Người Việt ăn rất mặn nhưng lại thiếu i-ốt trầm trọng, nguyên nhân và cách phòng bệnh

Một nghịch lý đáng lo ngại là người Việt ăn rất mặn nhưng lại thuộc top các quốc gia thiếu i-ốt trầm trọng nhất trên thế giới.

Năm 2005, Việt Nam tạm thời khống chế được nạn bướu cổ ở trẻ em do thiếu i-ốt ở mức dưới 5%. Tuy nhiên, con số này đã lại vọt lên mức 10% theo thống kê từ năm 2013-2014.

PGS.TS Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện có khoảng 90% người dân Việt Nam đang ăn mặn, thừa muối so với khuyến cáo WHO. Nhưng nghịch lý là nước ta lại đang là một trong 19 quốc gia có tình trạng thiếu i-ốt trầm trọng nhất thế giới.

Người Việt ăn rất mặn nhưng lại thiếu i-ốt trầm trọng, nguyên nhân và cách phòng bệnh

 Thiếu i-ốt làm giảm khả năng hoạt động của tuyến giáp gây bướu cổ. Ảnh minh họa

Nguyên nhân của tình trạng đáng báo động này là do người dân giữ thói quen dùng các sản phẩm nêm nếm như nước mắm, nước tương, bột canh, các loại bột nêm hay các loại đồ ăn sẵn, thịt hộp.v.v... mà không quan tâm đến hàm lượng i-ốt có trong chúng. Chính vì thế, dù ăn mặn nhưng vẫn bị thiếu i-ốt là chuyện khó tránh khỏi.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một người trưởng thành mỗi ngày nên sử dụng ít hơn 6 gam muối (khoảng một thìa cà phê), nếu nhiều hơn thì được coi là ăn mặn. Cùng với đó, nhu cầu i-ốt ở người bình thường vào khoảng 150cmg/ngày, ở trẻ em là 90-120 mcg/ngày.

Việc ăn mặn, nhưng lại thiếu i-ốt dẫn đến tình trạng giữ nước trong các bệnh suy tim, thận nhiễm mỡ; gây phù chu kỳ, phù vô căn, tăng co thắt, kích thích cơn suyễn. Ăn mặn cũng liên quan đến ung thư dạ dày, làm tăng thải canxi qua thận làm tăng nguy cơ loãng xương.

Người Việt ăn rất mặn nhưng lại thiếu i-ốt trầm trọng, nguyên nhân và cách phòng bệnh

  Cần bổ sung i-ốt và các sản phẩm chứa i-ốt trong bữa ăn. Ảnh minh họa

Tình trạng thiếu i-ốt xảy ra khi lượng i-ốt được nạp vào cơ thể ở mức thấp hoặc không có trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và giảm trí nhớ.

I-ốt là vi chất cần thiết cho hoạt động chính xác của tuyến giáp. Khi cơ thể bị thiếu i-ốt, tuyến giáp có thể không còn khả năng tổng hợp đủ lượng hormone, trẻ em sẽ bị ảnh hưởng sự phát triển chiều cao, cân nặng, chậm trí tuệ, làm giảm kết quả học tập. Biểu hiện dễ thấy của người thiếu i-ốt thời gian dài là xuất hiện cục bướu ở cổ. Phụ nữ mang thai bị thiếu i-ốt dễ bị sẩy thai, sinh non, lưu thai.

Để tránh những hệ lụy khôn lường từ thiếu i-ốt, các gia đình nên thay đổi thói quen sử dụng gia vị nêm nếm trong bữa ăn. Nên sử dụng các sản phẩm có chứa i-ốt, nhận biết bằng cách chú ý thành phần được in trên bao bì. Ngoài ra, i-ốt cũng có thể được bổ sung thông qua các thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày như hải sản, cá biển, cua, ghẹ biển, rong biển, trứng gà, rau cần, khoai tây, cải thảo, rau dền.v.v...

Theo VietQ