Quảng Ninh: Phát hiện gần 25 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, chất lượng

Mới đây, Cục QLTT Quảng Ninh phát hiện, thu giữ gần 25 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, chất lượng tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.

Theo đó, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Chi cục Hải Quan cửa khẩu Móng Cái, Đội cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế và chức vụ Công an thành phố Móng Cái tiến hành khám thùng container và đầu kéo do ông Trần Trung Thế (trú quán tại Quảng Ninh) điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện trên phương tiện vận chuyển 2.220 thùng carton chứa 24.420 kg chân gà đông lạnh. Trên mỗi thùng carton có nhãn gốc bằng chữ nước ngoài không thể hiện thông tin nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Trên các nhãn hàng hóa chỉ thể hiện thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản, có mã vạch tuy nhiên không truy xuất được thông tin về sản phẩm. Lái xe không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng.

Bước đầu làm việc với các đối tượng liên quan, lực lượng chức năng xác định chủ lô hàng là ông Nguyễn Thành Long (sinh năm 1980, trú quán tại tỉnh Hải Dương).

Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông Long cho biết toàn bộ số chân gà đông lạnh trên được ông thu mua trôi nổi trên thị trường của người không quen biết để bán kiếm lời. Chủ lô hàng cho biết, toàn bộ số chân gà chưa kịp tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng kiểm tra và tạm giữ.

quang-ninh-phat-hien-gan-25-tan-chan-ga-dong-lanh-khong-ro-nguon-goc-chat-luong
 
Phát hiện gần 25 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, chất lượng

Xét vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự, ngày 06/6, Đội QLTT số 4 đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ và tang vật của vụ việc tới Cơ quan CSĐT Công an thành phố Móng Cái để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, theo nhận định của Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, thực tế, gần như hằng năm đều có các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm với quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng bị phát hiện, gây hoang mang dư luận, chưa kể các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường mà chưa được kiểm soát hiệu quả. Những loại thực phẩm này có thể không gây nguy hại ngay cho người tiêu dùng nhưng chẳng khác nào đem tiền mua bệnh mà không biết.

Vì vậy, trong trường hợp này, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng.

Việc đưa thực phẩm bẩn ra thị trường để tiêu thụ có nguyên nhân lớn từ những người sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả. Do đó, cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc đối với hành vi này để đủ sức răn đe, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Cần nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm và quy trình sản xuất trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để từ đó có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về sản phẩm. Bên cạnh đó, hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng thông minh để thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn cơ hội tồn tại.

Đi đôi với việc tuyên truyền về tác hại của thực phẩm bẩn cũng cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến người tiêu dùng để người dân tự biết bảo vệ mình; lựa chọn các sản phẩm phù hợp và cảnh báo cho cộng đồng biết về những nguy cơ, hành vi sản xuất, kinh doanh gian dối, phi đạo đức.

Theo VietQ