Hãi hùng với những biến chứng khi đặt túi ngực

Làm đẹp “núi đôi” là nhu cầu của không ít chị em, nhưng đi liền với đó là những tai biến mà không phải ai cũng biết.

hai-hung-voi-nhung-bien-chung-khi-dat-tui-nguc

Khi quyết định nâng ngực, chị em cần tới các cơ sở bệnh viện uy tín. Ảnh: T.L

Những tai biến thường gặp

Thông tin chia sẻ của nam ca sỹ Quách Tuấn Du về chuyện của ca sỹ Ivy Trần bị vỡ túi ngực trên trang cá nhân gần đây đã thu hút sự chú ý của dư luận. Theo lời chia sẻ của Quách Tuấn Du, nam ca sĩ cùng đi chuyến bay với nữ ca sĩ Ivy Trần từ Đài Loan trở về Việt Nam do áp suất máy bay lớn nên đã bị "nổ" túi nâng ngực.

Trước thông tin này, TS.BS Nguyễn Huy Thọ - nguyên chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho hay, trên thế giới và ngay tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị nổ túi nâng ngực do đi máy bay. Nhiều khả năng bệnh nhân bị Hội chứng tiết dịch khoang muộn. Tỷ lệ gặp biến chứng này rất hiếm chỉ từ 0,88-1,2%, có nghĩa là 100 trường hợp đặt túi ngực chỉ có hơn 1 ca gặp biến chứng. Biến chứng này xuất hiện trong khoảng thời gian từ 18- 48 tháng hoặc có thể lâu hơn tùy từng trường hợp.

GS.TS Trần Thiết Sơn – Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn cũng cho rằng, khó có chuyện bị nổ túi ngực do áp suất máy bay gây ra. Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, các thẩm mỹ viện vẫn thường quảng cáo về phẫu thuật ngực an toàn, không có biến chứng.

Nhưng thực tế, tai nạn từ các ca phẫu thuật vòng một xảy ra không phải ít. Có 3 nguyên nhân dẫn tới các tai biến khi tạo hình ngực là: Phẫu thuật ở nơi không có điều kiện an toàn về vô trùng, trang thiết bị không đảm bảo; chất liệu nguồn gốc không rõ ràng, kém gây dễ vỡ; thứ 3 do là kỹ thuật viên không có chuyên môn.

Tại Khoa, chúng tôi cũng đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị “rò rỉ” túi ngực, biến dạng ngực đến chỉnh sửa, tạo hình lại. Đa phần các trường hợp này vào viện do biến chứng từ việc tiến hành phẫu thuật nâng ngực ở những cơ sở không phải là bệnh viện. Nhiều bệnh nhân được đặt túi ngực một cách cẩu thả từ những bác sỹ chưa thạo chuyên môn. Chẳng hạn như, khi phẫu thuật phần mở rộng da không đủ chỗ để cho vừa túi ngực định đặt. Vì quá chật nên túi ngực đặt cho bệnh nhân bị gấp nếp, sau một thời gian dẫn đến chèn ép làm vỏ túi bị rách.

Silicon sẽ tiếp xúc với mô ở xung quanh, kích thích cơ thể tiết ra huyết thanh. Huyết thanh đấy tăng khối lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào chất lượng của túi. Túi càng kém chất lượng bao nhiêu thì khối huyết thanh ra càng nhanh, khối lượng lớn dẫn tới tình trạng căng tức.

Trong trường hợp nữ ca sĩ trên có thể túi ngực bị vỡ một thời gian lâu chứ không phải đợi đi máy bay mới vỡ. Tiết dịch đấy cũng đã xuất hiện lâu. Triệu chứng tích huyết thanh là ngực căng to, chắc cứng và bệnh nhân đau. Để xử lý phải mở ra tháo dịch và thay túi”,GS.TS Trần Thiết Sơn chia sẻ.

GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết thêm, ngoài biến chứng rách túi, trong và quá trình phẫu thuật cũng có thể gặp một số tình trạng khác như chảy máu trong khoang đặt túi sau phẫu thuật, nhiễm trùng chậm, bao xơ co thắt, vôi hóa bao xơ… Cũng có nhiều trường hợp, đặt túi ngực không đúng vị trí do tay nghề kỹ thuật non kém gây ra tình trạng “4 ngực” gồm hai túi ngực độn lên trên, hai bầu ngực bị đẩy xô xuống.

Chẳng hạn như trường hợp chị N.T.H (ở Hà Nội), đã phẫu thuật nâng ngực ở một thẩm mỹ viện tại Hà Nội. Nhưng sau đó chị đã phải vào viện nhờ để xử lý do bị xẹp dúm. Trong lần phẫu thuật đặt túi ngực, chị bị chảy máu xung quanh nơi đặt túi. Do không được xử trí kịp thời, nên ngực bên chảy máu trở nên thâm bầm tím tái, căng và đau tức.

Vào viện bác sỹ cho biết, chị bị tụ máu sau khi phẫu thuật. Máu không thoát được hết ra ngoài nên tụ lại bên trong gây sưng tấy, đau. Các phần máu này đọng lại và tạo ra lớp xơ dày xung quanh túi độn.

Khi nào cần kiểm tra?

GS.TS Trần Thiết Sơn cảnh báo, việc chị em đi "mông má" lại đôi gò bồng đảo giờ không còn là chuyện hiếm. Đó là nhu cầu chính đáng nhưng mọi người cần lưu ý khi có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ, thay vì tìm đến các bệnh viện tư, thẩm mỹ viện không đảm bảo chị em nên đến các bệnh viện có uy tín để được tư vấn thật kỹ với các bác sĩ chuyên gia, có chuyên môn tốt trước khi tiến hành phẫu thuật.

Những người muốn đặt túi ngực phải có sức khỏe tốt. Trước khi tiến hành nâng túi ngực cần phải tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện, xét nghiệm máu, nước tiểu, X-quang, điện tâm đồ… Người bệnh càng không nên “giấu” bệnh để bác sỹ đặt túi ngực cho mình. Cần cho các bác sỹ biết về tiền sử bệnh tật hoặc các thuốc bị dị dứng nếu có. Với những trường hợp đang điều trị bệnh lý nội khoa như tim mạch, cao huyết áo, rối loạn đông máu… thì không nên thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực.

Ngoài ra, khi thấy ngực có xu hướng xẹp và biến dạng, cứng, chắc tốt nhất đến bệnh viện kiểm tra vì nếu để lâu sẽ sinh ra các túi xơ xung quanh, gây đau tức. Bệnh nhân sẽ được chụp cộng hưởng từ hoặc siêu âm để xác định chiều dày của lớp dịch. Nếu triệu chứng nhỏ có thể điều trị bằng thuốc. Nhưng túi đấy chất lượng không đảm bảo thì dùng thuốc cũng sẽ không hết, biến chứng tiến triển nhanh hay chậm tùy vào chất lượng túi.

Theo TS.BS. Nguyễn Huy Thọ, khi túi để lâu trong ngực, có thể do co bao xơ của cơ thể bóp và làm biến dạng mặt túi, tạo ra các nếp gấp. Nếu để lâu các nếp gấp đó sẽ bị hằn sâu và có thể rách làm dịch silicon gel từ trong túi thoát ra ngoài. Để tránh biến chứng co bao xơ sau nâng ngực phải tập luyện mát xa ngực. Sau khi làm ngực, mọi người cần theo dõi. Sau 5 - 10 năm bệnh nhân cần phải định kỳ đi kiểm tra 6 tháng/lần.

Khi thấy ngực có xu hướng xẹp và biến dạng, cứng, chắc tốt nhất đến bệnh viện kiểm tra vì nếu để lâu sẽ sinh ra các túi xơ xung quanh, gây đau tức. Bệnh nhân sẽ được chụp cộng hưởng từ hoặc siêu âm để xác định chiều dày của lớp dịch. Nếu triệu chứng nhỏ có thể điều trị bằng thuốc. Nhưng với túi chất lượng không đảm bảo thì dùng thuốc cũng sẽ không hết, nên biến chứng tiến triển nhanh hay chậm tùy vào chất lượng túi. GS.TS Trần Thiết Sơn

Theo GiaDinh