Muốn con tự lập đừng gọi con dậy buổi sáng

Nếu người Nhật cho rằng: trẻ đi học muộn là do trẻ không tự dậy sớm thì các mẹ Việt lại nhận trách nhiệm này thuộc về mình. Suy nghĩ này khiến trẻ mất dần tính tự lập.

Con đi học muộn - Lỗi cha mẹ?

Tại Việt Nam, gọi con dậy buổi sáng để kịp giờ đi học dường như đã thành một thói quen hiện hữu trong các gia đình có trẻ đang tuổi đến trường. Chẳng hề ngạc nhiên nếu bạn ngủ lại qua đêm ở một gia đình nào đó và sáng sớm giật mình thức giấc bởi những tiếng hô hào, tiếng gọi trẻ dậy như “hò đò”.

Ở nhiều nhà, không chỉ có bố mẹ gọi con mà ông bà cũng tham gia vào “chiến dịch” gọi cháu. Thế nên, “náo loạn” là từ mà nhiều người vẫn dùng để miêu tả buổi sáng tại gia đình mình. Có rất nhiều lý do để giải thích cho việc này, trong đó phần lớn mọi người đều cho rằng: “Trẻ còn nhỏ, chưa có ý thức nên nếu không gọi sẽ bị muộn học”. Và một khi muộn học, trẻ sẽ bị phạt, trừ hạnh kiểm, thậm chí, trong buổi họp phụ huynh, cha mẹ sẽ bị cô giáo nhắc nhở vì không chịu gọi trẻ dậy sớm..

Vậy là, với ngần ấy lý do, buổi sáng của trẻ em Việt thường bắt đầu bằng tiếng gọi. Và đương nhiên, trách nhiệm gọi con sẽ thuộc về cha mẹ, ông bà – những người đã có ý thức về việc đi muộn sẽ phải chịu hậu quả gì.

Muốn con tự lập đừng gọi con dậy buổi sáng

Tự thức dậy để hiểu luật “Nhân – quả”

Khác với quan điểm của người Việt, các mẹ Nhật lại cho rằng: hãy để con tự dậy buổi sáng, bởi dậy sớm để đi học đúng giờ là trách nhiệm của mỗi đứa trẻ chứ không phải của cha mẹ. Đánh thức trẻ dậy mỗi sáng chính là bạn đã “cướp” đi công việc của trẻ cũng như tước đoạt quyền được tự lập của con. Việc này dần dần sẽ khiến trẻ ỉ lại, thui chột tính tự giác. Bởi rõ ràng, nếu đã được cha mẹ đánh thức, thúc giục, chẳng có lý do gì để trẻ cần tự mình phải dậy.

Hơn nữa, nếu bố mẹ đã nhận trách nhiệm gọi con dậy vào mỗi sáng, con đi học đúng giờ - đây là điều không có gì cần nói. Ngược lại, nếu bố mẹ đã đánh thức con và con vẫn đi học trễ thì đây là lỗi của ai? Chắc chắn đứa trẻ sẽ nói: “Tại vì bố mẹ không gọi con dậy đúng giờ nên con mới muộn học”. Lúc này, trẻ sẽ mặc định việc đi học trễ không phải là do lỗi của mình. Chính việc nghĩ rằng đây là lỗi của bố mẹ nên trẻ cho rằng mình không phải thay đổi, bố mẹ mới là cần cần phải thay đổi, phải sửa lỗi.

Muốn con tự lập đừng gọi con dậy buổi sáng

Trong khi đó, nếu để trẻ tự dậy, cũng sẽ có 2 trường hợp: Trẻ dậy sớm và đi học đúng giờ, đó là điều đáng khen. Vậy còn nếu trẻ dậy muộn và vào lớp trễ hơn các bạn thì sao? Đương nhiên trẻ sẽ bị thầy cô giáo nhắc nhở và bị phạt. Hãy để trẻ “nếm” cảm giác vào lớp muộn khi các bạn mình và cô giáo đã yên vị trong lớp. Khi đó, trẻ sẽ tự cảm thấy xấu hổ. Trải nghiệm cảm giác này 1-2 lần sẽ khiến trẻ tự rút kinh nghiệm.

Và như thế bài học về “Nguyên nhân – Kết quả” sẽ hiện thị rõ hơn. Trẻ biết rằng, nguyên nhân khiến mình đi học muộn chính là do bản thân mình dậy muộn, không phải do lỗi của bố mẹ mình. Từ đó, trẻ sẽ hiểu: nguyên nhân xấu – dậy muộn, sẽ dẫn đến hậu quả xấu – đi học muộn. Và chỉ cần thay đổi nguyên nhân ấy thì kết quả cũng sẽ thay đổi được.

Muốn con tự lập đừng gọi con dậy buổi sáng

“Tự dậy buổi sáng – không khó chút nào”

Hãy nói với trẻ như vậy nếu trẻ phản ứng: “Con không thể tự dậy được buổi sáng đâu, điều này quá khó với con”. Đồng thời, bố mẹ hãy giải thích cho con hiểu rằng, nếu sáng nào bố mẹ cũng gọi con dậy thì con sẽ không thể trở thành người tự lập được. Hãy tặng con một chiếc đồng hồ báo thức, hướng dẫn con cách sử dụng nó, thảo luận với con nên đặt chuông báo thức vào lúc mấy giờ để dậy kịp ăn sáng, mặc quần áo mà vẫn không bị muộn học.

Bạn cũng đừng quên nhắc cho con biết, ngày đầu tiên khi phải tự mình thức dậy có thể là rất khó, nhưng một rồi hai, ba ngày sau, con sẽ thấy việc này chẳng có gì là khó cả. Và bố mẹ cũng hãy quyết tâm không đánh thức trẻ dù có chuyện gì đi nữa.

Trẻ con thích được khen ngợi. Nếu buổi sáng, đứa trẻ của bạn tự mình thức dậy mà không cần bố mẹ, hãy khen ngợi chúng, nó với chúng rằng bạn rất tự hào. Sẽ chẳng có đứa trẻ nào không vui mừng và hạnh phúc khi vừa tự mình thức dậy được và còn được bố mẹ khen nữa. Điều này giúp trẻ tự tin hơn và cố gắng hơn vào những ngày sau.

Ông bà ta từ xưa đã có câu “Dạy con từ thuở còn thơ” và câu này đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Ngay từ khi con nhỏ, nếu trẻ được bố mẹ dạy những điều hay, rèn luyện những thói quen tốt thì đứa trẻ đó lớn lên sẽ trở thành một người có trách nhiệm, tự lập. Thế nên, hãy giúp trẻ rèn thói quen tốt từ những việc làm nhỏ, các mẹ nhé!

Theo thế giới trẻ