Triệt phá cơ sở làm giả thuốc tăng, giảm cân từ bột ngô, mật mía

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng nấu mật mía, bột ngô, bột gạo nếp để làm thực phẩm chức năng tăng cân của Đông y gia truyền Tiến Hạnh.

Ngày 19/6, thông tin Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa triệt phá thành công nhóm đối tượng chuyên sản xuất thực phẩm chức năng giả bán ra thị trương với số lượng lớn.

Triệt phá cơ sở làm giả thuốc tăng, giảm cân từ bột ngô, mật mía

Một số sản phẩm thuốc tăng giảm cân do cơ sở của Đặng Việt Đông làm giả.

Trước đó, qua nhiều tháng trinh sát, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện một số đối tượng sản xuất, bán thuốc Đông y không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ  nên đã lên kế hoạch, quyết liệt đấu tranh.  

Trung tá Đoàn Văn Đông, Đội trưởng Đội CSKT - CAQ Bắc Từ Liêm cho biết: “Nhóm đối tượng này hoạt động tinh vi, khi phát hiện công an theo dõi là dừng hoạt động, sử dụng phương tiện di chuyển sang địa bàn khác ngay trong đêm để xóa dấu vết”.

Cụ thể, vào rạng sáng một ngày cuối tháng 3/2018, từ nguồn tin các đối tượng sẽ thuê xe taxi để vận chuyển hàng đi tiêu thụ, lực lượng chức năng đã ập vào kiểm tra hành chính tại 1 cơ sở ở phường Đông Ngạc.

Thời điểm này, chủ cơ sở là Đặng Việt Đông (SN 1994), trú tại huyện Yên Thành (Nghệ An) cùng vợ là Nguyễn Thị Bình (SN 1998) trú tại huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cùng 7 nhân viên đang có mặt tại xưởng sản xuất và toàn bộ hàng hóa. 

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ khoảng 1,8 tấn nguyên liệu là bột ngô, bột gạo nếp, mật mía. 1 hộp dấu vuông có chữ “Nhà thuốc Đông y gia truyền Tiến Hạnh; 2 máy dập nắp miệng hộp; 59 hộp giấy in logo và chữ Đông y gia truyền Tiến Hạnh. 1.625 hộp trong có đựng sản phẩm và vỏ giấy in logo và chữ sản phẩm tăng cân Đông y gia truyền Tiến Hạnh.

1.000 gói nilong kích thước khoảng 8x12cm bên trong có chứa các viên thuốc hình con nhộng, 1 thùng carton đựng tem nhãn, 8 bao tải chứa bột các loại, 11 can mật mía (loại 20 lít), 2.000 vỏ hộp nhựa; 4 cân loại 2 kg và loại 100 kg. 1.000 vỏ hộp giấy có in chữ giảm cân (Đông y gia truyền Tiến Hạnh), 3 nồi loại lớn và 2 gậy tre.

Làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở là Đặng Việt Đông khai khoảng tháng 4/2017, đã đặt mua thuốc tăng cân Đông y gia truyền Tiến Hạnh của một người không rõ tên tuổi, địa chỉ. Sau khi mua thuốc về tìm hiểu thị trường thấy nhu cầu người cần mua thuốc tăng cân nhiều, thu lời nhanh nên Đông đã lên mạng xã hội tìm hiểu cách làm giả sản phẩm Đông y gia truyền Tiến Hạnh.

Khoảng giữa tháng 6/2017, Đặng Việt Đông thuê nhà tại phường Đông Ngạc và đặt mua mật mía, bột ngô, bột gạo, thuốc tây, nồi, bếp ga, máy dập, cân, vỏ hộp nhựa, dập làm tem nhãn, vỏ giấy in logo Đông y gia truyền Tiến Hạnh cùng các dụng cụ khác và treo biển ở ngoài cửa nhà bán cám chim để mọi người không để ý.

Đầu tháng 7/2017, Đông bắt dầu sản xuất theo quy trình đổ mật vào nồi to loại 50 lít nấu mật sôi rồi đổ vào bột ngô, bột gạo nếp và dùng gậy tre quấy đều cho quyện vào nhau, chia thành miếng nhỏ để nặn thành viên. Sau đó rắc bột gạo nếp lên cho có màu đẹp và giống sản phẩm tăng cân của Đông y gia truyền Tiến Hạnh đóng vào các hộp nhựa.

Mỗi hộp có trọng lượng khoảng 0,8kg đến 1kg, sau đó Đông dùng máy dập nắp giấy bạc miệng hộp và đóng nắp hộp để bán cho người có nhu cầu. Ngoài ra, một số sản phẩm không cho bột ngô để bán cho phụ nữ có thai.

Sau khi thành phẩm đối tượng đã rao bán trên mạng xã hội với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/hộp, trung bình mỗi ngày bán được khoảng hơn 200 hộp.

Triệt phá cơ sở làm giả thuốc tăng, giảm cân từ bột ngô, mật mía

Chủ cơ sở là Đặng Việt Đông (SN 1994) cùng vợ là Nguyễn Thị Bình (SN 1998).

Thấy việc bán hàng dễ dàng thu lợi nhuận cao, Đông và vợ đã bàn bạc đăng trên mạng xã hội thuê công nhân là người tỉnh ngoài làm cám chim, nhưng thực tế là làm thuốc tăng, giảm cân giả. Số công nhân Đông và vợ thuê làm tại xưởng sản xuất và giao hàng gồm 10 người đều ở huyện Yên Thành (Nghệ An).

Phương thức giao dịch của đối tượng là các sản phẩm đều được bán qua mạng xã hội theo thỏa thuận với khách hàng đặt mua. Nếu số lượng ít thì sẽ dán nhãn mác rồi giao cho khách, còn khách đặt số lượng nhiều thì để tem, mác, vỏ giấy cho khách dán nhãn và cho địa chỉ để Bình giao nhân viên chở xe máy đến giao hàng.

Đặng Việt Đông và Nguyễn Thị Bình khai bán trót lọt cho người sử dụng khoảng 400.000 hộp với số tiền thu được khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền này Bình trả lương công nhân và sử dụng chi tiêu cá nhân.

Hiện Cơ quan CSĐT - Công an quận Bắc Từ Liêm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Việt Đông và Nguyễn Thị Bình về tội: "Vi phạm quy định về sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm" được quy định tại Điều 193 - BLHS. Đông thời tiếp tục khai thác mở rộng và phối hợp với các cơ quan chức năng để thu hồi số hàng hóa đối tượng đã bán ra thị trường.

Theo TieuDung24h