Bị sốt xuất huyết không được ăn cơm?

Người bệnh mắc sốt xuất huyết phải kiêng tuyệt đối ăn cơm, đánh răng, thậm chí cả… quan hệ vợ chồng. Không ít những tin đồn thất thiệt về bệnh này khiến dư luận xôn xao.

Giải đáp những thông tin này, ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) khẳng định: Thông tin người bệnh sốt xuất huyết ăn cơm gây thủng ruột là hoàn toàn sai lầm, không có cơ sở. Bệnh sốt xuất huyết nặng có thể gây chảy máu đường tiêu hóa nhưng không gây ra thủng ruột. Chế độ ăn trong bệnh sốt xuất huyết không phải kiêng khem, cần đảm bảo đủ năng lượng với thành phần dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ăn chín uống sôi, vệ sinh tay).

Bên cạnh đó, khi bị sốt xuất huyết, không phải kiêng đánh răng một cách tuyệt đối. Tình trạng chảy máu chân răng ở bệnh nhân sốt xuất huyết có thể xảy ra một cách tự nhiên hoặc tăng lên khi có các yếu tố kích thích như động tác đánh răng.  “Vì vậy, bị sốt xuất huyết với số lượng tiểu cầu còn cao thì vẫn có thể đánh răng nhẹ nhàng, không chà xát quá mạnh để giảm nguy cơ bị chảy máu chân răng. Đánh răng và chảy máu chân răng sẽ không làm bệnh sốt xuất huyết nặng lên”, BS Nguyễn Tiến Lâm nói.

BS Nguyễn Tiến Lâm cũng khuyến cáo, việc uống các thuốc cảm cúm thông thường không làm nặng thêm tình trạng bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, cần tuyệt đối tránh uống các thuốc dẫn chất của salixilic, các thuốc giảm đau chống viêm không phải steroid vì sẽ làm rối loạn đông máu trầm trọng có khả năng dẫn tới tử vong. Ngoài ra, việc “gần gũi” vợ chồng tuyệt đối không liên quan đến bệnh sốt xuất huyết mà phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Về nguy cơ lây nhiễm bệnh khi trong gia đình hay người ở chung mắc bệnh sốt xuất huyết, ông Nguyễn Đức Khoa, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho hay, nếu có người bệnh và có muỗi truyền bệnh thì nguy cơ mắc bệnh rất cao. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thói quen đốt người vào ban ngày, đặc biệt những lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Vì vậy, ngoài việc ngủ màn, mặc quần áo dài thì người dân cần phải chú ý phòng muỗi đốt khi mới ra khỏi giường vào buổi sáng và khi chế biến thức ăn, sinh hoạt buổi chiều tối.

Về vấn đề vaccine phòng ngừa sốt xuất huyết, ông Nguyễn Đức Khoa cho biết,  vaccine ngừa sốt xuất huyết cho người trên 9 tuổi đã kết thúc thử nghiệm tại châu Mỹ và cho kết quả phòng bệnh tốt đã được cấp phép lưu hành tại Mexico và Phillipine. Nhưng đến nay, chưa có quốc gia nào đưa vaccine này vào sử dụng. Còn tại Việt Nam, đã triển khai thử nghiệm vaccine ngừa bệnh sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ từ năm 2011 và sẽ kết thúc vào năm 2017. Kết quả sau 3 năm tiêm phòng cho hiệu quả phòng giảm gần 60% trường hợp mắc bệnh và sẽ tiếp tục được theo dõi về hiệu quả và độ an toàn sau 5 năm. Đến năm 2017, ngành Y tế sẽ có tổng kết và khuyến cáo về việc sử dụng vaccine sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ.   

 Theo Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội