Tố giác người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sẽ được thưởng lớn



Trước kết quả kiểm tra hơn 20% mẫu nước tiểu của lợn dương tính với chất tạo nạc Salbutamol, Bộ NN&PTNT cho biết, tuần tới sẽ công bố đường dây nóng, website và trao thưởng lớn cho người tố giác các đơn vị, cá nhân sử dụng, buôn bán các loại chất cấm trong chăn nuôi.


Ảnh: Chí Cường

Kẽ hở trong quy định xử phạt

Ngày 5/11, tại Hội nghị toàn quốc Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông – lâm - thủy sản của Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Bộ này và nhiều sở, ngành cho rằng, việc xử lý chất cấm trong chăn nuôi hiện nay còn có nhiều kẽ hở. Một trong số đó là quy định xử phạt liên quan đến chất cấm.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho rằng, Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) quy định mức xử phạt phụ thuộc vào tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe “là điều không thể đi vào cuộc sống”. “Mỗi ngày chúng ta ăn vào một chút, làm sao xác định được tồn dư bao nhiêu? Ảnh hưởng bao nhiêu phần trăm tới sức khỏe? Chúng ta phải hành động ngay, không thể chờ chết người mới xử lý”.

Trong khi đó, Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) nêu bất cập khi Bộ Luật Hình sự (hiện tại) mới chỉ quy định tội phạm về vận chuyển, tàng trữ chất cấm chứ chưa có quy định liên quan tới hành vi sử dụng.

“Ngay cả với hành vi buôn bán hàng cấm thì việc xử phạt cũng phải căn cứ vào số lượng hàng hóa. Tuy nhiên, với chất Salbutamol thì chưa có thông tư nào quy định cụ thể số lượng cụ thể, bao nhiêu kilôgam là số lượng lớn? Do đó, rất khó để xử lý hình sự”, Đại tá Trần Trọng Bình nói.

Phải truy tìm các đầu nậu buôn bán chất cấm

Việc sử dụng chất tạo nạc đã được phát hiện từ cách đây 10 năm nhưng như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, tình trạng này đã quay trở lại và ngày càng nghiêm trọng.

Trong 1.000 mẫu nước tiểu để kiểm tra chất cấm, Bộ NN&PTNT phát hiện trên 20% số mẫu dương tính. Trong 58 mẫu thức ăn, con số này cũng lên tới 16%. Để xử lý tận gốc “vấn nạn” sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, theo ông Cao Đức Phát, phải truy tìm bằng được các đầu nậu đang kinh doanh, buôn bán chất cấm theo hai con đường, đó là nhập khẩu trái phép hoặc tuồn hàng trái phép với mục tiêu được nhập khẩu.

Bên cạnh việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, báo cáo của Bộ NN&PTNT trong 9 tháng đầu năm 2015 tại Hội nghị cho thấy nhiều vi phạm liên quan đến chất lượng an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng đã phát hiện 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, 16% mẫu thịt phát hiện vi khuẩn Salmonella, 7,6% có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng…

Gần đây, còn xuất hiện thông tin ngâm chuối trong thuốc diệt cỏ để “kích chín”. Ông Cao Đức Phát chia sẻ, bản thân ông cũng “lạnh xương sống” khi xem những hình ảnh này. “Cần phải xem xét đó là hành vi vi phạm hành chính hay là tội ác? Là tội ác thì chúng ta phải đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Thử tưởng tượng con cái của chúng ta ăn miếng chuối đó thì sẽ ra sao?”.

Bộ NN&PTNT yêu cầu các Sở NN&PTNT, đặc biệt là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, phải cung cấp được tới người dân địa chỉ bán thực phẩm an toàn trước Tết Nguyên đán.

Để nông sản sạch sống được và đến gần người dân, cần xây dựng một số điểm bán hàng có in lôgô, chứng nhận của Sở NN&PTNT để phân biệt với các cửa hàng thực phẩm sạch đang nở rộ trên thị trường hiện nay.

Dự kiến, trong tuần tới, Bộ NN&PTNT sẽ công bố số điện thoại đường dây nóng và website để người dân tố giác hành vi sử dụng chất cấm. “Bộ sẽ công bố tiền thưởng cho những người có thông tin đắt giá. Theo quy định, mức tiền thưởng từ 1 – 5 triệu đồng nhưng tôi sẵn sàng trả cao hơn mức đó. Toàn bộ tiền thưởng sẽ được trích từ Quỹ của Bộ trưởng”, ông Cao Đức Phát khẳng định tại Hội nghị. 

Theo Xuân Nhi (GĐXH)