“Tín dụng đen” lại rầm rộ “giăng bẫy”

Cuối năm, nhu cầu vay vốn mua sắm, trả nợ của cá nhân, doanh nghiệp tăng, đây cũng là dịp để “tín dụng đen” với những phương thức vay dễ dàng nhưng lãi suất “cắt cổ” bùng nổ khắp nơi. Ngoài lãi cao, người vay còn vướng nhiều “bẫy” khó lường, không ít người đã ôm hận với quyết định vay tiền theo hình thức này.

Tín dụng đen lại rầm rộ giăng bẫy
Khác với năm trước, đội lốt các tập đoàn tài chính, năm nay cửa hàng cầm đồ công khai cho vay vốn. Ảnh: HP

Dễ vay nhưng lãi suất “cắt cổ”

Trong vai khách hàng, chúng tôi liên hệ với thuê bao 0975.752... trên tờ quảng cáo: “Ngân hàng Quốc tế, hỗ trợ vay vốn không cần thế chấp, khoản vay từ 100 - 200 triệu”. Chủ thuê bao điện thoại cho biết thủ tục chỉ cần CMND hoặc GPLX, ký vào giấy vay là có tiền ngay. Lãi suất tùy số tiền ít hay nhiều, tùy thời gian vay ngắn hay dài.

“Lãi suất chỉ nhỉnh hơn so với ngân hàng năm, bảy nghìn đồng một ngày. Tuy nhiên, khách hàng lại có tiền ngay trong khi thủ tục rất đơn giản, không tốn thời gian của khách hàng”, người vay vốn cho biết qua điện thoại.

Chúng tôi nhẩm tính, với mức lãi suất từ 5.000 - 7.000 đồng cho số tiền vay 1 triệu đồng/ngày, tương đương mức lãi suất 0,4 - 0,7%/ngày, thì lãi suất theo năm sẽ lên tới 144 - 252%/năm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thị trường tự do, hình thức vay thế chấp không còn phổ biến như những năm trước đây. Ngoài hình thức vay phổ biến là vay tín chấp, hiện còn xuất hiện gần như công khai hình thức vay đóng theo ngày còn gọi vay “nóng”.

Nguyễn Hiệp (một người chuyên cho vay “nóng” có “trụ sở” ở phố Đội Cấn, Hà Nội) cho biết, hình thức vay mà anh này đang thực hiện là cứ vay 10 triệu/ngày trả 300.000 đồng/ngày. Theo anh Hiệp, nếu trả liên tục trong 42 ngày thì người vay phải trả 12,6 triệu đồng, tính ra lãi suất khoảng 19%/tháng.

Một gói vay khác là nếu khách hàng vay 10 triệu/tháng đóng 1,397 triệu đồng/tháng, trả liên tục trong vòng 12 tháng tính ra lãi suất khoảng 5,6%/tháng. Mức lãi suất này quá cao so với lãi suất các ngân hàng đang cho vay.

Không chỉ chịu mức lãi suất “cắt cổ”, sau khi đặt bút ký vào giấy vay, người vay mới thấy mình vấp phải những mánh khóe trong việc cho vay. Anh Lê Xuân Thành (Khu đô thị Nàng Hương, Hà Đông) cho biết, anh đã vay 100 triệu đồng trong 5 tháng, lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, có nghĩa anh phải trả 500.000 đồng/ngày cho tiền lãi.

Hết một tháng kể từ ngày vay, anh Thành mang tiền đến trả lãi thì được chủ nợ thông báo trong suốt 30 ngày qua, anh không trả lãi hàng ngày nên sau mỗi ngày, số tiền nợ gốc của anh lại được cộng thêm 500.000 đồng để tính lãi. Cứ như vậy, sau một tháng vay, số tiền nợ cả gốc và lãi của anh được chủ nợ tính lên đến gần 130 triệu đồng.

Anh Thành cho biết các công ty cho vay tài chính có một đội ngũ liên tục gọi điện mời chào khách hàng vay vốn, ngay cả khi nhu cầu vay tiền của anh chưa thật sự khẩn cấp. “Sự săn đón mời mọc với những điều khoản quá dễ dàng làm cho tôi dao động và đi đến quyết định vay vốn. Nếu được làm lại, tôi không bao giờ mắc phải bẫy tín dụng này”, anh Thành chia sẻ.

Hiệu cầm đồ cũng rải tờ rơi cho vay vốn

Hoạt động cho vay vốn với lãi suất cao bên ngoài hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, dạng “tín dụng đen” đã tồn tại từ lâu. Nếu như trước đây, để tạo niềm tin cho khách hàng, thông tin trên những tờ rơi này tự giới thiệu là những “đại gia” trong lĩnh vực tài chính hoặc ngân hàng 100% vốn nước ngoài, tập đoàn tài chính ngân hàng, ngân hàng quốc tế chi nhánh tại Việt Nam, tổ chức tài chính phi chính phủ. Thì, những ngày cuối năm nay, xuất hiện những quảng cáo ghi rõ “cửa hàng cầm đồ cho vay”.

Chúng tôi liên hệ với một số điện thoại trên tờ quảng cáo dán ở bốt điện trên đường Nguyễn Trãi (Hà Đông), nhân viên hướng dẫn vồn vã: “Anh vay bao nhiêu? Vay bao lâu? Nhà anh ở đâu?...”.

Nhưng khi được hỏi: “Ngân hàng nào?”, “Lãi suất thế nào?” thì người trả lời: “Không phải ngân hàng nào cả. Em ở cửa hàng cầm đồ. Làm ăn với nhau có uy tín chẳng phải giấu diếm gì. Anh cứ đến cửa hàng cầm đồ tại địa chỉ… làm hợp đồng, lãi suất tùy thuộc vào số tiền và thời gian vay tầm 2.000 - 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày”.

Qua tìm hiểu được biết, khách hàng của loại dịch vụ tín dụng dạng “giao dịch cửa hàng cầm đồ” này chủ yếu là sinh viên, tiểu thương, công nhân lao động, người nợ lô đề, cờ bạc… Họ cũng ít quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi đi vay và ít quan tâm đến cách tính lãi mà các chủ cho vay đã khôn khéo chuyển từ cách tính % sang cách tính con số cụ thể. Đây có lẽ chính là nguồn cơn khiến các loại “bẫy” của “tín dụng đen” vẫn thả sức hoành hành, nhất là dịp cuối năm.

Các thông tin, quảng cáo chào mời vay vốn được dán khắp nơi như bảng tin tổ dân phố, cột điện, gốc cây và thậm chí cả qua tin nhắn điện thoại di động... Theo đó, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận được những thông tin chào mời vay vốn với những lời quảng cáo khá hấp dẫn, như: “Thủ tục vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp, không cần chứng minh thu nhập, giải ngân nhanh trong vòng 2 ngày, hạn thời gian cho vay dài…”. Nếu cả tin người tiêu dùng rất dễ “dính bẫy” tín dụng với những chiêu “móc túi” khó ngờ.


Theo Hà Phương (Báo Gia đình & Xã hội)