Nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam: Bệ phóng để Jollibee “cất cánh”

Trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng doanh số của Jollibee vào khoảng 30%. Thương hiệu Jollibee đang dần được khẳng định tại thị trường Việt Nam và đây là thời điểm “vàng” để chính thức triển khai mô hình nhượng quyền.

Đó là nhận định của Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Jollibee Food Corporation và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Jollibee Việt Nam với phóng viên báo chí.


Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Jollibee Food Corporation và Tổng Giám đốc Jollibee Việt Nam.

* Vì sao Jollibee chọn thời điểm này để chính thức triển khai nhượng quyền tại Việt Nam?

- Tuy đã tham gia thị trường Việt Nam hơn 10 năm, nhưng hầu hết thời gian qua, chúng tôi đều tập trung mạnh cho việc xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm cũng như nghiên cứu sở thích của khách hàng để xây dựng nên thực đơn đa dạng, với hương vị phù hợp với người Việt Nam. Bên cạnh đó là việc tập trung cho việc xây dựng hệ thống vận hành và nội lực công ty.

Chuẩn hóa các hoạt động liên quan đến quản lý kinh doanh, quản lý tài chính riêng của từng cửa hàng cũng như xây dựng các hoạt động tiếp thị phù hợp để có thể phát triển, đẩy mạnh kinh doanh. Ngay khi mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo, chúng tôi mới thực hiện việc cho phép nhượng quyền thương hiệu với mong muốn các đối tác sẽ được hưởng những lợi ích nhất định khi tham gia hoạt động nhượng quyền cùng Jollibee tại Việt Nam.

* Tiêu chí để Jollibee chọn đối tác nhượng quyền tại Việt Nam là gì?

- Chúng tôi tìm kiếm những đối tác có kinh nghiệm và kiến thức về hoạt động quản lý điều hành tại các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, cà phê; có niềm đam mê đối với ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống; có đủ nguồn lực tài chính ổn định. Ưu tiên đối tác có sẵn vị trí phù hợp để kinh doanh cửa hàng thức ăn nhanh.

Am hiểu thị trường, khu vực mà mình dự định mua nhượng quyền để kinh doanh, có kiến thức cơ bản về nhượng quyền thương mại; biết tuân thủ nội quy, tiêu chuẩn, quy định của Jollibee.

* Giá cụ thể cho một hợp đồng nhượng quyền tại Việt Nam là bao nhiêu?

- Hiện tại, mức chi phí đầu tư ước tính ban đầu là từ 4,5-5 tỷ đồng, trong đó, nhà đầu tư sẽ được Jollibee Việt Nam hỗ trợ cung cấp các chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp. Được đội ngũ quản lý điều hành, quản lý chất lượng, bộ phận huấn luyện đào tạo thường xuyên nâng cao kiến thức kỹ năng quản lý, hỗ trợ và tư vấn cho các chủ nhà hàng nhượng quyền trong suốt thời gian hoạt động, đặc biệt là trong thời gian đầu mới khai trương (từ 1 đến 4 tháng).

Bên mua nhượng quyền được tham gia vào mạng lưới truyền thông và hoạt động Marketing của Jollibee, được hỗ trợ thiết kế, tư vấn các hạng mục xây dựng, hỗ trợ hướng dẫn nhằm đảm bảo nhà hàng được xây dựng đúng tiêu chuẩn mô hình thương hiệu Jollibee. Chủ đầu tư cũng được cung cấp hệ thống máy móc thiết bị, vật dụng, nguyên liệu và hàng hóa chế biến sản phẩm thức ăn nhanh cùng phần mềm quản lý cho cửa hàng.


Jollibee chính thức nhượng quyền tại Việt Nam.

* Hợp đồng nhượng quyền có các ràng buộc cụ thể gì giữa Jollibee và bên mua nhượng quyền?

- Thời gian cho một hợp đồng nhượng quyền là 5 năm. Trong suốt thời gian này, nhà đầu tư sẽ được quyền sử dụng thương hiệu thức ăn nhanh của Philippines tại Việt Nam để kinh doanh, được hưởng những giá trị hữu hình và vô hình từ uy tín thương hiệu mang lại nhằm đảm bảo việc kinh doanh được thuận lợi ngay từ bước đầu. Jollibee sẽ chuyển giao quy trình vận hành nhà hàng. Tất cả nguyên vật liệu đầu vào sẽ do Jollibee Việt Nam cung cấp 100%.

Jollibee cũng sẽ cung cấp các chương trình đào tạo, huấn luyện để đảm bảo chất lượng dịch vụ, phong cách phục vụ theo đúng tiêu chuẩn của Tập đoàn Jollibee. Sau 5 năm, nếu đối tác vẫn tiếp tục “mặn mà” với Jollibee nữa thì có thể tái ký hợp đồng nhượng quyền cho 5 năm tiếp theo và sẽ không phải trả chi phí tái ký hợp đồng.

* Jollibee có cam kết về thời gian hoàn vốn và có lãi đối với bên mua nhượng quyền hay không?

- Thời gian hoàn vốn phụ thuộc vào 3 yếu tố là đặc điểm mặt bằng kinh doanh, sự nhiệt huyết tận tâm khi vận hành nhà hàng nhượng quyền và sự hỗ trợ về hệ thống hoạt động quản lý nhà hàng. Cả 3 yếu tố này tạo nên sự thành công trong kinh doanh nhà hàng nhượng quyền. Trong đó, 2 yếu tố đầu phụ thuộc rất lớn vào đối tác mua nhượng quyền nên Jollibee không thể cam kết về thời gian hoàn vốn và có lãi được.

* Nếu hoạt động sau khoảng 3 năm, thậm chí tới 5 năm mà vẫn chưa thể hoàn vốn được thì liệu Jollibee sẽ có giải pháp gì cho đối tác nhượng quyền của mình?

- Đây chính là câu chuyện về con người và phong cách phục vụ khách hàng. Chúng tôi cho rằng vẫn có cách để có thể giữ chân khách hàng và tạo thêm khách hàng mới. Kinh nghiệm của bản thân tôi cho thấy, nếu một nhà hàng Jollibee có được đội ngũ nhân sự từ cấp quản lý đến nhân viên đều đạt tiêu chuẩn cao và mạnh thì nhà hàng đó vẫn có thể chuyển từ lỗ thành có lãi trong vòng 3 tháng.

* Ngoài vốn đầu tư ban đầu, phí nhượng quyền một nhà hàng Jollibee tại Việt Nam là bao nhiêu?

- Ngoài chi phí đầu tư ban đầu khi tham gia vào mô hình nhượng quyền của Jollibee là 4,5-5 tỷ đồng, đối tác mua nhượng quyền sẽ trả 5% trên tổng doanh thu hàng tháng cho chi phí nhượng quyền hay còn gọi là royalty cho Jollibee. Mức 5% sẽ được áp dụng trong 5 năm đầu tiên và dự kiến sẽ được nâng lên trong các năm tiếp theo vì hiện phí nhượng quyền của Jollibee tại các thị trường khác đã là 10%.

* Jollibee có hỗ trợ đối tác mua nhượng quyền trong việc xúc tiến hợp đồng vay vốn từ các tổ chức tín dụng hay không?

- Hiện nay, vì mới thực hiện mô hình nhượng quyền, Jollibee sẽ tập trung vào việc tìm kiếm các đối tác có nguồn vốn và mặt bằng. Do đó, chúng tôi chưa có chính sách về việc xúc tiến hợp đồng vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Nhưng chúng tôi hy vọng, nếu mô hình nhượng quyền của Jollibee tại Việt Nam được triển khai thành công thì sau này có thể hướng đến việc mở rộng cơ hội nhượng quyền cho một số đối tác thông qua việc hỗ trợ vay vốn.

* Kết quả hoạt động kinh doanh của Jollibee tại thị trường Việt Nam sau 10 năm gia nhập?

- Hiện kết quả hoạt động kinh doanh của Jollibee Việt Nam vẫn đang tăng trưởng khá tốt theo năm. Bằng chứng là số lượng nhà hàng Jollibee được tăng lên rất tốt và đều đặn, mỗi năm trung bình có khoảng 20 nhà hàng mới được mở. Trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng doanh số của Jollibee Việt Nam vào khoảng 30%.

* Mô hình hoạt động của Jollibee tại Việt Nam hiện nay là đầu tư 100% vốn từ tập đoàn mẹ ở Philippines hay bằng hình thức bán nhượng quyền tổng cho một đơn vị?

- Hoạt động của Jollibee tại Việt Nam là đầu tư 100% vốn vào chuỗi 70 nhà hàng tính đến thời điểm hiện tại. Đến cuối năm nay, con số nhà hàng Jollibee sẽ tăng lên 73 trong cả nước và sẽ tiếp tục tăng thêm trong năm 2016.

* Mặt bằng là cuộc chiến gay gắt tại Việt Nam đối với các chuỗi bán lẻ thức ăn nhanh, giải pháp của Jollibee như thế nào?

- Chính vì mặt bằng là một thách thức nên Jollibee khuyến khích những khách hàng có đam mê trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, có đủ điều kiện về vốn và có mặt bằng tốt cùng nhau hợp tác mở rộng mô hình nhà hàng thức ăn nhanh, cùng xây dựng thương hiệu Jollibee để mang sản phẩm và chất lượng dịch vụ cao đến cho khách hàng Việt Nam. Một giải pháp khác mà Jollibee đang triển khai là mở rộng hoạt động ở các địa phương. Hiện Jollibee chỉ có 10 nhà hàng ở TP.HCM và 60 nhà hàng còn lại tập trung ở các tỉnh, thành trong cả nước.

* Mức độ quan tâm đối với mô hình nhượng quyền của Jollibee tại Việt Nam hiện như thế nào?

- Chúng tôi đang có danh sách của khoảng 120 đối tác muốn tham gia nhượng quyền với Jollibee. Hiện họ đang được thẩm định về mặt bằng và sau đó là khả năng tài chính. Hy vọng hợp đồng nhượng quyền đầu tiên của Jollibee tại Việt Nam sẽ sớm được ký kết.

* Xin cảm ơn bà.

Theo Người tiêu dùng