Học một đằng, bằng một ngả

Thi đầu vào là ngành Quản trị bệnh viện (QTBV), Khoa QTBV Đại học (ĐH) Hùng Vương TP.HCM, nhưng đến khi tốt nghiệp, nhận bằng lại thấy ghi ngành Quản trị kinh doanh (QTKD)... các sinh viên Khoa QTBV ngỡ ngàng, hối tiếc vì 5 năm công đèn sách.

Trong đơn khiếu nại gửi về tòa soạn báo Sức khỏe&Đời sống, chị Phan Thị K.Y. (hiện đang công tác tại một bệnh viện TP. HCM) trình bày: Năm 2008, cô tốt nghiệp chuyên ngành Thư ký y khoa (hệ Kỹ thuật viên), Trường ĐH Hoa Sen và được nhận về công tác tại một bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM. Với mục đích nâng cao trình độ học vấn, năm 2010, chị tiếp tục đăng ký thi tuyển sinh ĐH Hùng Vương TP.HCM và trúng tuyển chuyên ngành QTBV. Trong thời gian gần 5 năm vừa học tập, vừa cố gắng làm tốt công tác ở bệnh viện, ngày 14/11/2015 chị tốt nghiệp ĐH. Thế nhưng, khi nhận bằng tốt nghiệp thì chị K.Y. rất ngỡ ngàng bởi trên văn bằng cấp cho chị lại ghi ngành QTKD chứ không phải QTBV...

Chị K.Y. đến Phòng Đào tạo Trường ĐH Hùng Vương liên hệ thì được giải thích sẽ được cấp thêm giấy xác nhận chuyên ngành QTBV. Chị đã yêu cầu được giải thích về việc tại sao không thể nhận bằng đúng như chuyên ngành mình đã học, nhưng chỉ được cô thư ký tên Thảo hướng dẫn nộp thêm 1 tấm hình 3x4cm để Phòng Đào tạo cấp thêm chứng chỉ chuyên ngành QTBV.

Thi đầu vào là ngành Quản trị bệnh viện (QTBV), Khoa QTBV Đại học (ĐH) Hùng Vương TP.HCM, nhưng đến khi tốt nghiệp, nhận bằng lại thấy ghi ngành Quản trị kinh doanh (QTKD)... các sinh viên Khoa QTBV ngỡ ngàng, hối tiếc vì 5 năm công đèn sách.

Chị K.Y. đăng ký học ngành QTBV nhưng tốt nghiệp lại nhận được bằng QTKD.

Trong đơn, chị K.Y. khiếu nại: “Tôi đăng ký học và được đào tạo chuyên ngành QTBV, tại sao trên bằng tốt nghiệp lại cấp ngành QTKD. Giấy xác nhận có giá trị thế nào, còn Chứng chỉ chuyên ngành là gì? Tại sao phải xin mới có, mà nhà trường không chủ động cấp cho sinh viên, trong khi đó là trách nhiệm của nhà trường. Mỗi lần lên trường, tôi phải xin nghỉ phép, xin phép đi ra ngoài, rất ảnh hưởng đến công việc và thời gian của tôi.

Trong 5 năm, vừa học vừa làm, vừa lo gia đình con nhỏ, công việc, bao nhiêu khó khăn, vất vả, nhưng tôi luôn ý thức việc học hành và luôn cố gắng học tập với thành tích đạt được loại khá trên bảng điểm. Tôi hiện là công chức tại bệnh viện, khi tôi nộp bằng tốt nghiệp về bệnh viện, Phòng Tổ chức cán bộ bệnh viện đã không chấp nhận nâng bậc lương vì không đúng chuyên ngành học tập nâng cao. Từ Thư ký y khoa lên QTBV thì mới được chấp nhận, còn Thư ký y khoa lên QTKD sẽ không được chấp nhận. Ai là người chịu trách nhiệm cho những việc này, cho thời gian, công sức, thành quả học tập của tôi?”.

Theo tìm hiểu, Trường ĐH Hùng Vương là nơi duy nhất có khoa QTBV. Được giới thiệu là có 2 chuyên ngành: Quản trị chất lượng và Tài chính kế toán y dược. Cử nhân QTBV có khả năng: Tổ chức điều hành cơ sở y tế, bệnh viện công lập cũng như tư nhân. Quản lý điều hành và phụ trách các nhiệm vụ kinh tế và quản trị ở các cơ sở kinh doanh, cơ quan nghiên cứu, giáo dục. Tổ chức và tham gia các hoạt động y tế công cộng công lập cũng như các tổ chức từ thiện phi Chính phủ.

Cử nhân QTBV được trang bị các kiến thức về QTKD, Quản trị Nhà nước và Quản lý ngành y tế, Kinh tế y tế và Y tế công cộng, Anh ngữ và Tin học tổng quát cũng như chuyên ngành. Trong quá trình học, sinh viên được thực hành tại các cơ sở y tế (trung tâm y tế quận, bệnh viện), cơ sở kinh doanh y dược (công ty, xí nghiệp dược) và tham quan học tập tại các cơ quan nghiên cứu (viện, trung tâm nghiên cứu).

Trường ĐH Hùng Vương đã liên tục tuyển sinh vào khoa QTBV từ năm 1996 và cho tới nay đã có rất nhiều khóa sinh viên khoa đã ra trường. Tuy nhiên, cho đến nay mới có sinh viên khóa này khiếu nại về chuyện ngành học ghi không đúng trên bằng. Mặt khác, theo bảng điểm (cũng do chị K.Y. cung cấp), các môn học của sinh viên khoa QTBV ở ĐH Hùng Vương quả thật không hề liên quan đến ngành học QTKD như: An toàn thực phẩm - HACCP, Tổ chức - Quản lý y tế, Giao tiếp nhân sự trong y tế, Quản lý y dược căn bản, Quản lý điều dưỡng, Giám định y khoa - pháp y,... Bởi thế không thể nhầm lẫn giữa khoa QTKD và QTBV cũng như không thể có chuyện QTBV thuộc ngành QTKD được.

Đem những thắc mắc trên đến Trường ĐH Hùng Vương, gặp anh Mạch Trần Huy - Trợ lý Hiệu trưởng và chị Nguyễn Thị Mai Bình - Trưởng phòng Khảo thí, được biết: Việc cấp bằng cử nhân cho sinh viên tốt nghiệp của trường được thực hiện theo đúng Quyết định số 33/2007/QĐ - BGDĐT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ngày 20/6/2007, khi ấy nhà trường đã có Khoa QTBV nhưng ngành QTBV lại chưa có mã ngành nên không thể ghi lên bằng tốt nghiệp cho sinh viên là ngành QTBV được.

Phải đợi đến năm 2011, trường mới xin được mã ngành cho ngành QTBV (nay đổi thành Quản lý bệnh viện) nên những sinh viên nhập học từ năm này mới được nhận bằng tốt nghiệp QLBV. Tất nhiên thắc mắc của những sinh viên bị thiệt thòi khi không được ghi đúng ngành học của mình là chính đáng, vì thế nhà trường mới cấp thêm giấy chứng nhận và giấy chứng nhận này cũng chỉ có thể ghi là ngành QTKD - Chuyên ngành: QTBV. Còn nếu bệnh viện hay đơn vị y tế nào còn thắc mắc thì nhà trường sẽ làm thêm giấy xác nhận để làm rõ hơn (?).

Về điều này, chị K.Y. và một số bạn bè cùng tốt nghiệp không đồng ý. Chị cho rằng, bằng tốt nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ ràng, chỉ có một. Chị bỏ 5 năm công sức học hành, tiền bạc: một là để nâng cao trình độ về quản lý y tế, hai là để có được tấm bằng cử nhân, chứng minh những gì mình đã cố gắng trong 5 năm ấy, với đơn vị đã cử mình đi học. Ngoài ra, giấy xác nhận hay chứng nhận không thể thay thế hay “minh họa” cho tấm bằng QTKD kia được. Hỏi: Nếu biết không thể cấp bằng QTBV cho sinh viên vậy sao nhà trường không hướng dẫn hay giải thích cho sinh viên rõ ràng ngay từ đầu, đại diện ĐH Hùng Vương - anh Huy và chị Bình trả lời rằng có. Tuy nhiên chị K.Y. phủ nhận hoàn toàn điều này.

Với câu hỏi: Vậy ĐH Hùng Vương sẽ giải quyết như thế nào trước một số trường hợp khiếu nại của những sinh viên không được cấp bằng đúng theo ngành học, là một thiệt thòi rất lớn cho họ trong công tác sau này... Đại diện trường cũng lúng túng và vẫn nại ra những khó khăn của trường cũng như quay lại với giải thích rằng, sẽ cấp giấy chứng nhận cho sinh viên. Sau đó, anh Mạch Trần Huy có trao đổi rằng, sẽ xin ý kiến của Bộ. Vậy nhưng, về phía Văn phòng đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phía Nam thì trả lời hoàn toàn chưa biết gì về chuyện này. Nếu các sinh viên gửi đơn khiếu nại đến thì văn phòng mới chính thức làm việc với trường.

QTBV là một ngành học thiết thực, rất cần trong hệ thống y tế của bất cứ bệnh viện nào, địa phương nào. Mở ra ngành học này là điều rất cần thiết và hợp lý vì nhu cầu là thực tế, nhưng nếu chỉ mở ra mà không cấp được bằng cấp đúng theo ngành học của sinh viên thì Trường ĐH Hùng Vương cũng cần phải xem lại, phải chăng đã làm một việc có thể nói là “cầm đèn chạy trước ôtô”. Báo Sức khỏe&Đời sống sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này để thông tin cùng bạn đọc.

Theo Nhất Lang (SKĐS)