếu 80% hàm lượng chất dinh dưỡng. Năm 2013, kiểm tra 1466 cơ sở sản xuất PB, chỉ có 220 cơ sở đạt loại A, còn có tới 187 cơ sở loại C (gần 18%) không đạt tiêu chuẩn sản xuất PB.

Cả nước có khoảng 30 nghìn cơ sở kinh doanh khoảng 6.000 loại phân bón. Nhu cầu sử dụng PB ở nước ta trong năm 2014 khoảng 11 triệu tấn, chủ yếu là phân lân, ka-li, SA, u-rê, DAP, NPK... 80% số nhu cầu này được đáp ứng bởi khoảng 500 cơ sở sản xuất trong nước và hơn nửa số PB thiếu hụt còn lại được nhập từ Trung Quốc với chất lượng rất khó kiểm soát.

Việc quản lý PB đang được ba bộ: Công thương, Khoa học và Công nghệ và NN và PTNN, cùng các Sở NN và PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật, hoặc Chi cục Quản lý thị trường địa phương quản lý, với hai bộ luật, hàng loạt nghị định và các thông tư hướng dẫn, ba bộ quy phạm khảo nghiệm và nhiều văn bản quy định có liên quan khác về PB. Tuy nhiên, việc quản lý vừa phân tán, vừa chồng chéo khiến chưa cơ quan nào có đầy đủ thông tin về các hoạt động sản xuất, kinh doanh PB và cũng chưa ai phải chịu trách nhiệm cuối cùng về vấn đề PB giả.

Dư luận đã, đang và sẽ còn bức xúc trước xu hướng kéo dài, quy mô ngày càng tăng của nạn sản xuất, buôn lậu, gian lận thương mại PB giả. Ðây từng là chủ đề của nhiều báo cáo, giải trình, chất vấn và hội thảo cấp quốc gia, trong Quốc hội. Thực tế cho thấy, nơi nào có lực lượng quản lý thị trường và công an làm tốt, thì nơi đó PB giả giảm.

Thực tế cũng cho thấy, cần có thêm những đột phá để giải quyết căn bản nạn PB giả này; trước mắt:

Tập trung hoàn thiện, siết chặt các quy định về điều kiện sản xuất, phân phối và công bố các chỉ tiêu, thông số chất lượng hợp quy, hợp chuẩn theo Nghị định số 202/2013/NÐ-CP về quản lý PB; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PB và ban hành danh mục PB an toàn, được phép sử dụng; tạo ra thị trường PB cạnh tranh lành mạnh, công bằng, minh bạch.

Ðặc biệt, cần khuyến khích và hỗ trợ bán hàng trả chậm theo hợp đồng bảo hành chất lượng của công ty, HTX dịch vụ nông nghiệp hoặc buộc nhà phân phối sử dụng phương thức "đặt cọc - hoàn trả", nâng cao trách nhiệm bảo hành chất lượng PB bán cho nông dân, thay vì hình thức "mua đứt, bán đoạn", "sống chết mặc bay" bấy lâu nay.

Tăng cường đường dây nóng và thông tin thị trường, thông tin về danh mục, thương hiệu và cách nhận biết PB giả; phát triển các dịch vụ tiện ích kiểm định chất lượng PB thuận lợi, giá rẻ cho nông dân.

Phân công cụ thể đầu mối và cơ chế phối hợp quản lý tập trung thống nhất chất lượng PB giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong tiếp nhận, điều tra, chế tài xử lý các khiếu nại, tranh chấp và ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định quản lý hồ sơ cấp phép, sản xuất, nhập khẩu, kiểm định, khảo nghiệm và phân phối PB giả, kém chất lượng; kiên quyết đóng cửa các công ty, cửa hàng sản xuất, phân phối PB không có bảo hành chất lượng.

Nhà nông có câu "nhất nước, nhì phân...". PB giả không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước, tổn hại tới ngành sản xuất phân bón trong nước, làm méo mó môi trường đầu tư, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng, sản lượng mùa vụ; gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền nông nghiệp và cuộc sống của hàng triệu hộ nông dân; đe dọa an ninh, an toàn lương thực quốc gia...

Ðể PB giả, kém chất lượng tràn lan nói riêng, hàng giả hàng nhái nói chung và kéo dài là vô lý, vô trách nhiệm, không chỉ phản ánh năng lực quản lý kém mà còn có tội với người dân một nắng hai sương với tương lai đất nước.

Theo chg