Việt Nam đã nhập hơn 9000 kg hóa chất "nghi" gây teo não

Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã nhập hơn 9000kg hóa chất Pyriproxyfen và loại hóa chất này chỉ để sử dụng trong nước thải sinh hoạt.

Sáng 16/2, tại Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã diễn ra cuộc họp nhằm cập nhật tình hình và bàn phương án ngăn chặn cũng như phòng bệnh do virus Zika vào Việt Nam. Cuộc họp được chủ trì bởi GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế.

Tại cuộc họp này, rất nhiều vấn đề đã được các thành viên đưa ra, đặc biệt là sự việc hóa chất gây teo não ở trẻ nhỏ chứ không phải là virus Zika, đáng nói hơn loại hóa chất này đang được sử dụng ở Việt Nam.

Trước thông tin trên, đại diện Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ông Tony cho biết, đây là thông tin rất đáng quan ngại và hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra. Thực tế, thuốc diệt ấu trùng đã được dùng ở Brazil từ rất lâu và hiện chưa có mối quan hệ rõ ràng hay kết luận chính thức nào về việc hóa chất này gây nên dị tật não nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Việt Nam đã nhập hơn 9000 kg hóa chất “nghi” gây teo não

Chưa có cơ sở khẳng định hóa chất gây teo não trẻ nhỏ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, GS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, hiện Việt Nam không sử dụng hóa chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt, ăn uống cũng như chương trình phòng chống sốt xuất huyết, không sử dụng hóa chất này để diệt ấu trùng muỗi.

Hóa chất Pyriproxyfen mới chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2013. Tính tới thời điểm hiện tại mới nhập được tổng số 9000 kg và đã tiêu thụ hơn 2000 kg. Số hóa chất này chỉ được dùng để diệt ấu trùng muỗi trong các loại nước thải.

Trước đó, một nhóm bác sĩ trên Thế giới đã đưa ra thông tin, hóa chất Pyriproxyfen diệt ấu trùng muỗi có khả năng gây teo não ở trẻ. Hóa chất này đã được sử dụng trong chương trình diệt muỗi quy mô lớn để bơm vào nguồn nước sinh hoạt tại Brazil nhằm ngăn chặn sự sinh sôi của ấu trùng muỗi trong các bồn chứa nước.

Một vấn đề nữa cũng được đưa ra bàn luận sôi nổi tại cuộc họp này đó là khả năng chẩn đoán và điều trị nếu virus Zika vào Việt Nam. Theo đó, đại diện Bộ Y tế khẳng định: “Việt Nam hoàn toàn có khả năng xét nghiệm được virus Zika”. Đồng thời các tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam cũng hoan ngênh và đánh giá cao nỗ lực cũng như khả năng phòng chống bệnh do virus Zika.

Theo Quỳnh Thơ(Giadinhvn)