Mua bán thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp

Theo Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động tàng trữ, vận chuyển, mua bán thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra phức tạp.

Theo Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động tàng trữ, vận chuyển, mua bán thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra phức tạp, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng mạnh, các đối tượng tập trung vận chuyển, buôn bán hàng hóa mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vi phạm trong tàng trữ, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, quý hiếm và sản phẩm của động vật tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương, với thủ đoạn vận chuyển, buôn bán và trực tiếp nuôi giữ trái phép. Lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển với số lượng lớn.

Điển hình như: Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ 25 tấn thịt, nội tạng bò, heo, gà không rõ nguồn gốc; Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ gần 13 tấn nội tạng động vật, 13 tấn phụ gia thực phẩm; 5,2 tấn tai lợn không rõ nguồn gốc; Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ 7,3 tấn măng tươi không đảm bảo an toàn thực phẩm;

Công an tỉnh Cao Bằng bắt giữ hơn 34 tấn sản phẩm đông lạnh; Công an tỉnh Bình Thuận thu giữ 23 cá thể cầy, trăn; Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ 55 cá thể sóc, kỳ nhông; Công an tỉnh Nghệ An thu giữ 32 cá thể tê tê,… Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện xe ô tô BKS 98C - 291.31 vận chuyển gần 1 tấn sản phẩm động vật bốc mùi hôi thối. Công an huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thu giữ lô hàng hơn 3,2 tấn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, trong quý II/2023, ngành y tế tuyến tỉnh đã kiểm tra 116 cơ sở, số cơ sở đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP) là 116 (100%); Thành lập 11 Đoàn kiểm tra ATTP tuyến huyện, 90 Đoàn kiểm tra ATTP tuyến xã, kiểm tra được 1.435 cơ sở, số cơ sở đạt tiêu chuẩn ATTP là 1.268 (88,4%); xử phạt vi phạm hành chính 11 cơ sở với số tiền là 14.000.000 đồng; tiêu hủy sản phẩm thực phẩm tại 19 cơ sở; các hình thức vi phạm chủ yếu; kiểm nghiệm bằng test nhanh 14 mẫu thực phẩm...

mua-ban-thuc-pham-khong-dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-dien-bien-phuc-tap

Mua bán thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp. Ảnh: BHT

Theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.

Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, một số cấp trong lực lượng Công an nhân dân còn có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, đ, e, g, h, i, k và l Khoản 3 Điều 2 đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính như sau:

Buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nguyên liệu, chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm có nội dung vi phạm; tang vật vi phạm; lô hàng thủy sản không bảo đảm an toàn thực phẩm;

Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm vi phạm; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm; Buộc ngừng việc sử dụng phương tiện vận chuyển; Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm, Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu; Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.

Theo VietQ