Người tiêu dùng trước “mạng nhện” phân phối dược phẩm

Chính hệ thống phân phối chằng chịt, nhiều tầng nấc hiện nay trong ngành dược phẩm đã tạo nên quyền lực vô biên cho các nhà phân phối. Hệ quả là người tiêu dùng vẫn phải tiếp tục gánh chịu mức giá thuốc cao ngất ngưỡng, trong khi các giải pháp rốt ráo cho vấn đề “ma trận” phân phối dược phẩm tới nay vẫn chưa có gì rõ ràng.

Sỉ, lẻ đều có quyền lực

“Phải nghiên cứu ma trận phân phối dược phẩm thật kỹ trước khi bước chân vào ngành này vì hoặc sẽ huy hoàng với mức lợi nhuận có thể lên tới hàng trăm phần trăm hoặc sẽ thất bại và trắng tay”, một nhà đầu tư trong ngành bán lẻ điện máy (không muốn nêu tên) từng mở chuỗi bán lẻ gồm hơn chục nhà thuốc tư nhân tại TP.HCM, nhưng sau đó đành phải sang nhượng lại để cắt lỗ, nói với tác giả bài viết.

Theo tìm hiểu của phóng viên sau khi thâm nhập thực tế hệ thống phân phối dược phẩm tại TP.HCM gồm chợ sỉ, công ty phân phối sỉ, các nhà thuốc tây bán lẻ và cả các phòng mạch tư nhân, hiện ngành này vẫn hoạt động sôi nổi với các nhóm lợi ích chằng chịt. Với mức lợi nhuận khá hấp dẫn, tình hình cạnh tranh giữa 2 nhóm chính là bán sỉ và bán lẻ dược phẩm cũng ngày càng gay gắt.

Người tiêu dùng trước mạng nhện phân phối dược phẩm
 

Nhóm bán sỉ hoạt động dưới 2 hình thức là công ty phân phối sỉ và chợ sỉ. Hiện 3 thương hiệu quốc tế lớn đang phân phối sỉ dược phẩm tại Việt Nam là Zuellig Pharma, Mega Products và DKSH với hơn 55% thị phần cả nước theo báo cáo mới nhất của Business Monitor International (Anh), miếng bánh còn lại thuộc về khoảng 1.500 đơn vị phân phối nước ngoài và trong nước khác.

Một nguồn tin của tác giả bài viết có được, mô hình công ty phân phối sỉ dược phẩm tại Việt Nam nếu hoạt động bài bản và kinh doanh đạt hiệu quả tốt thì có thể tạo ra mức siêu lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu bình quân hiện nay của các công ty phân phối sỉ tùy qui mô có thể dao động từ 100-1.000 tỷ đồng/năm so với mức vốn đầu tư từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng nên chỉ khoảng sau 2-3 năm là có khả năng hòa vốn.

Trong khi đó, các đơn vị kinh doanh thuốc ở chợ sỉ cũng có thể đạt mức lợi nhuận không kém các công ty phân phối sỉ. Tuy nhiên, có một thực tế là các nhà kinh doanh ở chợ sỉ muốn tồn tại lâu dài thì phải có quan hệ tốt với các nhà sản xuất và các công ty phân phối sỉ.

Đáng chú ý hơn, các công ty phân phối sỉ cung cấp thuốc cho chợ sỉ và cả 2 lại cùng thực hiện chức năng phân phối trực tiếp đến các nhà bán lẻ. Như vậy, vô hình trung, các công ty phân phối sỉ và chợ sỉ vừa là bạn, vừa là thù nên cạnh tranh khốc liệt là chuyện tất nhiên.

Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny (Canada) cho biết, chợ sỉ luôn sở hữu quyền lực ngầm, thậm chí có thể chi phối cả các công ty phân phối sỉ. Cụ thể, chợ sỉ có đủ nguồn lực tài chính để gom hết hàng của các công ty phân phối sỉ trong những đợt khuyến mãi và sau đó sẽ bán lại cho các nhà bán lẻ theo mức giá họ muốn.

Ngoài ra, các nhà kinh doanh ở chợ sỉ hoàn toàn có khả năng đặt các loại thuốc họ muốn thông qua hình thức OEM (sản xuất theo thiết bị gốc) cho các nhà sản xuất nước ngoài để có thể chủ động nguồn dược phẩm.

Nhưng các công ty phân phối sỉ vẫn có “chiêu” riêng của mình chính là khả năng cung cấp các loại thuốc đặc trị, vốn mang lại mức lợi nhuận khủng có thể lên tới 400-500%.

Ở mảng bán lẻ, tình hình hoạt động kinh doanh cũng sôi động không kém với hàng loạt chuỗi nhà thuốc tư nhân với qui mô đầu tư bài bản, đạt chuẩn GPP (Thực hành nhà thuốc tốt) và đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường như Mỹ Châu, V-Phano, ECO, Sapharco… cùng hàng ngàn nhà thuốc nhỏ lẻ khác chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM.

Một kênh bán lẻ khác cũng cần phải đề cập tới là các phòng mạch tư nhân hoặc nhà thuốc trong bệnh viện. Đặc biệt, để có thể đưa thuốc được vào tận bệnh viện, các nhà kinh doanh phải tham gia đấu thầu. Có một qui định “bất thành văn” ở đây là thuốc khi đã vào được bệnh viện nhưng bác sĩ có dùng để kê toa cho bệnh nhân hay không lại là chuyện khác. Điều này phụ thuộc vào “tài năng” của các trình dược viên.

Người tiêu dùng trước mạng nhện phân phối dược phẩm
Hệ thống phân phối dược phẩm tại Việt Nam chằng chịt như mạng nhện

Thượng đế không ngại

Trước ma trận phân phối dược phẩm hiện nay, rõ ràng, quyền lực của các nhà phân phối cả sỉ và lẻ đều rất lớn. Trong khi đó, dược phẩm với đặc thù là sản phẩm mang tính chất bất đối xứng về thông tin rất cao tại Việt Nam giữa một bên là các bác sĩ, dược sĩ và bên kia là bệnh nhân.

Chính xác hơn, trong mọi trường hợp, bệnh nhân thường không có quyền thương lượng về giá cả cũng như chất lượng thuốc. Vì vậy, thật không khó để có thể giải thích vì sao người tiêu dùng cuối cùng là các bệnh nhân trong nhiều năm qua và có lẽ cả trong tương lai vẫn còn phải tiếp tục gánh chịu mức giá thuốc cao đến chóng mặt.

Điều này tỷ lệ thuận với sự ăn nên làm ra của các nhà kinh doanh vì dược phẩm được đưa từ các nhà sản xuất đến các đầu mối phân phối sỉ với một khoản lãi nhất định. Tiếp theo, các đầu mối này sẽ phân phối lại cho các nhà bán lẻ với giá thuốc thường tăng thêm khoảng 10%. Sau cùng, các nhà bán lẻ là nhà thuốc, bệnh viện, phòng mạch tư sẽ tăng thêm 10-20%, thậm chí có thể lên tới 50-100% tùy loại thuốc khi đến tay bệnh nhân.

Đi sâu phân tích vấn đề giá thuốc bị leo thang, các chi phí “không tên” liên quan tới hoạt động kinh doanh của các công ty phân phối cũng là một yếu tố đáng quan tâm.

Hiện các văn phòng đại diện của các nhà sản xuất nước ngoài không được phép trực tiếp phân phối mà chỉ được phép tiếp thị thuốc bằng cách sử dụng đội ngũ trình dược viên, tương tự đối với các công ty phân phối nội địa. Do đó, cả văn phòng đại diện lẫn công ty dược trong nước đều phải gánh các chi phí vận hành chính thức cùng với khoản chi phí dành cho bác sĩ và dược sĩ.

Thường chi phí “ngầm” dành cho bác sĩ, dược sĩ đều không có hóa đơn chứng từ, nghĩa là doanh nghiệp phân phối phải chịu tới 2 lần chi phí gồm chăm sóc khách hàng và thuế suất trên khoản chi phí không khai báo được. Kết quả tất nhiên là giá thuốc sẽ bị đội lên rất cao.

Theo cam kết WTO, từ ngày 1/1/2009, các doanh nghiệp ngoại được quyền nhập khẩu dược phẩm trực tiếp nên mô hình đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng cũng thay đổi. Trước đây, quy trình này thường theo thứ tự là nhà sản xuất (nước ngoài), nhà nhập khẩu ủy thác (tại Việt Nam), nhà phân phối sỉ (tại Việt Nam) và nhà phân phối lẻ (tại Việt Nam).

Hiện quy trình đã được rút ngắn, bỏ qua khâu “nhà nhập khẩu ủy thác” nhằm giảm chi phí. Nhưng thực tế cho thấy, quyền lực của các đơn vị được phép nhập khẩu ủy thác vẫn còn rất lớn.

Các cam kết đa phương khi gia nhập WTO đã nêu rõ, Việt Nam chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm, tức không muộn hơn ngày 31/12/2018. Nghĩa là lợi thế cạnh tranh này chỉ có thể tồn tại đến cuối năm 2018.

Nhưng để ngành phân phối dược phẩm có thể phát triển một cách minh bạch, hệ thống chính sách cũng cần phải dần được hoàn thiện cùng với hiệu quả thực thi được nâng cao hoặc vấn đề ma trận phân phối dược phẩm sẽ được thay đổi theo hướng bớt dần tầng nấc trung gian, giảm thiểu giá thuốc vì lợi ích người tiêu dùng.

Theo  Bảo Vinh (nguoitieudung)