Việt Nam lấy tiền đâu để phát triển?

“Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới”, đó là câu hỏi của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới.

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015, bà Kwakwa đánh giá, Việt Nam đã hoàn thành 5 năm đầu tiên trong Chiến lược Phát triển Kinh tế - xã hội 2011- 2020, và đang chuẩn bị cho các quyết định mang tính chiến lược và chính trị quan trọng.

Ghi nhận những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong 5 năm qua, nhưng bà Kwakwa cũng tỏ ra lo ngại, trước hết là về năng suất lao động. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm. Trong khi đó, mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5% vào thời điểm các nước đó có cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.

Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo như các nước Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc).

Đặc biệt là hiện nay, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Nhưng tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP đã thể hiện xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%.

Việt Nam lấy tiền đâu để phát triển

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới.

“Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới”, bà Kwakwa đặt câu hỏi.

Tại Diễn đàn, điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, ông Jonathan Durin, Đại diện Thường trú của IMF tại Việt Nam cũng đánh giá, thâm hụt ngân sách vẫn còn lớn, do thu ngân sách giảm đáng kể trong khi chi thường xuyên tăng lên. Chi xây dựng cơ bản đã giảm để kiềm chế thâm hụt ngân sách, tuy nhiên điều này có nguy cơ làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng trung hạn.

Ông Jonathan Durin cho biết, với thâm hụt ngân sách lớn, nợ công và nợ do chính phủ bảo lãnh (PPG) đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á cũng cho rằng trong những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư khoảng 9- 10% GDP vào các lĩnh vực giao thông, năng lượng, truyền thông, nước sạch… theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngân sách này đã giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả của mạng lưới cơ sở hạ tầng quốc gia.

Tuy nhiên theo ông, vì nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển, đất nước đang ngày càng giàu hơn, Việt Nam bắt đầu phải đổi mặt với những thách thức mới về nguồn tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Việt Nam đang tìm kiếm nguồn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng đang tăng lên, khi áp lực đi vay bắt đầu tăng lên và nợ công đang dần tiến tới giới hạn của sự bền vững.

Theo ông, tất cả những thách thức này đòi hỏi môi trường tài chính phải thay đổi để xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi kinh tế phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, Việt Nam tiếp tục bị mất đi các nguồn viện trợ không hoàn lại và vay vốn ODA ưu đãi. Điều này đang làm giảm nguồn lực tài chính vô cùng quan trọng mà thường được sử dụng cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Theo ông Jonathan Durin, Việt Nam nên theo đuổi chính sách củng cố tài khóa theo cách thúc đẩy tăng trưởng, và duy trì chi ngân sách cho đầu tư và xã hội quan trọng. Để thực hiện điều này cần tăng cường nỗ lực thu ngân sách, cải cách toàn diện bộ máy công chức, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công và tăng chi đầu tư công nhưng hiệu quả hơn.

Bà Victoria Kwakwa cho rằng, biện pháp là tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Ngoài ra, vốn ODA cũng phải được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn đầu tư.

“Việt Nam đang càng ít nguồn ODA, làm thế nào để chúng ta tận dụng được nguồn lực ngày càng hạn chế này và làm thế nào để những lĩnh vực ở Việt Nam không bị tụt hậu", bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Eric Sidgwick cho rằng, để huy động nguồn vốn hỗ trợ, Việt Nam cần phải tận dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn ODA sẵn có, ưu tiên cung cấp những thông tin rõ ràng hơn về việc sử dụng nguồn vốn ODA cho các lĩnh vực xã hội.

Theo Diệu Thùy (Infonet)