Những cách chi tiêu khiến bạn dễ mắc bẫy nợ nần

Mua hàng chỉ vì được giảm giá, lấy tiền của người khác để chi tiêu,... sẽ khiến bạn sớm trở thành "Chúa Chổm".

Mua đồ chỉ vì chúng được bán giảm giá

Mua đồ trong những dịp giảm giá thật tuyệt nhưng mua đồ chỉ vì chúng được bán giảm giá lại là một chuyện khác. Các cửa hiệu thường sử dụng chiêu thức giảm giá, khuyến mại để khiến bạn phải bỏ tiền ra mua những thứ bạn không có ý định mua từ trước, đây thường là những những món đồ bạn không quá cần hoặc quá thích.

Ảnh: Telegraph

Trước khi định mua một món đồ giảm giá, hãy suy nghĩ liệu bạn có thực sự muốn nó đến mức bạn sẵn sàng mua nó kể cả khi không được giảm giá. Nếu câu trả lời là có, thì hãy nên mua. Còn nếu câu trả lời là không, tức là bạn không nhất thiết phải mua nó.

Không chú ý đến các hóa đơn mua sắm

Đã bao giờ bạn tự hỏi, không biết tiền của mình đi đâu mất. Câu trả lời rất dễ: Hãy xem lại các hóa đơn của bạn ít nhất mỗi tháng một lần và ghi lại bất kỳ khoản chi nào của bạn.

Bằng cách định kỳ nhìn lại danh sách chi tiêu, bạn sẽ giải thích được mình đã tiêu tiền như thế nào, và bạn sẽ phát hiện ra những thói quen chi tiêu xấu của mình. Bạn có thể nhận ra mỗi ngày bạn bỏ ra mấy chục nghìn để mua nước ngọt, cuối tháng cộng lại đã ra một con số không nhỏ. Bạn cũng có thể phát hiện ra bình gas này bạn dùng nhanh hết hơn bình gas trước, bạn đã bị tính phí một dịch vụ viễn thông sau một tháng dùng thử.... Rà soát chi tiêu đảm bảo bạn không mù quáng khi xuất tiền.

Mua hàng không bằng tiền của bạn

Thẻ tín dụng và vay mượn là một giải pháp dễ dàng khi bạn không có tiền. Vay tiền cho những thứ bạn không thực sự cần thiết sẽ chỉ khiến tình trạng nợ nần của bạn thêm tồi tệ. Tốt nhất chỉ nên chi tiêu cho những gì thật cần thiết, và nên nhận một số công việc nhỏ làm thêm cũng như bán vợi những món đồ không cần thiết.

Khi bạn có dự định đi sâu vào nợ nần, ví dụ vay tiền để mua xe, mua nhà, cần phải xem xét các điều khoản trả nợ cẩn thận. Hãy chắc chắn rằng bạn có một kế hoạch chi tiết để trả các khoản vay có thời hạn này. Ngoài ra, bạn cũng nên làm các phép so sánh: có nhất thiết phải vay nhiều tiền để xây nhà to hay chỉ cần xây ngôi nhà vừa phải.

Sử dụng các chương trình tích điểm

Rất nhiều siêu thị, nhà hàng và các hãng thẻ có chương trình tích điểm hay tặng voucher. Tuy nhiên, để đạt tới số điểm được tặng quà, chắc chắn bạn đã phải chi tiêu rất nhiều. Vì thế hãy thận trọng khi tham gia các chương trình tích điểm.

Chờ đợi một phép màu

Mua xổ số, đánh bạc không bao giờ là một kế hoạch tài chính bền vững. Đầu tiên, thói quen này sẽ làm hao hụt túi tiền của các bạn. Thứ hai, nếu số phận may mắn cho bạn một “cục tiền rơi vào đầu” mà bạn không có các thói quen tài chính tốt, bạn vẫn có thể phá sản một lần nữa. Thay vì chờ đợi một ngôi sao mang đến phép màu, tốt nhất hãy quản lý tiền bạc của mình bằng cách phát triển những thói quen chi tiêu tốt ngay từ bây giờ.

Theo đuổi lối sống đua đòi, lạm phát

Nếu A kiếm được 200 triệu nhưng chỉ tiêu 150 triệu mỗi năm, B kiếm được 500 triệu nhưng tiêu hết 600 triệu, ai quản lý tài chính tốt hơn?

Tất nhiên, bạn có thể chi tiêu mạnh tay hơn khi bạn được tăng lương hoặc có một công việc tốt hơn, nhưng bạn chỉ nên chi tiêu trong khả năng của mình. Lối sống hoang phí, đua đòi sẽ khiến bạn sớm khánh kiệt. Chắc chắn sẽ luôn có người sành điệu hơn bạn, vì thế bạn không cần phải làm bất cứ so sánh nào. Hãy hạnh phúc với những gì mình có.

Trả nhiều hơn số tiền bạn cần phải trả

Đôi khi chúng ta quên mất mình có lựa chọn khác thay vì phải trả giá đầy đủ cho một món đồ. Bạn có thể mua hàng đã qua sử dụng. Một số món hàng bị trả về của các cửa hiệu đôi khi chỉ do người mua trước không thích màu sắc đó. Bạn có thể đến thư viện mượn sách và đĩa thay vì bỏ tiền ra mua. Nếu bạn lên kế hoạch sớm cho các chi tiêu lớn như các kỳ nghỉ, xe cộ... bạn có thời gian để mua được hàng ở giá tốt nhất.

Không tiết kiệm cho ngày khó khăn

Khi đó, cũng giống như khi bạn đi trời mưa mà quên mang theo ô hay áo mưa. Đừng để điều này xảy ra với cuộc sống tài chính của bạn. Đừng tiêu tiền chỉ vì trong túi bạn có tiền. Có một số tiền dư sẽ vô cùng hữu ích trong trường hợp bệnh tật, mất việc...

Trên tất cả, hãy đảm bảo bạn có một kế hoạch tài chính và luôn theo sát nó, để bạn có thể tránh xa những thảm họa do thiếu tiền mang lại.

Theo Kim Anh (VnE)