Từ vụ cháu bé 2 tuổi bị tử vong sau khi truyền dịch: Báo động những cái chết liên quan đến việc tự ý truyền dịch

Theo các chuyên gia y tế, bất cứ người bệnh nào cũng đều có thể bị sốc và với bất kỳ loại dịch truyền nào. Biến chứng nguy hiểm nhất là người bệnh bị sốc, tụt huyết áp và có thể tử vong khi truyền dịch. Do vậy khi truyền dịch dứt khoát phải đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện làm cấp cứu để tránh nhữ

Những cái chết đau lòng

Vụ việc cháu bé Nguyễn G.B (2 tuổi) ở Hà Nội bị tử vong sau khi được truyền dịch tại một phòng khám tư ở gần nhà lại một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về hậu quả của việc tự ý truyền dịch.

Theo thông tin đã được đăng tải thì vào chiều ngày 16/10, gia đình ông Nguyễn Đình D. (Long Biên, Hà Nội) đưa cháu B đến 1 phòng khám tư gần nhà để thăm khám sau khi thấy cháu có hiện tượng sốt và tiêu chảy. Tuy nhiên, sau khi được bác sĩ phòng khám này tiến hành truyền dịch được khoảng 5 phút thì cháu B có biểu hiện tím tái, cứng đơ.

Cháu B được bác sĩ phòng khám này kiểm tra ngay và đồng thời gọi xe cứu thương đưa bé B. đến bênh viện đa khoa (BVĐK) Đức Giang cấp cứu nhưng cháu B. đã không qua khỏi. Hiện gia đình đang chờ kết quả giám định pháp y từ cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân tử vong của bé.

Từ vụ cháu bé 2 tuổi bị tử vong sau khi truyền dịch: Báo động những cái chết liên quan đến việc tự ý truyền dịch

Đã có không ít những cái chết đau lòng khi người dân tự ý đi truyền dịch. Ảnh minh họa

Những cái chết liên quan đến việc truyền dịch không phải bây giờ mới có mà đã xẩy ra khá nhiều vụ từ trước tới nay. Khoảng vào đầu năm 2014, bệnh nhân Võ Văn Dự (26 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) cũng đã tử vong ngay sau khi được truyền nước biển vào người. Cụ thể, sau khi truyền nước được vài phút, anh Dự bị sốc và tử vong ngay tại chỗ. Các bác sĩ cho biết trước khi tử vong anh Dự có truyền dung dịch Natri Clorua 9‰ (có tiêm dịch truyền kali).

Cũng trong năm 2014, khoảng giữa tháng 8, ông Chu Đình Thành (43 tuổi, trú xã Ngọc Phụng, Thường Xuân, Thanh Hóa) thấy người mệt mỏi, ông đã đến một phòng khám tư gần nhà. Truyền gần hết 2 chai nước, ông Thành rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong sau khoảng 20 phút. Kết quả giải phẫu tử thi ghi nhận, trong phổi nạn nhân có rất nhiều nước.

Mặc dù việc truyền nước có thể gây sốc dẫn đến tử vong như những trường hợp ở trên, tuy nhiên hiện nay việc người dân tự ý đi truyền dịch, hoặc tự ý đến phòng khám tư nhân yêu cầu được truyền dịch vẫn không dừng lại.

Không ít người khi thấy mình có dấu hiệu bị sốt cao, bị cảm cúm, tiêu chảy hoặc mệt mỏi…liền đến ngay các phòng khám gần nhà, hoặc gọi bác sĩ đến nhà để truyền nước. Thậm chí có người đang bình thường cũng đến phòng khám yêu cầu truyền C hoa quả để da đẹp lên...

Chỉ những cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu mới được phép truyền dịch

ThS BS Âu Thanh Tùng - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: Một thực tế, khi người bệnh bị bệnh hoặc cảm giác mệt mỏi đến khám bệnh tại cơ sở y tế thì mong muốn của người bệnh là được truyền dịch. Tuy nhiên quan điểm này không đúng hoàn toàn.

Truyền dịch là truyền dung dịch có chất hòa tan như đường, chất đạm, chất béo, một số dung dịch chứa chất điện giải như Natri Clorua, kali clorua, Bicabonat. Ngoài ra có những chế phẩm đặc biệt như dịch truyền Abumin, dịch truyền có yếu tố đông máu, tiểu cầu,…Tuy nhiên, truyền dịch phải đúng chỉ định của bác sĩ.

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội); sốt, mệt mỏi không phải là một bệnh mà chỉ là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Chính vì thế, trước khi quyết định việc tiêm, truyền cho bệnh nhân, bác sĩ phải trả lời được câu hỏi: mệt, sốt là do bệnh gì và bệnh ấy có phải truyền dịch hay không?

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, không phải bệnh nào cũng được phép truyền dịch. Tùy theo loại bệnh và tình trạng cấp cứu mà bác sĩ có chỉ định dùng loại dịch truyền nào cho phù hợp và đặc biệt, dịch truyền là dạng thuốc cần thiết trong trường hợp bệnh nặng cần cấp cứu hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc. Tuy nhiên, dùng loại dịch truyền nào phải tùy vào từng trường hợp cụ thể, liều lượng truyền phải cân nhắc tính toán cho từng người và có sự theo dõi của thầy thuốc.

Theo các chuyên gia y tế, dù tỷ lệ sốc do truyền dịch chỉ 3/10.000 ca nhưng vẫn phải thật cẩn trọng. Bất cứ dịch truyền nào cũng đều có thể có các tai biến như nhiễm trùng hoặc việc đưa vào cơ thể một lượng nước lớn sẽ có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận…Đặc biệt, dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không “chịu” như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc… Đó là lý do, khi truyền dịch dứt khoát phải đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện làm cấp cứu để các bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Thường thì việc truyền dịch chỉ ở các cơ sở y tế có điều kiện làm cấp cứu mới được phép thực hiện.

Các chuyên gia y tế lưu ý người dân rằng, bất cứ người bệnh nào cũng đều có thể bị sốc và với bất kỳ loại dịch truyền gì. Những tai biến, biến chứng như: khi truyền dịch mà dịch thoát ra ngoài sẽ gây phù tại chỗ, gây viêm tĩnh mạch, không tuân thủ vô trùng thì sẽ gây nhiễm trùng.

Đặc biệt khi truyền dịch nhanh, đối với người bệnh bị tăng huyết áp, suy tim và người lớn tuổi thì có thể bị phù phổi cấp, nghĩa là một lượng dịch lớn vào cơ thể sẽ ứ lại tại phổi làm cho người bệnh ngộp thở có thể gây tử vong. Biến chứng nguy hiểm nhất là người bệnh bị sốc, tụt huyết áp và có thể tử vong khi truyền dịch.

Để hạn chế những cái chết do tự ý truyền dịch gây ra, bác sĩ Âu Thanh Tùng lưu ý người dân cần phải thay đổi quan điểm: không tự ý truyền dịch, truyền dịch phải đúng chỉ định và có chỉ định của bác sĩ.

Thông thường nếu người bệnh uống được thì tốt nhất là nên chọn cách uống. Đối với cơ sở y tế thực hiện truyền dịch phải có đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị để xử trí khi có biến chứng. Đối với nhân viên y tế phải biết nhận biết khi người bệnh bị sốc và biết cách xử trí đúng theo phác đồ.

Một điểm lưu ý là khi người bệnh bị sốc do truyền dịch thì nhân viên y tế phải đánh giá đúng tình trạng người bệnh, bước đầu tiên là phải xử trí tại chỗ và khi quyết định chuyển đến cơ sở y tế khác thì phải đảm bảo an toàn trong thời gian di chuyển người bệnh.

Theo GiaDinh