Xuất hiện các mã QR độc hại trong màn hình livestream trên mạng xã hội



Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian vừa qua, nhiều mã QR độc hại bị phát tán dễ dàng trong các bài viết, hình ảnh trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các màn phát trực tiếp .

xuat-hien-cac-ma-qr-doc-hai-trong-man-hinh-livestream-tren-mang-xa-hoi

Cần cảnh giác với các mã QR trong màn hình livestream trên mạng xã hội. Ảnh: Khánh An

Cảnh giác QR chỉ dẫn cài mã độc

Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 6/9, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) cho biết, thời gian vừa qua xuất hiện tình trạng mã QR thanh toán tại các cửa hàng bị dán đè khiến tiền chuyển về tài khoản kẻ gian.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng mã QR độc hại bị phát tán dễ dàng trong các bài viết, hình ảnh thông qua các ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội. Đặc biệt, các mã QR độc hại này còn xuất hiện trong các màn phát trực tiếp (livestream).

Khi người xem quét mã sẽ bị chuyển hướng đến các trang quảng cáo cờ bạc kèm mã độc có thể bị cài đặt vào điện thoại.

Ông Nguyễn Duy Khiêm, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT cho biết, nhu cầu sử dụng mã QR code tăng nhanh, đặc biệt sau đại dịch. Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, trong năm 2022, mã QR code tăng cả về số lượng và giá trị. Về số lượng, thanh toán qua mã QR code tăng 225%, về giá trị tăng lên 243% so với năm 2021.

“Tình trạng lừa đảo bằng mã QR code tăng mạnh trên thế giới. Thậm chí ở Việt Nam cũng xuất hiện tình trạng này. Trong tháng 8, các ngân hàng đã phát đi cảnh báo tình trạng lừa đảo thẻ tín dụng thông qua mã QR” - ông Khiêm cho biết.

xuat-hien-cac-ma-qr-doc-hai-trong-man-hinh-livestream-tren-mang-xa-hoi

Ông Nguyễn Duy Khiêm, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT. Ảnh: Khánh An

 

Ông Khiêm cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với người dùng. Người dùng cần cảnh giác với những mã QR code được chia sẻ trên mạng xã hội. Cần kiểm tra kỹ càng thông tin của những tài khoản trước khi chuyển tiền. Ngoài ra, cần xem xét các nội dung mà các trang web đưa tới khi quét mã QR code. Tuyệt đối không cung cấp đường link cá nhân, tài khoản ngân hàng khi quét mã.

Đối với các cơ quan, đơn vị tổ chức khi cung cấp mã QR code cần cảnh báo tuyên truyền với người dùng và đưa ra những giải pháp xác minh với những giao dịch có dấu hiệu bất thường. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các mã dán tại các điểm công cộng.

Từ chối dịch vụ với khách hàng “bùng cước”

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ TTTT cho biết, từ 1/8 đến 21/8, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 295 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tỷ lệ đáp ứng 90%). TikTok đã gỡ bỏ 30 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ đáp ứng 92%). Google đã gỡ 764 videos vi phạm trên Youtube (tỷ lệ đáp ứng 95%).

Đặc biệt, Google đã gỡ 5 kênh (chứa 18.900 video) chống phá Đảng, Nhà nước có lượt đăng ký và lượt xem rất lớn.

Cũng trong tháng 8.2023, Bộ TTTT tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đối tượng sử dụng tần số nhằm đảm bảo sự chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng tần số. Qua đó, phát hiện một số vụ vi phạm về sử dụng thiết bị vô tuyến điện không giấy phép, sử dụng thiết bị không đúng quy định… Bộ TTTT đã thực hiện xử lý 32 vụ vi phạm về sử dụng tần số.

Bộ TTTT cho biết đã tổ chức ký kết thỏa thuận về việc từ chối dịch vụ đối với khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán cước dịch vụ truy nhập Internet. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ cùng thống nhất cam kết từ chối cung cấp dịch vụ cho các khách hàng đăng ký mới dịch vụ truy nhập Internet khi đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước với một trong các bên.

Cụ thể, các doanh nghiệp gồm Viettel, VNPT, MobiFone, FPT Telecom, CMC Telecom, SPT (Saigon Postel Corp), HTC-ITC, Indochina Telecom, Netnam và VTC Digicom đã bàn bạc, đi đến sự thống nhất cam kết từ chối cung cấp dịch vụ cho các khách hàng đăng ký mới dịch vụ truy nhập Internet ADSL/FTTH khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước với một trong các bên.

Trong quá khứ, có tình trạng một số người dùng cố tình nợ cước viễn thông, sau đó lại chuyển sang một nhà mạng khác để đăng ký hòa mạng mới, dẫn đến tình trạng lạm dụng hệ thống.

Điều này không chỉ gây ra tình trạng thiếu minh bạch trong quản lý mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự cạnh tranh trong ngành, làm cho tỷ lệ nợ cước tăng lên, chất lượng đi xuống và đặc biệt là các sợi cáp quang không bị thu hồi và trở thành rác thải.

Theo GiaDinh