Tem chống hàng giả cũng bị làm...giả!

Đà Nẵng làm gì để ngăn chặn “đại nạn” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đó là chủ đề “nóng” được đưa ra bàn luận tại buổi đối thoại trực tuyến “Chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng” diễn ra ngày 27-5.

Hàng giả lộng hành

Nhận được nhiều ý kiến đề cập về thực trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay trên địa bàn thành phố hiện nay, ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng (áo quần, giày dép giả nhãn hiệu nổi tiếng, ba lô, mũ, máy tính, đồng hồ, mỹ phẩm...) gây nên nhiều tác hại khôn lường.

Là đơn vị chủ công trong “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ông Nguyễn Nho Hậu, Chi Cục phó Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho hay, trong năm 2015, TP đã xử lý hơn 8.800 vụ việc, trong đó gian lận thương mại chiếm hơn 94% với 8.300 vụ, thu nộp ngân sách hơn 132 tỷ đồng, khởi tố 19 đối tượng. Từ đầu năm 2016 đến nay, Chi cục QLTT thành phố đã tiến hành kiểm tra, xử lý 57 vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng với tổng giá trị hàng 2 tỷ đồng, phạt tiền gần 307 triệu đồng.

Đề cập đến nguyên nhân khiến hàng giả lộng hành, ông Hậu cho rằng: “Hàng giả, hàng nhái khá, hàng kém chất lượng đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại và linh hoạt về giá cả, núp dưới những tên của các hãng nổi tiếng trên thế giới được chủ cửa hàng bán dưới dạng hàng tồn kho giảm giá.

Các sản phẩm bị làm giả phổ biến và nhanh nhất là mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống (rượu, bia, nước giải khát), quần áo, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị vệ sinh... Thậm chí, “tem chống hàng giả” cũng bị làm giả. Bên cạnh đó tâm lý người Việt rất sính hàng ngoại, thích hàng mẫu mã đẹp nhưng không quan tâm đến chất lượng hàng hóa”...

Vấn đề này, ông Nguyễn Hà Bắc cũng thừa nhận rằng cơ quan quản lý phát hiện hành vi làm hàng giả, hàng nhái còn yếu kém. Chế tài xử lý nghiêm nhưng không có biện pháp xử lý triệt để từ gốc, từ cơ sở sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng giả. Ngoài ra, pháp luật hiện hành về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có rất nhiều, nhưng vẫn còn trùng lắp, chồng chéo, khó thực hiện.

tem-chong-hang-gia-cung-bi-lam-gia

CAQ Hải Châu phát hiện lô hàng hơn 1.000 túi xách giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Hermes, Prada, Chanel. Ảnh: A.T

“Cuộc chiến” gian nan

Ông Nguyễn Hà Bắc lưu ý, việc mua và sử dụng hàng giả, hàng nhái là gián tiếp tiếp tay cho các đối tượng làm ăn phi pháp, cần phải nghiêm trị. Nếu người tiêu dùng vô ý hoặc cố ý mua và dùng hàng giả, hàng nhái là trực tiếp tự gây thiệt hại cho mình. Ông Đoàn Ngọc Minh, Chánh Văn phòng Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đà Nẵng khuyến cáo, khi mua hàng, người tiêu dùng cần đọc kỹ các thông tin trên nhãn hàng hóa, như: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa, định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, hương dẫn bảo quản, thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn.

Đối với hàng hóa là hàng nhập khẩu thì ngoài nhãn gốc của hàng hóa thì bắt buộc phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội duung ghi trên nhãn gốc. Ngoài ra, một số dấu hiệu để nhận biết hàng giả, hàng nhái như: nước sơn, độ sắc nét, góc cạnh của bao bì, không đầy đủ hoặc sai thông tin về tên sản phẩm, nhãn hiệu, tên và địa chỉ đơn vị sản xuất...

Theo ông Nguyễn Nho Hậu, cần tăng cường công tác phối hợp và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng trong công tác chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bổ sung kịp thời các văn bản pháp quy, nhất là đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, đồng thời huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và quần chúng nhân dân trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm...

Ông Hậu kêu gọi: “Để bảo vệ người tiêu dùng và sự phát triển của các DN thì cần có sự cộng hưởng, chung tay từ các DN, hộ kinh doanh và người tiêu dùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm ngăn chặn có hiệu quả hơn. Khi người tiêu dùng  mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì báo ngay cho Chi cục QLTT thành phố theo số điện thoại: 0511.3624154 hoặc 0903592189, chúng tôi sẽ xử lý ngay”.

Theo Xuân Đương (CAND)