Tâm an, thế giới an giữa "tâm bão" cá chết

Hiện nay, người người, nhà nhà đang bất an, lo lắng về hiện tượng cá chết hàng loạt tại Vũng Án. Không ai dám ăn cá, hải sản vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Người này truyền tai người kia về những diễn biến đang xảy ra ở Hà Tĩnh làm vấn đề ngày càng “nóng” lên và trở thành “tâm bão” của tháng Năm.

Giữa tâm bão về vụ cá chết hàng loạt đó, một khóa thiền Tuệ Uyển (ở Long Thành, Đồng Nai) lặng lẽ xuất hiện với chủ đề “Tâm an, thế giới an” những tia nắng ấm áp hé lên vừa kịp lúc để xua đi những lo lắng, nỗi hoang mang trong lòng người, làm dịu đi những “xôn xao” của “bão” dư luận.

Chủ đề khóa thiền “Tâm an, thế giới an” đã nói rõ được sự ảnh hưởng to lớn của một cá thể đối với một tập thể, một cộng đồng, một xã hội. Chỉ cần một người có tâm bình an, hướng thiện, thì sẽ phát ra nguồn năng lượng sạch, năng lượng hòa bình, lan tỏa từ người này sang người kia. Lúc đó cả xã hội đều hưởng được sự an bình.

(Ảnh minh họa)

Trong cuốn “Tâm lý học đám đông”, Gustave Le Bon - nhà tâm lý học xã hội người Pháp cho rằng những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thủy, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường.

Càng ngày xã hội càng phát triển, chúng ta lại nhận thấy lý thuyết của Gustave Le Bon càng đúng. Ngay khi người dân cả nước nghe được thông tin cá chết hàng loạt vì Formosa, người này truyền tai ngươi kia, nhà này kể lại nhà kia, thông tin được chuyển đi một cách nhanh nhất và mọi người đều đứng dậy biểu tình kêu gọi.

Tất cả mọi người đều bị vô thức tác động, thấy người xung quanh mình đứng dậy kêu gọi, mình cũng bị tác động và dẫn đến những tập thể bị cuốn theo phong trào. Mặc dù chúng ta chưa biết kết quả chính xác là thế nào, chúng ta chỉ nghe thông tin và nhìn hình ảnh, chúng ta đã phán đoán sự việc theo cảm nhận, theo suy nghĩ. Chính vì thế xã hội loạn lên vì những cá thể có tâm không tịnh.

(Ảnh minh họa)

Chúng ta đang sống trong một đất nước hòa bình, không chiến tranh, nhưng chính bản thân chúng ta đã làm xã hội trở nên loạn lạc, làm những người xung quanh ta trở nên lo lắng, bất an.

Theo như ông Gustave Le Bon “một cá nhân trong đám đông, là một hạt cát giữa các hạt cát khác, mà gió sẽ khuấy tung lên theo ý muốn”, chỉ cần mọi người hiểu được ý nghĩa của “Tâm an, thế giới an”, mọi người đã góp phần vào sự bình an của đất nước mình nói riêng và thế giới nói chung - Một thế giới an lành, không bạo động, không chết chóc.

Xuân Anh Lê (BVPL)