Tìm nguồn tài chính phòng chống đại dịch HIV/AIDS

Ngày 24/11, tại Hội nghị khoa học quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ VI, Việt Nam cam kết sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu 90-90-90 do UNAIDS khởi xướng.

Theo đó, mục tiêu đặt ra là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus ARV liên tục suốt đời, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định. Mục tiêu này hướng đến kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Với việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các nguồn tài trợ của quốc tế cho hoạt động phòng, chống HIV đã giảm đáng kể và hiện chưa có cam kết tài chính nào thêm sau năm 2017. Chính vì vậy, khối nhà nước và tư nhân hơn bao giờ hết cần hợp tác tham gia vào quá trình chuyển giao và nỗ lực duy trì bền vững công cuộc phòng chống HIV. 

PGS. TS. Bùi Đức Dương , Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế chia sẻ: “Đây chính là thời điểm quan trọng Việt Nam chúng ta cần nhanh chóng đảm bảo bền vững tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS thay vì dựa chủ yếu vào nguồn tài trợ từ nước ngoài như hiện nay, đồng thời thực hiện cam kết của mình đạt được mục tiêu 90-90-90 và hướng đến kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030”.

Các giải pháp từ khối nhà nước và tư nhân được phối hợp đồng bộ sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tình hình nguồn tài chính thiếu hụt nghiêm trọng như hiện nay. Ông John Eyres, Giám đốc Văn phòng y tế, USAID Việt Nam chia sẻ “Trong Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR), USAID và các đối tác trong suốt 10 năm qua đã giúp gần 100.000 người được điều trị ARV và hơn 30.000 người được điều trị Methadone. Để đạt được mục tiêu 90-90-90 và đảm bảo có đủ nguồn cung ứng thuốc ARV cho các bệnh nhân mới, Việt Nam cần áp dụng các giải pháp bao gồm sử dụng nguồn tài chính địa phương và bảo hiểm y tế để tăng đóng góp của xã hội trong công cuộc phòng, chống HIV”.

Theo Thái Hà ( khoe360.tienphong )