4G sẽ chính thức được cấp phép trong quý III/2016 ?

Bộ TT&TT cho biết sẽ sớm cung cấp dịch vụ 4G cho các doanh nghiệp…

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016 vừa được Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết cơ quan quản lý có thể tiến hành cấp phép triển khai công nghệ mạng di động 4G vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới. Việc này tùy thuộc vào đánh giá quá trình thử nghiệm 4G của các nhà mạng. 

Dự kiến ban đầu là vào ngày 23/10, các nhà mạng sẽ kết thúc thử nghiệm 4G. Tuy nhiên, do doanh nghiệp đều muốn sớm được cấp phép 4G nên Cục Viễn thông đã yêu cầu báo cáo kết quả sớm hơn thời hạn trên. 

4G sẽ chính thức được cấp phép trong quý III/2016 ?
4G sẽ sớm được cấp phép. (Ảnh: genk.vn)

Trước đó, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2016 của Bộ TT&TT vào ngày 27/4/2016, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện đã kiến nghị Bộ TT&TT sớm cấp phép dịch vụ 4G trên băng tần 1800Mhz để các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai cung cấp dịch vụ data.

Theo ông Hoan, theo kế hoạch phát triển viễn thông đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt  trong năm nay Bộ TT&TT phải hoàn thành cấp phép 4G. Tuy nhiên, việc triển khai cấp phép 4G hiện rất chậm, các doanh nghiệp nhiều lần có ý kiến bằng văn bản và cả trong các hội nghị giao ban của Bộ TT&TT đề nghị Bộ sớm cấp phép 4G.

“Việc quy hoạch băng tần cho 4G hiện đã sẵn sàng, không còn gì khó khăn, do đó đề nghị Bộ TT&TT sớm cấp phép 4G ở băng tần 1800Mhz sớm để các doanh nghiệp có thể sớm cung cấp dịch vụ data”, ông Hoan nói.

Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 4G cho 4 doanh nghiệp là VNPT, Viettel, MobiFone và FPT Telecom.

Từ hồi tháng 6/2015, Viettel đã đưa ra kiến nghị, Bộ TT&TT xem xét cấp giấy phép cung cấp dịch vụ 4G cho Viettel ngay trong năm 2015, để Viettel có thể tự bỏ vốn đầu tư và chính thức cung cấp dịch vụ 4G từ năm 2016.

Viettel đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép thử nghiệm dịch vụ 4G ở băng tần 1600Mhz và nhà mạng này đã triển khai thử nghiệm từ cuối năm 2014 đến nay. Viettel cũng đã kiến nghị Bộ TT&TT nên xem xét bỏ qua giai đoạn cấp phép thử nghiệm,thay vào đó tiến hành cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chính thức, sau đó cho doanh nghiệp đấu giá băng tần để triển khai cung cấp dịch vụ ngay từ đầu năm 2016.

Viettel cho rằng, Việt Nam đã chậm triển khai 4G so với nhiều nước ASEAN, do đó việc kéo dài thời gian thử nghiệm sẽ khiến Việt Nam càng đi chậm hơn so với nhiều nước. Vì vậy, đề nghị Bộ TT&TT cấp giấy phép 4G luôn cho Viettel trong năm 2015, để Viettel được triển khai đầu tư, được cấp băng tần luôn trong năm nay.

Một lý do khác nữa là nếu triển khai ngay 4G sẽ giải quyết được bài toán lãng phí đầu tư, bởi nếu triển khai 4G chậm các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư cho 2G và 3G. Nếu có giấy phép 4G doanh nghiệp sẽ không đầu tư thêm cho 3G nữa mà cung cấp 4G luôn, tránh lãng phí tài nguyên tần số cũng như vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Cũng theo ý kiến của Viettel, băng tần 700Mhz đang được phân bổ cho truyền hình thực tế gây lãng phí rất lớn, Bộ TT&TT nên nghiên cứu phân chia băng tần này cho doanh nghiệp viễn thông để triển khai 4G sẽ làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước.

4G là công nghệ truyền dữ liệu di động thế hệ thứ 4, cho phép đưa tốc độ truyền tối đa lên tới 1-1,5 Gigabits mỗi giây, tức là gấp vài trăm lần so với tốc độ vài chục megabits của mạng 3G hiện nay. Nhà mạng đầu tiên triển khai thử nghiệm 4G từ cuối năm ngoái. Đến nay, cả 3 mạng lớn là Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã tiến hành thử nghiệm công nghệ này.  

Trước đó, lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết sẽ cho phép các nhà mạng khai thác thương mại vào năm 2017. Tuy nhiên, sau đó nhiều ý kiến cho rằng việc cấp phép thương mại nên được tiến hành sớm hơn trong bối cảnh dịch vụ dữ liệu di động tại Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây về số lượng thuê bao, song lại không được đánh giá cao về tốc độ đường truyền.

Theo Ngọc Bích - Trần Lợi (Tieudung24g)