Thực phẩm bẩn: "Nóng" trong Quốc hội, ngoài phố tung hoành

Thực phẩm mất vệ sinh, độc hại được đặc biệt quan tâm. Dù có giải pháp xử lý song thực tế ở các chốt thanh tra thực phẩm, đâu vẫn còn đấy.

Trong loạt câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội, nội dung đặc biệt "nóng" về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm thối bẩn độc.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn ĐBQH Hải Phòng) đặt vấn đề: "Qua thực tế cuộc sống hàng ngày và phản ánh của cử tri, tôi nhận thấy vấn đề này không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm”.

“Xin Bộ trưởng cho biết, tại sao Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp như Báo cáo của Bộ đã nêu, xong tình trạng này không giảm mà vẫn còn chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân của vấn đề này là gì? Phải chăng do chính sách ta đưa ra chưa đủ răn đe hay sự thiếu quyết tâm của Bộ. Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành phát triển nông thôn trước cử tri cả nước như thế nào?”, đại biểu Vinh nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Cao Đức Phát cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này không phải do sự thiếu quyết tâm của cơ quan điều hành mà do lực lượng cán bộ ngành nông nghiệp quá mỏng.

Thực phẩm bẩn:
Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát nói lỗi thực phẩm ở lực lượng mỏng.

“Lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đều đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, hàng loạt văn bản đã được ban hành. Tuy nhiên, từ việc ban hành đến triển khai, hướng dẫn sản xuất, kiểm tra giám sát chưa thật sự sâu rộng để xử lý căn cơ”, Bộ trưởng Phát phân trần.

Đồng thời, Bộ trưởng Phát cũng đưa ra một biện pháp mạnh mẽ nhằm răn đe những người vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bằng việc sửa đổi Luật Hình sự.

Theo đó, tại Điều 155 của Bộ Luật Hình sự đề xuất thêm mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi như: Salbutamol hay chất vàng O có thể gây nên ung thư.

Và theo Điều 244 quy định: "Nếu  buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì xử lý”, Bộ trưởng Nông nghiệp cho rằng: "Thế  tức là phải lăn ra chết thì mới xử lý! Ăn thực phẩm ít khi xảy ra trường hợp này, thế nên cũng không xử lý được!”.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, vấn đề quan trọng đối với an toàn thực phẩm không phải do chồng chéo trong quy định mà do thực hiện chưa tốt. Việc tổ chức thực hiện không chỉ là của từng ngành mà trong đó cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đồng ý cùng Chính phủ soạn thảo một chương trình phối hợp, cùng các đoàn thể để làm tốt việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu làm được việc này sẽ tạo được chuyển biến mạnh bởi việc sản xuất kinh doanh diễn ra ở từng hộ gia đình đồng thời làm tốt việc này sẽ khắc phục được câu chuyện thanh tra, kiểm tra.

Dù vậy thực tế một sự thật vẫn đang tồn tại. Liên tiếp trong những ngày gần đây, hàng loạt những vụ bắt giữ xe chở thực phẩm thối, bẩn trên đường đi tiêu thụ.

Tối 16/11, tổ tuần tra CSGT cửa ô Hòa Nhơn (Đà Nẵng) đã phát hiện một xe tải chở hàng trăm kg chân bò thối giấu trong lô xe máy đang trên đường vào miền Nam tiêu thụ.

Xe tải vi phạm có BKS 89C-061.67 do tài xế Lưu Đình Hồng (27 tuổi, trú huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) điều khiển theo hướng Bắc Nam. Khi bị lực lượng CSGT yêu cầu dừng lại kiểm tra, tài xế khai báo vận chuyển một lô xe máy. Tuy nhiên, lực lượng tuần tra phát hiện có nước rò rỉ từ thùng xe xuống đường, có mùi thôi thối nên yêu cầu mở thùng xe thì phát hiện 12 thùng xốp, có trọng lượng 480kg chứa chân và đuôi bò thối.

Thực phẩm bẩn:
Đại lý vận chuyển kinh doanh nầm bò thối giả mạo giấy tờ kiểm dịch.

Ngày 13/11, cán bộ Phòng Thanh tra (Chi cục Thú y TP.HCM) kiểm tra cơ sở kinh doanh nầm heo ở số 235/5D bis Bạch Đằng, P.15, Q.Bình Thạnh của ông Trần Xuân Quảng (quê Hưng Yên) phát hiện có 1,3 tấn nầm heo bốc mùi hôi thối không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Cơ sở này không chỉ vận chuyển, chứa và chế biến thực phẩm thối thành thực phẩm tươi đi tiêu thụ mà còn xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y tỉnh Nam Định giả mạo. Bên cạnh đó, số nầm heo được vận chuyển không có dấu hiệu được ướp đá bảo quản mà nghi vấn có sử dụng hàn the với liều lượng cao mới có thể để được lâu.

Đặc biệt, một cán bộ thuộc Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, trên các thùng xốp chứa nầm heo còn nguyên băng keo có chi chít chữ Trung Quốc. Nhiều khả năng số nầm heo từ trước tới nay của cơ sở này được nhập từ Trung Quốc sau đó về Nam Định hợp pháp hóa giấy tờ.

Theo Lê Na(Đất Việt)