Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường: Tự kỷ, nhút nhát, manh động từ đây mà ra

Trong thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường. Dư luận phẫn nộ với những hành vi mang tính bạo lực lẽ ra không được phép xảy ra trong môi trường giáo dục.

lien-tiep-xay-ra-cac-vu-bao-luc-hoc-duong-tu-ky-nhut-nhat-manh-dong-tu-day-ma-ra

Hình ảnh cháu bé 4 tuổi bị buộc dây vào người ở trường mầm non B Trực Đại (Nam Định). Ảnh: TL

Sốc vì chứng kiến cháu nội bị buộc dây treo lên cửa sổ

Ngày 29/11, hình ảnh một bé trai 4 tuổi bị buộc dây vào người, treo lên thanh sắt cửa sổ đã làm dậy sóng dư luận. Được biết, hình ảnh này được ghi tại Trường mầm non B Trực Đại (xã Trực Đại, Trực Ninh, Nam Định).

Theo chia sẻ của bà H (bà nội cháu bé), cháu bé bị buộc dây vào người là N.T.P, đang theo học tại Trường mầm non B Trực Đại. Sở dĩ gia đình biết sự việc đau lòng trên là do có người về nhà xác minh hình ảnh ghi lại cháu bé bị buộc dây vào người có phải là cháu P hay không. Bởi vị phụ huynh có con đang theo học ở đây đã nhiều lần nhìn thấy cháu P trong tình trạng tương tự. Thế nhưng, khi tận mắt nhìn thấy hình ảnh cháu mình bị treo mình vào dây, bà nội cháu bé đã sốc và vô cùng xót xa.

Được biết, bố cháu P đã mất, còn mẹ cháu thì bỏ đi lâu ngày, vì vậy cháu P ở cùng bà nội. Gia đình đã nhiều lần thấy cổ cháu P có vết trầy xước và sưng to, thậm chí là sưng đầu, chảy tụ máu ở đầu, nhưng khi đến hỏi các cô trông trẻ thì đều nói không biết.

Mặc dù chính quyền địa phương đã ghi nhận thông tin ban đầu và cho rằng sẽ làm việc với nhà trường thoả đáng, tuy nhiên chứng kiến hình ảnh con trẻ 4 tuổi bị buộc dây vào người trong một căn phòng trống, dư luận đã không khỏi đau lòng, phẫn nộ.

Trước đó, ngày 19/11, dư luận đã được phen giận dữ khi một học sinh phải hứng chịu 231 cái tát của các bạn trong lớp vì theo lệnh cô giáo, tại Quảng Bình. Học sinh này đã nhập viện trong tình trạng cấp cứu.

Anh Nguyễn Khắc Hoà (là lái xe taxi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) thẳng thắn: “Bạo lực học đường không thể viện lý do để chối bỏ, bởi hình ảnh đã tố cáo việc làm không có đạo đức”.

Chị Lý Thị Hương (34 tuổi, ở Minh Khai, Hà Nội) cho biết: “Hành vi bạo lực trong phạm vi trường học chính là vết nứt âm ỉ trong tâm hồn trẻ về sau này, gây nên sự thù ghét giữa học sinh với học sinh. Bạo lực học đường xuất phát từ đây mà ra. Chính cách giáo dục phản khoa học này là mầm mống kích thích bạo lực. Chưa hết, đứa trẻ bị hành hạ cũng có nguy cơ bị tự kỷ, hoặc nhút nhát, lỳ lợm và manh động khi bị kích động. Tôi nghĩ, cần có hình phạt thích đáng với những hành động hạ nhục người khác như thế này”.

Bạo lực là bất lực?

Liên quan đến những hành vi mang tính chất bạo lực học đường, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng: “Thực trạng bao lực học đường đang rất đáng báo động tại Việt Nam. Chủ yếu xảy ra ở cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Bản thân tôi là nhà nghiên cứu tâm lý, tôi rất lưu tâm vấn đề tâm lý trong chốn học đường. Bởi sự tác động đến tinh thần, tâm lý sẽ quyết định đến sự hình thành nhân cách con người các em sau này. Chính vì thế, tôi đặc biệt lên án các hành vi mang tính bạo lực trong môi trường trường học.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến bạo lực học đường chính là “bệnh” thành tích. Đơn cử như sự việc em học sinh ở Quảng Bình bị cô giáo ra lệnh cho cả lớp tát 231 cái vào mặt, thì ngay sau đó, cô giáo lý giải rằng, lý do dẫn đến sự việc trên là do áp lực về thành tích. Mà thành tích ở đây là chính cô giáo “hưởng”, sau đó là nhà trường được “tiếng”, rồi ngành giáo dục. Trong khi đó, chỉ vì những sức ép này mà học sinh lại là người hứng chịu về mặt tinh thần”.

Cũng theo ông Nguyễn An Chất, một nguyên nhân nữa dẫn đến thực trạng bạo lực học đường chính là do giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức mà lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người. Ngoài ra, gia đình và nhà trường chưa có sự phối hợp “ăn ý”, chặt chẽ với nhau để dạy dỗ con trẻ.

“Những năm gần đây, sau nhiều sự việc bị phát giác, ngành giáo dục đã có những sát sao hơn trong việc giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. Tuy nhiên, càng sát sao, càng có những quy định quản lý chặt chẽ hơn thì số lượng các vụ bạo lực học đường lại diễn ra ngày một nhiều.

Đó là điều kỳ lạ mà khi hỏi đến, chẳng ai có thể giải thích được. Là nhà nghiên cứu về vấn đề tâm lý, bản thân chúng tôi đã có những kiến nghị với ngành giáo dục, đặc biệt là Lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo. Tuy nhiên, sau một thời gian thì ngành giáo dục phản hồi là không thể thực hiện (những kiến nghị này), vì có quá nhiều vướng mắc”, ông Nguyễn An Chất cho hay.

Ông Nguyễn An Chất cho biết thêm: “Theo tôi, để khắc phục nạn bạo lực học đường thì ngành giáo dục phải hành động thực sự mang tính thiết thực, nghiêm ngặt. Cần xem lại cách phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Đội ngũ giáo viên cần chủ động nắm chắc tình hình, cũng như tâm lý từng đứa trẻ để có biện pháp thông tin, phối hợp kịp thời với phụ huynh, ngay sau khi đứa trẻ có biểu hiện của những hành vi tiêu cực.

Đặc biệt, nhà trường phải tăng cường tuyên truyền, giảng dạy giáo dục pháp luật. Thực tế, có rất nhiều gia đình chỉ chú trọng đến kết quả học tập của con mà không chú ý đến việc các em nghĩ gì, hay cách xử sự của con với bạn bè diễn ra như thế nào. Vì thế, tôi cho rằng, là bậc cha mẹ cần phải là những người bạn đồng hành của con cái. Tránh tạo vỏ bọc cứng nhắc vì sẽ tạo tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và hưởng thụ ở con trẻ. Còn những giáo viên có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thì cần có những chế tài xử lý mạnh tay”.

Theo GiaDinh