Đẻ non vì không giữ vệ sinh răng miệng

Chỉ vì lười không đi đánh răng sau khi ăn kẹo vào buổi tối, Cẩm đã bị viêm lợi, sâu răng và hệ lụy là sinh cô con gái thiếu tháng.

Thấy chồng vừa đi làm về, Cẩm vội chạy ra đón. “Anh đã tạt qua cửa hàng mua bánh su kem cho em chưa. Em đang thèm quá đây”, Cẩm háo hức hỏi. Thắng lấy ống tay quệt mồ hôi ở trán, cười tươi: “Có đầy đủ cả đây, em cứ vào ngồi nghỉ đi, anh sẽ xách vào tận nơi”.

Cẩm vào trước, Thắng khệ nệ xách mấy túi đồ theo sau. Đặt tất cả đống túi lên bàn, Thắng lục tìm một túi giấy. “Đây, em ăn trước bánh đi cho đã cơn thèm”. Cẩm vội cầm lấy cái hộp mà Thắng đưa, mở vội ra lấy bánh nhai ngấu nghiến như người bị bỏ đói lâu ngày. Ăn liền hơn 10 cái bánh su kem, Cẩm mới ngưng lại uống nước cho đỡ nghẹn. “Thế mấy cái túi này là gì mà nhiều thế này hả anh?”, Cẩm vừa nhai vừa hỏi.

Mẹ bầu không giữ vệ sinh răng miệng dễ dẫn tới việc sinh non (Ảnh minh họa)

Thắng cau mày nói: “Anh phải mua dự trữ đồ ăn cho em chứ còn gì nữa. Này thì kẹo hoa quả này, bánh quy này, mứt dâu này, tha hồ cho em chọn lựa nhé. Anh phải chuẩn bị trước thế này chứ không đến lúc em nổi cơn thèm, lại bắt anh phải đội mưa giữa đêm đi mua cho em như hôm nọ ấy. Tối đêm còn cửa hàng nào mở cửa đâu, đi mệt hơi mà chẳng mua được gì, về lại còn bị mắng nữa”.

Nghe Thắng bóng gió trách cứ, Cẩm ngượng nghịu cúi đầu. Cũng chẳng hiểu tại sao từ lúc có bầu, Cẩm chẳng hề bị nghén mà lại cảm thấy thèm đồ ngọt. Lúc cơn thèm lên mà không được ăn thì trong người Cẩm có cảm giác bứt rứt không làm sao chịu được.

Cơn thèm đồ ngọt của Cẩm cứ vẫn kéo dài không thấy “thuyên giảm”. Kho dự trữ đồ ngọt mà Thắng đem về cứ ngày một vơi đi và sắp hết hẳn. Lúc nào Cẩm cũng có thể ăn đồ ngọt được. Đặc biệt, cứ đến 11h đêm trước khi đi ngủ, Cẩm phải có một cái kẹo ngậm mới cảm thấy yên tâm. Lắm hôm, ngậm kẹo muộn quá, đã leo lên giường chuẩn bị đi ngủ nên Cẩm lười không muốn ra khỏi phòng đi đánh răng. Cẩm tặc lưỡi nghĩ bụng: “Không đánh răng thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. Răng mình chắc lắm”.

Mấy hôm liền, Cẩm súc miệng buổi sáng thấy nhói buốt ở bên trong hàm. Cẩm soi gương kỹ và phát hiện có một vài đốm đen xuất hiện trên răng. Về kể với chồng, Thắng phán: “Em bị sâu răng rồi. Chắc do ăn nhiều đồ ngọt quá đấy. Cẩn thận sâu nặng thì đau lắm đấy. Phải đến bác sĩ hàn răng đi thôi”. “Em sợ khoan răng lắm. Từ nay em sẽ cố kìm cơn thèm, không ăn đồ ngọt nữa. Chắc sẽ khỏi thôi”, Cẩm phụng phịu nói.

Tuy dừng không ăn đồ ngọt nữa nhưng tình trạng răng miệng của Cẩm không được cải thiện. Dường như chỗ sâu răng mỗi lúc một to ra và ngày một đau hơn. Chịu không được, Cẩm đành nhờ chồng chở đến bệnh viện nha khoa. Sau khi thăm khám cho Cẩm, bác sĩ chẩn đoán Cẩm bị viêm lợi và sâu răng.

Vị bác sĩ nói: “Do chị không giữ gìn vệ sinh răng miệng nên lợi bị viêm, răng bị sâu. Đã thế lại đến chữa trị muộn nữa. Chị đang có bầu mà không cẩn thận gì cả. Chị nên biết rằng, bệnh răng miệng có thể dẫn đến tình trạng sinh non hoặc sinh thiếu cân. Các vi khuẩn có thể từ răng miệng thâm nhập qua đường máu, đi vào nước ối và ảnh hưởng đến thai nhi. Càng để lâu thì tình trạng càng không tốt”.

Nghe bác sĩ nói, Cẩm đi từ sự ngạc nhiên đến lo sợ. Vậy mà trước đây Cẩm không hề biết đến điều này nên chủ quan trong việc giữ gìn vệ sinh răng miệng. “Bây giờ tôi sẽ tạm thời chữa trị răng cho chị. Từ giờ đến lúc sinh chị phải giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt, chải răng đúng cách và thường xuyên. Đồng thời, chị cũng nên đến bác sĩ sản khoa theo dõi thai nhi cẩn thận để cố gắng hạn chế tình trạng sinh non”, bác sĩ tư vấn.

Quả đúng như bác sĩ đã chẩn đoán, Cẩm sinh sớm 20 ngày so với dự kiến. Cũng may là cô con gái của Cẩm không chào đời quá sớm nên sức khỏe của bé không bị ảnh hưởng gì nhiều. Nếu không, Cẩm sẽ thực sự ân hận chỉ vì sự chủ quan của mình.

Theo Bảo Anh ( GĐVN )