Vụ phạt 200 ngàn vì "cưỡng hôn" trong thang máy: Cần điều chỉnh lại luật và có chế tài đủ sức răn đe

Việc cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính gã đàn ông “cưỡng hôn” cô gái trẻ trong thang máy ở Hà Nội mức 200 ngàn đồng đang gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận.

Như trước đó Báo Gia đình và Xã hội đã thông tin, chiều ngày 18/3, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt hành chính người đàn ông bị tố có hành vi sàm sỡ, cưỡng ép và ôm hôn cô gái trong thang máy chung cư Golden Palm ở phường Nhân Chính.

Theo đó, ông Đỗ Mạnh Hùng bị xử phạt về hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", quy định điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP (mức phạt đối với hành vi này là từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng). Ông Hùng bị lập biên bản xử phạt với số tiền 200 nghìn đồng.

Ngoài ra, theo đại diện Công an quận Thanh Xuân, cơ quan công an cũng đã lập biên bản ngăn chặn, yêu cầu Đỗ Mạnh Hùng cam kết không tái phạm, không được có các hành vi tương tự.

Quyết định xử lý trên của cơ quan chức năng đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội.

vu-phat-200-ngan-vi-cuong-hon-trong-thang-may-can-dieu-chinh-lai-luat-va-co-che-tai-du-suc-ran-de

Hình ảnh Hùng "cưỡng hôn" cô gái trẻ trong thang máy tại Hà Nội. Ảnh: TL

Luật sư Trần Văn Lý (Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ quan điểm: "Hiện nay quy định về các tội danh như quấy rối tình dục ở Việt Nam là nhẹ nhưng ảnh hưởng xã hội của nó rất lớn. Chưa bàn về tổn hại thể chất, nhưng ảnh hưởng của những hành vi này gây ra về mặt tinh thần đối với người bị hại là không thể đong đếm được.

Nếu các nhà làm luật quy định chỉ cần có hành vi đụng chạm thân thể thì những việc làm như sờ đùi, sờ mông, thậm chí là vẹo má… đều trở thành hành vi phạm tội và có chế tài xử lý thật cứng rắn. Khi nào đạt đến mức độ đó thì tội này mới giảm đi, xã hội mới ổn định.

Hiện ở Việt Nam, vấn đề xử lý quấy rối tình dục còn quá nhẹ so với nhiều nước trên thế giới. Phải chăng đã đến lúc những người làm luật ở nước ta cần sửa đổi điều này theo hướng mở, đừng cụ thể, chỉ cần tiếp cận trái ý muốn với nạn nhân là đã có thể kết tội.

So với Việt Nam, các nước phương Tây quy định rất rõ các định nghĩa và khung hình phạt cho từng tội danh liên quan đến tình dục tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.

Điển hình như Singapore rất nghiêm khắc với các loại tội phạm tình dục, ngoài hình phạt tù và phạt tiền, người phạm tội còn chịu phạt roi.

Đối với những người có ý đồ cưỡng hiếp, có các hành vi thể hiện ý đồ cưỡng hiếp sẽ bị phạt tù từ 8 đến 20 năm tù và phạt roi có thể lên đến 12 cái. Các hành vi quan hệ tình dục, có ý đồ quan hệ tình dục, có các dấu hiệu thể hiện việc quan hệ tình dục (có sự đồng ý) với người dưới 18 tuổi sẽ bị phạt tù từ 7 năm và kèm tiền phạt, phạt roi hoặc cả 2.

Đối với các hành vi xâm hại tình dục mà không giao cấu, Singapore phạt tù 5 năm khi nạn nhân trên 18 tuổi, kèm theo phạt roi và phạt tiền hoặc cả 2. Luật pháp nơi đây cũng quy định phạt tù đến 10 năm, kèm theo phạt roi và phạt tiền hoặc cả 2 khi nạn nhân dưới 16 tuổi.

Nếu nạn nhân dưới 14 tuổi sẽ bị phạt 20 năm tù kèm theo hình phạt roi và tiền.

Hay ở Mỹ, luật pháp từng bang cũng có sự khác biệt, trong đó bang Texas được cho là có luật pháp hà khắc nhất cho tội phạm tình dục.

Tất cả các bang ở Mỹ đều xếp tội phạm tình dục được nhóm tội phạm rất nghiêm trọng. Ở bang Texas, khi bị kết tội liên quan đến tấn công tình dục, một người có thể chịu mức án từ 2 năm đến chung thân với mức tiền phạt lên đến 10.000USD (khoảng 230 triệu đồng).

Luật pháp Mỹ cũng quy định rất rõ các tội liên quan đến quấy rối tình dục như hành vi động chạm đến thân thể người khác mà không được cho phép nhằm thỏa mãn nhục dục hay có lời nói, cử chỉ mang tính nhục dục xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tù đến 2 năm và phạt tiền đến 10.000USD".

vu-phat-200-ngan-vi-cuong-hon-trong-thang-may-can-dieu-chinh-lai-luat-va-co-che-tai-du-suc-ran-de

Cô gái trẻ trong vụ "cưỡng hôn" trong thang máy ở Hà Nội. Ảnh: TL

Trước câu chuyện cô gái bị “cưỡng hôn” trong thang máy ở Hà Nội, chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện tương tự đã từng xảy ra tại tỉnh Quảng Trị vào giữa năm 2018. Một công chức ở Quảng Trị đã có hành vi sàm sỡ nữ đồng nghiệp ngay trong trụ sở.

Cụ thể, khi nạn nhân đang ngồi một mình trong phòng làm việc thì ông Nguyễn Bình Triệu, cán bộ cùng phòng bất ngờ bước vào, khóa trái cửa, xô chị ngã xuống đất, dùng vũ lực để sàm sỡ, giở trò đồi bại. Khi bị chống cự quyết liệt, người đàn ông này đã cắn rách môi, bóp cổ, cào cấu và dùng tay bịt miệng không cho chị kêu.

Và cái kết như ai cũng đã biết, ông Triệu bị CQCA xử phạt hành chính 200 ngàn đồng vì có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, theo điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định 167/2013 với khung hình phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Chia sẻ với PV, chị Phạm Phương Thảo (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Đọc và theo dõi diễn biến vụ việc cô gái trẻ bị “cưỡng hôn” trong thang máy tại Hà Nội, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng và bất an.

Dường như trong việc đánh giá hậu quả của hành vi, cơ quan công quyền đang nhìn vào hành vi của đương sự trong khi gần như bỏ qua cảm xúc của những nạn nhân, quá chú trọng đến mức độ thương tích “ngoài da” để bỏ qua những tổn thương khủng khiếp về tâm lý, tinh thần, danh dự vốn là đặc trưng của những xâm hại tình dục kiểu này. Và nếu luật vẫn còn giữ mức “án” 200 ngàn cho những hành vi kiểu này, thì những câu chuyện tương tự sẽ còn tái diễn”.

Theo ghi nhận thực tế của PV Báo Gia đình và Xã hội, sau câu chuyện đáng buồn trên, hiện trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều dòng trạng thái chế hài hước kiểu chỉ cần bỏ 200 ngàn nộp phạt thì bất cứ ai cũng có thể “cưỡng hôn” một người xa lạ nếu họ muốn.

Và câu hỏi đặt ra lúc này là: "Chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn những câu chuyện đáng buồn như trên?". Câu trả lời xin nhường lại cho những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và quyền hạn xử lý. Mong rằng, câu hỏi trên sẽ không bị rơi vào lãng quên.

Theo GiaDinh