"Phở chém, mì chặt, taxi dù" ở Sân bay Nội Bài đã thực sự được dẹp?

Mặc dù đã được báo chí phản ánh nhiều nhưng nạn phở chém, mì chặt, taxi dù ở sân bay Nội Bài vẫn chưa được giải quyết tận gốc.

Cà phê dở, bánh mì khó nuốt... giá cắt cổ

Đồ ăn vừa chán vừa đắt là nhận định chung của hầu hết những ai từng đi máy bay và có dịp sử dụng dịch vụ ăn uống tại các sân bay. Dù đã được dư luận phản ánh trên nhiều kênh nhưng cho đến nay, tình trạng chặt chém, giá cả đắt đỏ, không tương xứng với chi phí bỏ ra đã khiến nhiều khách hàng bức xúc, thậm chí sợ hãi, ám ảnh, né tránh với việc ăn uống, mua sắm tại các cửa hàng ở các sân bay.

Bánh mì ở Sân bay Nội bài được bán với giá gần 100.000 đồng

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao, chỉ là việc quản lý giá cả trong những gian hàng mà các đơn vị chức năng của Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam, Cảng Sân bay quốc tế Nội Bài vẫn không làm được?

Có mặt tại Sân bay quốc tế Nội Bài một ngày tháng 4/2016, theo ghi nhận của PV báo Gia đình Việt Nam, dù rơi vào ngày thường và vào buổi chiều muộn, lượng hành khách đi các chuyến bay vẫn đông nghịt. Ở cửa ra vào của nhà ga T1, hành khách tập trung khá đông trước quán cà phê kiêm bán đồ ăn nhanh LucKy. Quán này nằm ở ngay sảnh chờ đăng ký thủ tục bay, ký gửi hành lý nên càng thu hút lượng khách sử dụng dịch vụ ăn uống. Nằm ngay ở cửa ra vào, lại ở khu vực ga nội địa và chưa phải khu vực khách ly, lẽ ra giá cả ở đây phải được bán với giá mềm nhất. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, một chiếc bánh mì kẹp lát thịt bé xíu, ít miếng dưa chuột vẫn được bán với giá 79.000 đồng. Một chiếc hamburger kẹp miếng thịt, lát phomai mỏng tanh được bán với giá 95.0000 đồng. Thấy PV còn do dự chưa mua, cô nhân viên bán hàng nhanh nhảu: “Chị mua ở đây đi chứ lát vào khu cách ly thì giá còn đắt hơn nữa”.

 

Mua tách cà phê giá trên trời để... kiếm một chỗ ngồi

Hỏi nhanh một người đàn ông đang nhâm nhi tách cà phê, khách hàng này cho biết, anh mua cốc cà phê với giá gần 60.000 đồng, “Trong khi ở ngoài nó chỉ đáng giá khoảng 25.000 - 30.000 đồng mà còn ngon hơn nhiều. Mấy chiếc bánh mì kiểu “ăn liền” như này (khách hàng chỉ chiếc bánh mì mà con trai đang cầm trên tay– PV), chỉ trẻ con thích nên mình mới mua chứ người lớn ăn thì khó nuốt lắm”, người đàn ông nở nụ cười méo xệch.

Cũng theo vị khách này, quán cà phê kiêm fast food dù đồ ăn chán và đắt nhưng vẫn có nhiều khách hàng tìm đến vì “Vào đây chủ yếu là mua một cái chỗ để ngồi chờ đến lượt làm thủ tục bay”. Rồi anh ra hiệu PV đi lên tầng 2 bởi “trên đó có phở”.

Tầng 2 nhà ga T1 chỉ có duy nhất một địa chỉ ăn uống là nhà hàng Golden Lotus, thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài. Nhà hàng rộng, thoáng đãng, mát mẻ và sạch sẽ, tuy nhiên cả một không gian rộng lớn chỉ lác đác 1,2 vị khách.

Hóa đơn cho một tô bún bò, mà chủ yếu là bún, chỉ có vài ba miếng thịt bò là 45.000 đồng. Cái giá không quá mắc nhưng cũng không hề dễ chịu một chút nào so với chất lượng.

Nhà hàng sang trọng ở Sân bay Nội bài bị khách ngó lơ vì xa "trung tâm" và chất lượng kém

Sân bay Nội Bài được xem là sân bay hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, đứng đầu về cơ sở vật chất hiện đại và chất lượng dịch vụ. Tháng 3/2016, một tổ chức có uy tín về lĩnh vực hàng không thế giới đã vinh danh Sân bay Nội Bài là sân bay cải thiện nhất và lọt top 100 sân bay tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện trạng chất lượng, nạn chặt chém các mặt hàng dịch vụ với mức giá trên trời vẫn khiến nhiều người giật mình về giải thưởng danh giá mới được thế giới trao tặng cho đơn vị này cách đây mấy tháng.

Đó là chưa kể những “tì vết” mà các sân bay khác từng vướng phải. Tháng 7/2015, một khách hàng ở TPHCM cũng bức xúc phản ánh đến báo chí về việc ông phải chi trả 135.000 đồng cho một tô phở được bán ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt câu chuyện này xảy ra chỉ ngay sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (lúc đó đang đương nhiệm) vừa mới có những chỉ đạo quyết liệt về nạn chặt chém ở các sân bay.

Gắn mác "đặc biệt" để lách luật giá cả

Theo quy định về áp trần giá đối với các mặt hàng sản phẩm dịch vụ do Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đưa ra thì có 3 khu vực thông dụng với 3 mức giá bán khác nhau bao gồm khu công cộng, khu cách ly nội địa và cách ly quốc tế. Giá một chai nước tinh khiết loại 0,5 lít tại khu công cộng không được quá 15.000 đồng. Trước đây, tại khu vực này, có những đơn vị niêm yết giá 18.000 đồng một chai. Cùng sản phẩm tương tự, giá tại khu cách ly nội địa không được quá 20.000 đồng. Ở khu cách ly quốc tế, chai nước trên không được bán đắt hơn 2 USD trong nhà hàng và 1 USD tại các khu vực khác (giá cả chưa bao gồm phí phục vụ).

Mỳ, phở, miến, bánh mỳ kẹp cũng vào diện áp dụng mức giá trần. Nếu các món ăn trên không bổ sung thêm thực phẩm, giá không được quá 20.000 đồng mỗi bát hoặc mỗi cái. Còn nếu bổ sung thêm thịt gà, xúc xích... giá không quá 50.000 đồng, trừ trường hợp bổ sung thêm thực phẩm cao cấp hoặc hàng nhập khẩu theo yêu cầu. Riêng tại khu cách ly quốc tế, giá trần cho một bát mỳ, phở... ăn liền không bổ sung thêm thực phẩm là 3 USD.

Tuy nhiên, để hợp lý hóa việc nâng giá, nhiều cửa hàng đã “lách luật” bằng cách đưa ra các loại hình hàng hóa gắn mác “đặc biệt” như “phở đặc biệt”,  “mì đặc biệt”. Theo đó, các sản phẩm này sẽ được bổ sung thêm một vài loại thịt nào đó mà rất khó để người ăn có thể nhận biết được nguồn gốc của chúng. Thậm chí, trong một bát phở/mì đặc biệt, có nhiều loại thịt với các mức giá khác nhau.

Taxi dù ngang nhiên hoạt động vì có sự móc nối?

Theo quy định của sân bay Nội Bài, các xe taxi đón trả khách tại đây phải có phù hiệu và phải “xếp lốt” thứ tự từng hãng một. Hiện tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đang có 12 hãng taxi đăng ký hoạt động, gồm Nội Bài Airport, Thành Công, Ba Sao, Đại Nam, Venus, Mai Linh, Group taxi, ABC taxi, Sao Hà Nội, Việt Thanh, Thiên Phong và Nasco với khoảng 1.200 xe. Theo quy định, mỗi doanh nghiệp vào hoạt động đón/trả khách tại sân bay phải có tối thiểu 100 xe, phải đăng ký biển số xe cụ thể và phải được cấp một thẻ ra vào sân bay. Đặc biệt, mỗi xe phải đóng 1,092 triệu đồng/tháng tiền phí cho sân bay. Một lái xe taxi Hãng Mai Linh cho biết, nếu đúng quy định, cứ khoảng 4 giờ một xe được đón khách một lượt và mỗi xe một ngày phải chạy 3 chuyến mới đủ công.

 

Một taxi dù ngang nhiên qua mặt bảo vệ để đón khách

Quy định là vậy, thế nhưng nạn taxi “dù” vẫn hoành hành, mà nghi vấn là có sự móc nối giữa “cò” với người biết được thông tin về hành khách đi máy bay (phòng vé), dẫn đến việc chèo kéo khách, gây mất an ninh, trật tự.

Cuối năm 2015, 12 hãng taxi đã có văn bản kiến nghị lên Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị với Cảng Hàng không Nội Bài bỏ việc điều hành tại sân bay để tránh sự nhập nhèm cho xe dù. Được biết, trước đó Bộ GTVT có yêu cầu sân bay Nội Bài cần đưa ra biện pháp quản lý linh hoạt hơn, thống nhất với các đơn vị taxi về quy trình quản lý, đảm bảo dịch vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, Cảng Hàng không Nội Bài có trách nhiệm tổ chức, quản lý, điều hành chặt chẽ taxi theo dòng chảy, nếu xuất hiện tiêu cực trong công tác quản lý của nhân viên phải có biện pháp xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nạn taxi dù nhức nhối ở Sân bay Nội Bài hoạt động ra sao, Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh đến độc giả ở bài sau.

Theo Đào Bích (Giadinhvietnam)