Chuyên gia tâm lý: "Sư trụ trì dùng roi dạy trẻ là sai cách, khiến trẻ hung hăng hơn"

Chuyên gia tâm lý cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm “giải thoát” bé trai khỏi môi trường chùa Long Yên.

Thầy dạy bằng roi

Nhiều ngày nay, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin sư thầy Thích Đàm Trang, trụ trì chùa Long Yên ở Thanh Hóa được cho là đã dùng đòn roi để dạy bé trai N.C.D (10 tuổi, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Hà Hải, xã Hà Hải, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) khiến em bị thâm tím khắp người. Nhiều người không khỏi xót xa trước hình ảnh cơ thể D đầy vết bầm tím.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Chuyên khoa Tâm lý Lâm Sàng trẻ em), việc sư trụ trì nhà chùa dạy trẻ bằng cách dùng đòn roi mỗi khi trẻ chạy nhảy nghịch ngợm là phản khoa học. Bởi, theo ông Khanh, ngay trong giáo dục bình thường cha mẹ dùng đòn roi để dạy là sai chứ chưa nói đến ở chùa.

Cũng theo ông Khanh, chùa phải lấy cái gốc từ bi, lễ nghĩa dạy cho trẻ biết yêu thương, biết nghe lời. Việc sư trụ trì trả lời trên một số báo rằng vì trẻ ngỗ nghịch nên dùng đòn roi để dạy là không đúng. Vì trong 10 trẻ thì có 9 trẻ đứa ngỗ nghịch. Do đó, giải pháp trước mắt nên đưa trẻ ra khỏi chùa.

chuyen-gia-tam-ly-su-tru-tri-dung-roi-day-tre-la-sai-cach-khien-tre-hung-hang-hon

Chuyên gia tâm lý cho rằng sư trụ trì dùng roi dạy trẻ là sai cách, khiến trẻ hung hăng hơn.

“Như thầy nói ngôi chùa trang nghiêm, mà có đứa trẻ nghịch ngợm cứng đầu thầy dùng đòn roi thì cách nhìn của thầy như vậy là sai. Môi trường như vậy là không thích hợp với trẻ. Trả bé về gia đình hoặc cơ sở xã hội để chăm sóc. Hai nữa thầy phải biết ngay cả với bé khác thầy ko được làm như vậy vì sai về giáo dục, sai về pháp luật như vậy là bạo hành trẻ con…”, ông Khanh nói.

Ông Khanh cho biết, việc dạy bảo trẻ bằng đòn roi sẽ khiến trẻ bị tổn thương, ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Trẻ có thể trở nên hung hăng, căm thù bởi đòn roi, trường hợp này nếu trẻ chơi với những đứa trẻ khác thì dễ nổi nóng đánh những đứa trẻ khác; còn trường hợp trẻ giấu kín những tổn thương này thì khi lớn lên thì nó sẽ trở thành người ác độc vì ngay từ nhỏ nó đã bị đòn roi để dạy bảo tất cả lớn nhỏ thì nó tìm cách trả thù.

Ở một khía cạnh khác trẻ sẽ bị tổn thương nặng nề bị suy nhược lo lắng trở thành người nhút nhát bất ổn, lo lắng căng thẳng. Trường hợp bạo hành được phát hiện sớm, trẻ được được chăm sóc tốt sẽ bình ổn tâm lý trở lại.

Công an cần vào cuộc

Theo Thạc sỹ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp thì Hiến pháp và pháp luật Việt Nam luôn có những quy định để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân. Mọi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm uy tín của công dân trái pháp luật đều có thể bị xem xét, xử lý trước pháp luật.

Đối với trẻ em, pháp luật còn có những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn và có những chế tài nghiêm minh hơn để xử lý đối với hành vi bạo hành, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em. Cụ thể Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2016, Bộ luật hình sự 2015 và nhiều văn bản pháp luật khác có những quy định cụ thể về quyền trẻ em và những chế tài khi xâm hại tới quyền trẻ em.

Trong vụ việc sư thầy bảo hành với trẻ em nêu trên, rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật. Trong vụ việc này cơ quan công an cần vào cuộc để xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi và hậu quả để có biện pháp xử lý phù hợp. Chùa chiền là nơi thanh tịnh, nhà sư là người độ lượng, bao dung vậy mà sự việc bảo hành lại xảy ra ngay tại chốn tu hành khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.

Trong trường hợp bệnh nhân có thương tích thì hành vi của vị sư này sẽ bị khởi tố về tội cố Ý gây thương tích. Trong trường hợp kết quả giám định không có thương tích thì vị sư này cũng có thể bị xử lý về tội hành hạ người khác. Ngoài ra, người gây ra thương tích cho trẻ em này sẽ phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại về vật chất và tinh thần do hành vi trái pháp luật gây ra đối với nạn nhân.

Ông Lê Minh Hành – Phó giám đốc Sở Lao động thương binh & Xã hội Thanh Hóa cho biết, Sở đã có văn bản đề nghị UBND huyện Hà Trung xác minh, làm rõ để xử lý người vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với cháu bé thực hiện công tác trợ giúp có biện pháp cách ly, chăm sóc cháu.

Theo GiaDinh