Những con số thống kê "giật mình" về cơn mưa chiều 26/9 tại TP.HCM

Trưa ngày 27/9 Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm) đã có những thống kê ban đầu về trận mưa lịch sử tối ngày 26/9.

Những con số thống kê “giật mình” về cơn mưa chiều 26/9 tại TP.HCM

Đường Lê Thánh Tôn, Quận 1 ngập chưa từng thấy trong cơn mưa ngày 26/9

Cụ thể, số liệu cho thấy trời bắt đầu mưa lúc 16h45’ và mở rộng khắp Thành phố trong 1h30’ với vũ lượng phổ biến từ 101mm đến 204,3mm, làm ngập 59 tuyến đường với chiều sâu ngập từ 10cm đến 50m, diện tích ngập từ 100m2 đến 30.000m2.

Trung tâm cho rằng đây là trận mưa cực đoan, lớn nhất từ đầu năm đến nay, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay. Theo đó, đối với tuyến cống cấp 2 vũ lượng mưa trong 1h30’ ứng với chu kỳ 100 năm chỉ là 137,70mm.  

Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian mưa bắt đầu từ 16h30’ đến 17h50’, vũ lượng đạt 170,3 mm (trạm đo Tân Sơn Hòa) do vậy đã xuất hiện ngập cục bộ tại bãi đậu số 11, 12, 13, 14, 15 với chiều sâu ngập 30 cm, tuy nhiên khoảng 1h sau đó nước đã rút hết.

Theo Trung tâm, trước khi cơn mưa xảy ra nơi này đã vớt rác trước miệng thu nước và bố trí nhân sự túc trực tại các vị trí có khả năng gây ngập, trong lúc mưa các nhân viên của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị và nhân viên của Trung tâm đã vớt chướng ngại vật trước các miệng thu hầm ga, khi xảy ra ngập nơi này tiếp tục đề nghị lực lượng PCCC hỗ trợ.

Đánh giá về những nguyên nhân gây ngập, theo Trung tâm trận mưa chiều ngày 26 là trận mưa cực đoan khiến không chỉ các tuyến đường thấp mà một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập trong thời gian mưa như: Phan Xích Long, Trường Sơn, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân...

Ngoài ra tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) còn phổ biến nên khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy.

Không những vậy tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch vẫn còn trong khi việc xử lý còn chậm.

Những con số thống kê “giật mình” về cơn mưa chiều 26/9 tại TP.HCM

Thống kê vũ lượng tại một số địa điểm tỏng cơn mưa tối qua

Về nguyên nhân chủ quan, Trung tâm cho rằng thời gian qua nơi này đã phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các quận/huyện rà soát các điểm ngập còn lại để đề xuất đầu tư dự án (giai đoạn 2016-2020) và dù nhiều dự án đã được triển khai nhưng tiến độ chậm do vướng thủ tục.

Trong khi đó một số dự án thoát nước đang triển khai thi công nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu.

Để khắc phục tình trạng này tại một số tuyến đường đã xử lý ngập bằng giải pháp tạm như đấu nối mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo miệng thu….

Cụ thể trong năm 2016, Trung tâm đã triển khai thực hiện 70 hạng mục công trình cấp bách (đấu nối, mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo một số đoạn cống làm thu hẹp dòng chảy cho điểm ngập…) và đến nay đã thi công xong 57 hạng mục công trình.

Cũng theo Trung tâm, để triển khai phương án ứng cứu đối với những vị trí có khả năng bị ngập nặng, nơi này đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân công là 153 người; Xe cẩu 5T: 11 chiếc; Xe tải 2,5T đến 5T: 11 chiếc; Xe hút: 03 chiếc; Bơm từ 168m3/h đến 250m3/h: 12 máy; Hàng rào, biển báo phục vụ công tác phân luồng giao thông.

Thời gian từ thời điểm nhận lệnh ứng cứu đến thời điểm bố trí xe máy thiết bị và nhân lực ngoài hiện trường  ≤ 30 phút với mục tiêu giảm nhẹ đến mức thấp nhất mức độ ngập (độ sâu, phạm vi và thời gian ngập); không để xảy ra thiệt hại đối với an toàn, sức khỏe, tài sản của người dân.

Tuy vậy trong bản báo cáo Trung tâm không đề cập đến trách nhiệm của mình trong sự việc hôm qua.

Theo infonet