Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản mang tên 'Quỹ phúc lợi dầu khí'

Mới đây Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải phát đi cảnh báo đang xuất hiện một số giao diện website giả mạo thương hiệu Petrovietnam để chiếm đoạt tài sản.

Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin một số đối tượng đang lợi dụng thương hiệu, danh tiếng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua website có địa chỉ phucloidaukhi.com.

Theo thông tin tố cáo từ các nạn nhân, một số đối tượng đã mạo danh cán bộ nhân viên ngành dầu khí, sử dụng trang web này như một công cụ lừa đảo người dân chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Đăng nhập vào link phucloidaukhi.com, giao diện của website này thể hiện hình ảnh logo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Tuy nhiên trong phần giới thiệu lại hiển thị hình ảnh Hội đồng Thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và sơ đồ các đơn vị thành viên của Petrovietnam. Điều đó cho thấy, các đối tượng lừa đảo không phân biệt được Petrolimex và Petrovietnam là 2 tập đoàn khác nhau, hoạt động riêng biệt.

canh-bao-lua-dao-chiem-doat-tai-san-mang-ten-quy-phuc-loi-dau-khi

Cảnh báo giao diện website giả mạo thương hiệu Petrovietnam để chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, theo quan sát, các hình ảnh Hội đồng thành viên Petrovietnam và sơ đồ các đơn vị thành viên này được chụp màn hình lại từ ấn phẩm điện tử “Báo cáo phát triển bền vững thường niên năm 2021” của Petrovietnam; bởi trên hình ảnh hiển thị vẫn còn thể hiện rõ tiêu đề của ấn phẩm ở góc trên bên trái và hiển thị cả số trang (18, 19, 20, 21) thuộc ấn phẩm này. Đây là một trong những ấn phẩm điện tử được công bố rộng rãi trên website chính thức của Tập đoàn.

Như vậy có thể thấy giao diện trang web này đã cóp nhặt, sao chép thông tin từ website chính thức của Petrovietnam một cách khá cẩu thả. Trừ mục "Giới thiệu" hiển thị hình ảnh chụp lại từ ấn phẩm trên của Petrovietnam, các mục khác như "Trang chủ", "Dự án", "Tài khoản" đều chỉ hiển thị giao diện đăng nhập, không có bất kỳ thông tin nào khác. Riêng mục Dịch vụ được thiết kế như một công cụ chat để dẫn dụ/ kiểm soát người truy cập.

Bước đầu xác định, thủ đoạn của các đối tượng này tương tự với thủ đoạn của các vụ lừa đảo thông qua các đường link petrovietnam.co, petrovietnam.biz mà PetroTimes đã đăng bài cảnh báo vào đầu năm nay. Hiện các trang petrovietnam.co, petrovietnam.biz đã không còn khả dụng.

Nhận định về trang web này, đại diện truyền thông của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định, website phucloidaukhi.com không thuộc sự quản lý của Tập đoàn. Website phucloidaukhi.com đang sử dụng trái phép hình ảnh, thương hiệu của Petrovietnam; có dấu hiệu lợi dụng thương hiệu, uy tín của Petrovietnam nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đại diện truyền thông của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, Tập đoàn sẽ chủ động làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ thông tin tố cáo của các nạn nhân, đồng thời tiến hành các thủ tục pháp lý, xử lý hành vi giả mạo, lợi dụng uy tín, thương hiệu Petrovietnam để lừa đảo, trục lợi của các đối tượng đứng sau trang web phucloidaukhi.com.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên các đối tượng giả danh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để lừa đảo, trước đó Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes đã tiếp nhận nhiều đơn thư phản ánh từ bạn đọc, thông tin về một đường dây lừa đảo có tổ chức mạo danh cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lợi dụng thương hiệu Petrovietnam để chiếm đoạt tài sản. 

Tại giao diện trang web này nổi bật nhất là hình ảnh các dự án của Petrovietnam, được đặt dưới các tiêu đề rất “kêu” như “Quỹ xây dựng đường ống dẫn dầu thô”, “Quỹ xây dựng công nghiệp dầu khí tự nhiên”, “Quỹ xây dựng quản lý phát điện”, “Quỹ xây dựng lọc hóa dầu”, “Quỹ thăm dò dầu khí Biển Đông giai đoạn III”… quy mô mỗi dự án từ 2.500 tỷ lên đến trên 25 triệu tỷ đồng, cùng các con số kêu gọi từ… 2 triệu đồng đến lớn nhất là 5 tỷ đồng một “suất” đầu tư.

Nếu như người xem là một cán bộ nhân viên trong ngành, hoặc có biết ít nhiều về ngành Dầu khí, chắc chắn sẽ nhận ra đây chỉ là một trang web giả mạo trắng trợn với các dự án “trên trời”, đầy mùi “lừa đảo”. Nhưng đối với những người dân không biết hoặc chưa có điều kiện tiếp cận thông tin ngành dầu khí, những con số % lợi nhuận của từng “dự án” mới chính là thứ gây sự chú ý nhất, với lãi suất từ 1,32% đến 12,15%/ngày.

Theo như trang này thông tin, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra ít nhất 2 triệu vào quỹ này, sẽ thu lời 26,4 nghìn đồng/ngày, tương đương 800 nghìn đồng tiền lãi sau một tháng. Còn nếu “mạnh tay” bỏ ra 20 triệu đồng, lãi suất này sẽ tăng lên 3,12%, tức 624 nghìn đồng/ngày, tương đương 20,8 triệu đồng/tháng.

Với con số lãi “khủng” như trên, hẳn bất cứ nhà đầu tư, người làm kinh tế nào cũng phải đặt dấu hỏi lớn cho các “dự án” này, bởi các con số lãi suất trên có thể nói là “không thể tin nổi”. Vì vậy, có vẻ như đối tượng mà những “dự án” này hướng đến hoàn toàn không phải là những người làm kinh tế hay nhà đầu tư thực thụ.

Theo VietQ