Nguy cơ khôn lường của sinh mổ nhiều người không biết

Sinh đẻ là thiên chức cao cả của người phụ nữ nhưng nếu vì lý do nào đó mà người mẹ phải thực hiện bằng phương pháp sinh mổ thì cần phải tìm hiểu kỹ về phương pháp này.

Khi nào thì mẹ bầu cần sinh mổ?

Sinh mổ có thể được dự kiến trước hoặc được mổ trong trường hợp bất đắc dĩ tùy theo tình trạng sức khỏe của thai nhi và thai phụ. Hầu hết các trường hợp sinh mổ được bác sĩ chỉ định khi có biến chứng khi bắt đầu chuyển sinh.

Dưới đây là những lý do bạn có thể được sinh mổ mà không được dự kiến trước:

- Quá trình chuyển đẻ chậm và khó khăn hoặc ngừng hoàn toàn.

- Xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm từ em bé như tim rất nhanh hoặc rất chậm.

- Nhau thai và dây rốn của bé gặp nguy hiểm.

- Em bé quá to và không thể chui qua đường âm đạo.

Còn trong trường hợp bác sĩ đã dự liệu trước một bất thường, họ sẽ chỉ định bạn sinh mổ. Lý do bạn sinh mổ được dự kiến trước bao gồm:

- Thai nhi không chuyển ngôi xuống khi đã gần đến ngày sinh.

- Mẹ có vấn đề về sức khỏe như bệnh tim.

- Mẹ mắc chứng nhiễm trùng có thể truyền cho em bé qua đường sinh qua âm đạo.

- Thai phụ mang đa thai.

Tùy theo tình trạng sức khỏe thai nhi và sản phụ để lựa chọn hình thức sinh phù hợp và an toàn cho cả mẹ và bé (Ảnh minh họa)

- Hoặc thai phụ đã từng sinh mổ trong lần sinh trước. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, thai phụ từng sinh mổ vẫn có thể sinh em bé tiếp theo bằng cách sinh bình thường qua âm đạo nếu được sự cho phép của bác sĩ tùy vào sức khỏe của mẹ và bé.

Nguy cơ của sinh mổ là gì?

Thường thì những em bé và sản phụ sẽ phục hồi tốt sau khi sinh mổ nhưng sinh mổ là một cuocj phẫu thuật lớn nên khó tránh khỏi những nguy cơ tiềm ẩn so với sinh thường.

Dưới đây là những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra sau sinh mổ:

- Nguy cơ tăng nguy cơ nhiễm trùng sản khoa, mất máu và xuất huyết sau khi sinh mổ.

- Nguy cơ dễ gây chấn thương rách, xây xước cho các cơ quan khác như bàng quang, ruột.

- Tăng nguy cơ mổ lấy thai lần 2.

- Nếu xảy ra trường hợp chảy máu không kiểm soát ở vết mổ đẻ lần đầu thì nguy cơ cắt bỏ tử cung là rất cao.

- Nguy cơ phẫu thuật loại bỏ những tế bào bất thường khi bị lạc nội mạc tử cung đối với những phụ nữ đã từng mổ lấy thai. 

- Những sản phụ sinh mổ có nguy cơ tử vong cao gấp 2 đến 4 lần so với sản phụ sinh thường. 

- Những trường hợp gặp các biến chứng do thuốc mê, thuốc tê gây ra.

- Có khả năng khiến sữa về muộn hơn, con sẽ khó bú hơn. Sản phụ cũng phải nằm viện lâu hơn so với sản phụ sinh thường.

- Nguy cơ vết sẹo sẽ rách ở những người sinh mổ lần sau. Người mẹ cũng có nguy cơ gặp vấn đề với nhau thai như nhau tiền đạo.

Những sản phụ sinh mổ có thể về nhà từ 3 - 5 ngày sau sinh mổ, nhưng phải mất từ 4 tuần trở lên để hồi phục hoàn toàn. Thời gian lâu hơn so với sản phụ sinh thường, họ có thể về nhà chỉ 1 - 2 ngày và hồi phục hoàn toàn từ 1 - 2 tuần.

Sau khi về nhà, sản phụ sinh mổ cần lưu ý:

- Bạn cần nghỉ ngơi thoải mái khi vết rạch liền lại.

- Tránh mang vác vật nặng, tập thể dục quá sức và ngồi nhiều. 

- Chấp nhận sử dụng thuốc giảm đau từ 1 - 2 tuần vì đau bụng dưới.

- Bạn có thể bị chảy máu âm đạo trong vài tuần tuy nhiên chỉ nên dùng băng vệ sinh bình thường, tránh dùng tampon.

- Báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có bất cứ vấn đề gì hoặc có dấu hiệu bị nhiễm trùng, như sốt, mẩn đỏ hoặc có mủ ở vết rạch.

Theo Tú Liên ( GĐVN )