Vàng tăng giá mạnh do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ

Thị trường vàng và USD đồng loạt tăng giá mạnh trong sáng nay (12.8) sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

Ảnh minh họa

Trong phiên giao dịch sáng 12.8, giá vàng bắt đầu có dấu hiệu tăng cao. Vào lúc 10 giờ 30, giá vàng chạm mốc 1.111 USD, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 7 tuần qua.

Trong khi đó, giá vàng mua bán trong nước hôm qua cũng nhích lên theo thế giới, chốt tại 33,05 triệu đồng/lượng khi mua vào và bán ra là 33,25 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng hưởng lợi

Theo các chuyên gia tài chính thế giới, nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh như vậy là do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khiến đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm sau khi các số liệu kinh tế thể hiện sự yếu kém.

Các nhà kinh tế học và quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cho biết việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ không thể khiến Fed xao nhãng tình hình trong nước nhưng "bất kỳ biểu hiện chần chừ nào của Fed cũng sẽ được thị trường coi là yếu tố tích cực với vàng", David Meger - Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures dự báo.

Ông này cho rằng động thái của Trung Quốc đang làm tăng bất ổn và rủi ro cho kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên việc này lại có lợi cho vàng. Tuyên bố trên cũng khiến giá USD lên cao và chứng khoán toàn cầu đi xuống hôm qua.

"Trong dài hạn, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ có tác động tiêu cực với vàng, do nó khiến giá vàng đắt đỏ hơn với họ", Warren Kreyzig - nhà phân tích hàng hóa tại Julius Baer cho biết.

Trong khi đó, Matthew Turner – nhà phân tích tại Macquarie lại nhận định rằng thị trường sẽ được hưởng lợi từ tâm lý sợ chiến tranh tiền tệ của người dân.

“Thời điểm giá vàng lên cao nhất năm nay là những lần tỷ giá biến động hồi đầu năm, khi ngân hàng trung ương nhiều nước giảm lãi suất hoặc can thiệp vào chính sách tiền tệ. Yếu tố như vậy có thể đã tạo ra đà tăng hôm qua", ông Matthew Turner nói.

Giá vàng có nguy cơ giảm

Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu lớn trên thế giới về kim loại vàng. Vì vậy, quyết định phá giá đồng nhân dân tệ từ nước này đang dấy lên lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế, khi Trung Quốc chiếm gần 1/3 nhu cầu vàng toàn cầu.

Một số chuyên gia trên thế giới dự báo rằng một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua vàng từ các nhà đầu tư Trung Quốc nhằm bù đắp cho đồng nhân dân tệ đang thấp hơn, như một lý do để giải thích các kim loại quý được giao dịch cao hơn hôm qua.

"Có ý kiến cho rằng việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có nghĩa là các nhà đầu tư Trung Quốc đã phải chịu đựng sự nổ thị trường chứng khoán và bây giờ sợ hơn nữa, là nhân dân tệ giảm giá. Tuy nhiên, giảm giá không phải là sự lựa chọn cho vàng", ông Richard Perry - nhà phân tích thị trường tại Hantec Markets đã viết như vậy trong một nghiên cứu.

Một số nhà đầu tư vàng đặt cược rằng động thái của Trung Quốc sẽ buộc Fed phải trì hoãn việc tăng lãi suất. Mức giá cao hơn, trong đó sẽ có xu hướng đẩy mạnh hơn nữa đồng USD so với đồng nhân dân tệ, được dự kiến sẽ tăng nhu cầu vàng, một khoản đầu tư không phải trả lãi.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết động thái của Trung Quốc có khả năng làm giảm giá vàng, khi nước này có nhu cầu toàn cầu vàng rất lớn.

Howie Lee, một nhà phân tích tại trung tâm Phillip Futures ở Singapore, cho biết giá vàng có thể phải chịu áp lực đi xuống từ đây.

Sáng 12.8, theo thông cáo mới phát đi từ Ngân hàng Nhà nước VN, biên độ tỷ giá được điều chỉnh tăng từ mức +/-1% lên +/-2% . Sau quyết định này, giá USD ngân hàng và tự do đồng loạt vọt qua ngưỡng 22.000 đồng.

Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng sẽ ở mức 21.673 đồng/USD, trong khi giá mua- bán USD của các ngân hàng dao động từ 21.240 đồng - 22.106 đồng.

Các ngân hàng cũng nhanh chóng niêm yết bảng giá mới, phổ biến là 21.950 - 22.090 đồng/USD. Đơn cử, Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá bán USD ở mức 21.960 đồng (mua vào) - 22.040 đồng (bán ra), cao hơn 180 đồng ở chiều mua và 200 đồng ở chiều bán so với sáng qua.

Theo Phan Diệu (MTG)