10 bí kíp giúp con ăn nhanh

Ngày trước con trai tôi ăn rất chậm. Bé cứ ngậm thức ăn trong miệng và thường phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới xong bữa ăn. Bữa ăn nào cũng phải hết ngon ngọt đến thúc ép, dọa nạt để bé ăn nhanh hơn. Nhiều hôm, con bị bố quát lại nước mắt ngắn, nước mắt dài, đến là khổ sở.

Ở trường mầm non, con trai cũng chẳng khá hơn, bữa nào các cô cũng phải bón cho con. Thấy tình hình này chẳng thể kéo dài vì cháu sắp vào lớp một, không khéo bữa trưa lại nhịn đói, tôi phải tìm mọi cách giúp con ăn nhanh hơn. Bây giờ bữa ăn của con chỉ kéo dài khoảng 20-25 phút là hoàn tất. Tất cả nhờ 10 bí kíp sau, các mẹ thử xem nhé!


Khi được ăn món yêu thích, con sẽ ăn ngon miệng hơn

1. Xác định nguyên nhân khiến bé ăn chậm: thức ăn quá cứng, quá lớn, không hợp khẩu vị hay con chưa thấy đói. Nếu do thức ăn quá cứng và bé lười nhai, đừng ngại cắt nhỏ hoặc làm mềm thức ăn để giúp bé dễ nhai, nuốt. Dần dần, bạn cắt miếng lớn hơn hoặc hướng dẫn bé xé nhỏ thức ăn (nên nhớ là khi bé đến trường tiểu học, chẳng ai cắt nhỏ cho con cả, bạn phải tập cho con điều này).

2. Mỗi bữa ăn, có thể để cho con 1 ít nước chấm (nước mắm hoặc nước tương). Đôi khi khẩu vị của bạn không hợp với trẻ, hãy để trẻ tự thêm nước chấm cho vừa miệng (nói vậy không có nghĩa là bạn bỏ mặc trẻ muốn thêm bao nhiêu tùy thích, hãy kiểm soát để món ăn không quá mặn nhé).

3. Đừng cố ép trẻ ăn khi con chưa đói. Điều này chỉ càng làm trẻ chán ăn mà thôi. 2 giờ trước bữa ăn, tuyệt đối không cho trẻ ăn gì. Việc để cho trẻ đói sẽ kích thích con ăn ngon miệng hơn.

4. Luôn nhớ quy tắc: Ăn theo nhu cầu. Bạn đừng ép con ăn đúng theo khẩu phần mình đặt ra. Trẻ có thể ăn ít hơn, thậm chí chỉ ½ bữa ăn, miễn là chúng cảm thấy đủ. Hãy để trẻ tự quyết định lượng bữa ăn của mình.

5. Một số đứa trẻ luôn muốn thay đổi thức ăn mỗi ngày, nhưng một số khác lại cảm thấy ngon miệng với vài món nhất định. Những bước đầu tiên, hãy để trẻ ăn món mình thích. Đương nhiên, nếu ăn món mình thích sẽ ăn ngon miệng hơn, nhiều hơn. Bạn có thể đưa ra những gợi ý món ăn cho trẻ lựa chọn. Những câu hỏi kiểu: “Hôm nay con muốn ăn gì, thịt kho nhé hay trứng chiên, bò xào…?”. Câu hỏi gợi mở giúp trẻ liên tưởng đến món ăn trẻ thích cũng là cách kích thích con khi ngồi vào bàn ăn.

6. Đừng áp đặt: Đừng buộc trẻ phải ăn thêm món này, món khác hay phải hoàn tất khẩu phần bạn đặt. Hãy để trẻ tự do quyết định trẻ sẽ ăn gì và ăn bao nhiêu, như thế nào. Bữa ăn gia đình nên có ít nhất 3 món. Có thể bé chỉ thích ăn cơm với canh, cũng đừng lo lắng, chẳng sao cả. Bạn có thể bổ sung dưỡng chất cho con bằng những bữa ăn phụ.

7. Giới hạn thời gian bữa ăn: Hãy rút ngắn thời gian bữa ăn từng chút một. Tuần đầu tiên, bạn có thể quy định: “Con sẽ ăn trong vòng 50 phút. Hết thời gian, mẹ sẽ dọn dẹp đấy nhé”. Bạn cần kiên nhẫn và tuân theo quy định về thời gian mình đã đặt ra. Dần dần trẻ sẽ ý thức được, nếu không ăn nhanh hơn, chúng sẽ đói.

Sang tuần thứ 2, bạn rút ngắn thời gian còn 40 phút, tuần thứ ba chỉ còn 30 phút và tuần thứ tư 25 phút. Bạn sẽ nhận thấy con tiến bộ hẳn. Hãy duy trì thời gian bữa ăn ở khoảng 25 phút là vừa đủ cho trẻ. Luôn nhắc nhở trẻ, nếu con muốn ăn nhiều hơn thì phải nhanh hơn chút nữa.

8. Giữ không khí bữa ăn thoải mái, vui vẻ: Không khí bữa ăn gia đình rất quan trọng, nó khiến trẻ có tâm lý phấn khởi khi thưởng thức món ăn. Đừng quát nạt, la mắng con, hãy thỏa thuận: “Con chỉ được phép đi chơi nếu tự hoàn tất bữa ăn của mình”. Đừng cố giúp con vì ở trường chẳng ai giúp con cả.

9. Giúp con thích nghi: Nếu ban đầu, bạn cho con ăn món con thích thì khoảng 2 tuần sau, hãy để con ăn món bạn chọn. Vì sao như vậy? Điều này giúp trẻ dễ chấp nhận món ăn khi đến trường. Hãy nói với con rằng: “Hôm nay, chúng ta chỉ có món này, con thử xem nhé!”.

Nếu trẻ nhất quyết không ăn, bạn hãy phớt lờ những đòi hỏi của con. Luôn khen món ăn với những câu như: “Ơ, món này ngon thế mà con không ăn à? Có thật không ăn gì không đấy? Con không ăn, mẹ ăn hết, khi ấy, chẳng còn gì đâu nhé! Mà đói bụng thì cũng không chơi nổi đâu!...” Trẻ con thực chất rất dễ dụ và cũng giống người lớn vậy, khi đói, món gì cũng thấy ngon. Điều này sẽ giúp trẻ dễ thích nghi khi dùng cơm trưa ở trường.

10. Dành lời khen cho trẻ: Nếu bạn thấy con tiến bộ, dù ít dù nhiều, hãy luôn khen ngợi con. Những lời khen ngợi của cha mẹ luôn là động lực giúp trẻ hoàn thiện mỗi ngày. Ngay cả người lớn chúng ta cũng thích được khen đấy thôi.

Theo webtretho