Nhiều quý ông nhập viện cấp cứu vì uống thuốc giải rượu

Nhiều quý ông khi uống rượu rỉ tai nhau uống thêm viên thuốc giải rượu để uống được nhiều và đỡ say. Tuy nhiên, vì lạm dụng thuốc giải rượu, nhiều người đã phải nhập viện vì ngộ độc, suy gan, thậm chí có trường hợp bị ảo giác, trí nhớ giảm sút.

Nhập viện vì lạm dụng thuốc giải rượu

Chỉ vì tin vào quảng cáo về các loại thuốc giải rượu trên thị trường, mới đây, một bệnh nhân tên Trần Duy Tuấn (Hoàng Cầu, Hà Nội) đã phải tới cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai với triệu chứng chảy máu dạ dày, suy gan. Tuấn vốn là nhân viên kinh doanh, thường xuyên tiếp khách giúp sếp. Nghe bạn mách uống viên giải rượu trong khi uống rượu sẽ giúp chống say và uống được nhiều hơn nên Tuấn đã mua về sử dụng. Tuy nhiên, do lạm dụng, sử dụng thuốc quá nhiều nên anh thường xuyên bị mẩn ngứa, nổi mụn, tức ngực. Đến khi nhập viện, Tuấn mới ngã ngửa khi biết mình đã rước họa vì trót tin vào... "thần dược" giải rượu.

Nghe nhân viên nhà thuốc giới thiệu về viên giải rượu bán chạy nhất là W.S có giá 20.000 đồng/4 viên, chị Thanh Hà (Xuân Thủy, Cầu Giấy) đã mua cho chồng uống. Tuy nhiên, theo phản ánh của chị, chồng chị đi uống rượu bia về vẫn say như thường, tiền mất nhưng "tật" vẫn mang.

BS Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, khi rượu vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành acetaldehyd, một chất gây ra các biểu hiện mất tỉnh táo. Các thành phần trong thuốc giải rượu giúp giảm sự tạo thành acetaldehyd và đào thải nó khỏi cơ thể. Tuy nhiên, dùng các loại sản phẩm này thường xuyên sẽ làm tăng men gan, giảm chất bảo vệ gan, hoại tử tế bào gan, viêm loét đường tiêu hóa. Vì vậy, dùng nhiều loại thuốc giải rượu, mà được cho là thần dược này, rất dễ bị ngộ độc nặng.

Bác sỹ Nguyên khẳng định, viên giải rượu là thực phẩm chức năng không phải là thuốc. Các viên giải rượu có mặt trên thị trường hiện nay gồm nhiều loại: R.U- 21, ME-21, Mewol-21 và gần đây là Voskyo... Các viên này có thành phần tương tự nhau, chủ yếu gồm đường, vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic và các enzyme nên chì có tác dụng tạm thời. Ngoài ra, viên giải rượu không thể bảo vệ hoặc phục hồi chức năng gan và hệ thần kinh trung ương. Vì thế, người tiêu dùng tuyệt đối không được lạm dụng thuốc, tránh "sai một li đi một dặm".

Hậu quả khôn lường

Trao đổi với PV, bác sỹ Vũ Hải, thuộc Bệnh viện K Trung ương, cho biết, đã bị say rượu mà dùng viên giải rượu tức là bạn đang “ép” các bộ phận trong cơ thể làm việc vất vả gấp nhiều lần. Hai cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất là gan và hệ thần kinh. 

Rượu xâm nhập hệ thần kinh rất nhanh, làm thay đổi chuyển hóa cơ bản các tế bào não ở rrhững vùng chịu trách nhiệm về nhân cách, phán đoán, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác... Việc uống viên giải rượu vào lúc này sẽ làm tăng gánh nặng cho não. 

Vì vậy, người liên tục dùng viên giải rượu và rượu cùng lúc sẽ nhanh chóng bị sa sút về nhận thức, rối loạn hành vi... Rượu và thuốc cùng một lúc được chuyển hóa qua gan làm gan tê liệt, gan làm việc quá tải, gây tích lũy chất độc ở gan, trường hợp nặng còn gây hoại tử gan.

Không có một “thần dược” nào giúp người uống rượu không say, uống viên giải rượu để tăng khối lượng rượu khi đi nhậu chỉ chuốc thêm họa vào thân. Có trường hợp suýt mất mạng vì tưởng mình đã có thuốc giải rượu nên cứ uống thoải mái. 

Thay vì sử dụng viên giải rượu, chị em có thể sử dụng gừng tươi để giúp giải rượu cho ông xã nhanh hơn. Chị em chỉ cần thái một củ gừng tươi khoảng 60 gram thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống. Vị gừng nóng có tác dụng chống say rượu, vì gừng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để hấp thụ nhanh và giúp giải say rượu.

Cũng có thể dùng một ít búp trà (búp chè tươi, độ 10g), một ít cà rốt (50 - 60g) và vỏ của quả bí xanh 10 - 15g đem nấu chưng lấy nước để uống giải rượu. Hay có thể dùng vỏ quýt phơi khô chừng 25 - 30g đem sao thơm, tán nhỏ, cùng hai quả mơ chua bỏ hạt, cắt nhỏ, rồi đem cả hai nấu với khoảng một chén rưỡi nước đến chín thì gạn lọc lấy nước (bỏ xác) để dùng.

Trường hợp không may bị bất tỉnh do uống rượu say có thể dùng một ít đậu đen nấu lấy nước uống và cho nôn ra thì khỏi. Hoặc dùng một ít búp chè tươi, vài quả quất (thường có trong các gia đình ngày Tết) đem hãm với nước sôi (chưng cách thủy) lấy nước dùng. Dân gian còn có cách giải rượu bằng cách lấy bột sắn dây hòa với nước uống, hoặc hoa sắn dây đem nấu nước dùng. Nước chanh, nước cam cũng là cách đơn giản để giải bớt lượng rượu đã đưa vào cơ thể...

Theo Anh Khoa (Chuyện Đời)