Cơn sốt thịt heo Trung Quốc và cơ hội của người Mỹ

Nhu cầu những sản phẩm như chân giò, tai và mõm heo tăng cao ở Trung Quốc, nước tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, đã đẩy giá thịt heo trên sàn giao dịch ở Chicago tăng mạnh

Nhu cầu về chân giò, tai và mũi heo tại thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất tăng cao, đẩy giá thành của các sản phẩm này trên sàn giao dịch ở thành phố Chicago, Mỹ tăng mạnh.

Theo Bloomberg, các nhà đầu tư tuần trước cho biết, họ đặt cược lớn vào cơn sốt này và lượng hợp đồng mua bán tăng lên mức cao nhất trong 2 năm.

Giá ngô ở Trung Quốc tăng buộc người nông dân của đất nước này giảm số lượng chăn nuôi bò và heo, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu phát triển. Theo Dermot Hayes - một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học bang Iowa (Mỹ), quốc gia này có thể mua 5% sản lượng thịt heo của Mỹ trong năm nay.

Giá mặt hàng này gần đạt mức cao nhất kể từ năm 2014, khi dịch bệnh bùng phát khiến heo con chết hàng loạt.

Cơn sốt thịt heo Trung Quốc và cơ hội của người Mỹ
Không giống thị trường Mỹ, người Trung Quốc sử dụng hầu hết các bộ phận của heo trong chế biến thực phẩm. Ảnh: Reuters

“Nhìn về phía trước, nếu họ giảm số lượng đàn heo nái hoặc tăng mức tiêu thụ bình quân đầu người, tiềm năng đó rất lớn”, ông nói."Nếu bạn sở hữu một mặt hàng, thứ mà Trung Quốc có nhu cầu và truyền thống sử dụng, giá trị của nó sẽ tăng lên", Randy Spronk, chủ tịch doanh nghiệp sản xuất heo Spronk Brothers III, nhận định trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước tại Hội chợ Thịt heo Thế giới diễn ra ở thành phố Des Moines, bang Iowa.

Người dân Trung Quốc chấp nhận ăn gần như tất cả các bộ phận của con heo. Đó là cơ hội lớn dành cho những người chăn nuôi ở Mỹ bởi phần thịt mà họ thường vứt đi, nay có thể xuất khẩu sang phía bên kia đại dương. Thịt heo xuất khẩu tới Trung Quốc đại lục, bao gồm các loại thịt, tăng 117% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, theo Liên đoàn Xuất khẩu Thịt của Mỹ.

Đây chỉ là sự khởi đầu của nhu cầu thịt heo xuất xứ nước ngoài của Trung Quốc. Tình hình này thúc đẩy các nhà sản xuất Mỹ cải tiến kỹ thuật chăn nuôi. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã ra lệnh cấm sử dụng ractopamine, một phụ gia trong thức ăn chăn nuôi giúp tạo nạc nhanh hơn trong khi cho ăn ít ngũ cốc hơn.

Để cạnh tranh với nông dân châu Âu - những người không sử dụng thoại thuốc này, nhà sản xuất Mỹ, bao gồm Spronk đang thay đổi.

Tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu

"Chúng tôi đang tăng gia sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc", Spronk nói. Công ty của ông cung cấp cho thị trường khoảng 200.000 con heo mỗi năm và đã ngừng sử dụng chất tạo nạc từ tháng 10 năm ngoái.

Các nhà máy chế biến thịt đang trả cho Spronk mức giá cao đối với sản phẩm của công ty.

Tại Mỹ, nhiều phần thịt heo bị bán với giá rẻ. Móng giò là một ví dụ. Bộ phận này giá khoảng 99,6 cent một pound vào hôm 10/6 trong khi giá thịt thăn ở mức 2,95 USD một pound, theo số liệu của chính phủ.

Cùng ngày, tại Trung Quốc, giá móng giò ở mức 46 nhân dân tệ một kg (tương đương 1,38 USD một pound) ở Phúc Châu.  Mõm heo tại Quảng Đông giá 20 nhân dân tệ một kg (tương đương 1,38 USD một pound). Phần thịt này tại Mỹ chỉ có giá 58 cent một pound trong tuần kết thúc vào ngày 4/6. Mức giá cao hơn tại châu Á là sự khuyến khích đối với các nhà sản xuất Mỹ.

Sản lượng thịt heo của Trung Quốc có thể chậm lại trong thời gian tới. Chính phủ đang mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm quy định về môi trường và sản xuất thịt heo đang chuyển từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang các nhà máy hiện đại, cách xa khu vực đô thị.

Để làm được điều này, chính quyền sẽ mất nhiều thời gian, Hayes nói. Cho đến lúc đó, giá mỗi đầu lợn chênh giữa Mỹ và Trung Quốc trong vài năm tới có thể tăng lên mức 13,5 USD. Hiện tại, đối với mỗi con heo nặng khoảng 123 kg, con số này là khoảng 10,8 USD.

Sản lượng thịt heo của Mỹ có thể tăng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu nhưng cũng khiến hạn chế việc tăng giá loại mặt hàng này. Những nhà máy giết mổ mới sẽ cung cấp thêm sản lượng thịt vào kim ngạch xuất khẩu, Becca Nepple, phó chủ tịch tiếp thị quốc tế của Hội đồng Thịt heo Quốc gia Mỹ tại thành phố Des Moines, cho biết.

Không chỉ nông dân Mỹ để ý đến thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất đang cạnh tranh khốc liệt với châu Âu, Brazil và Canada.

“Châu Âu đã giành được thị phần lớn trong vài năm qua và họ không từ bỏ vị trí này một cách dễ dàng”, Steve Meyer, chuyên gia phân tích tại thị trường thịt heo của Express Markets Inc., nói trong một cuộc phỏng vấn ở Des Moines.

Theo Kim Ngân (Zing)